* Hỏi: Chị tôi tên A. đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) là di sản thừa kế của cha tôi. Hồ sơ thể hiện những người thừa kế đến phòng công chứng khai nhận di sản thừa kế, ký văn bản tặng cho chị A. kỷ phần thừa kế của mình. Tuy nhiên chữ ký trong văn bản nêu trên không phải của tôi vì thời điểm đó tôi đang đi học ở nước ngoài (đã giám định). Xin luật sư tư vấn, liệu văn bản khai nhận di sản thừa kế và văn bản tặng cho kỷ phần thừa kế có giá trị pháp lý hay không?
Nguyễn Văn Tuấn (H.Định Quán)
Ảnh minh họa |
- Trả lời: Theo Luật Công chứng năm 2014: Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng… Tuy nhiên, việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng...
Luật Công chứng hiện hành cũng quy định, việc điểm chỉ cũng có thể thực hiện đồng thời với việc ký trong các trường hợp sau đây: công chứng di chúc; theo đề nghị của người yêu cầu công chứng; công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng…
Thông tin anh cung cấp thể hiện thời điểm công chứng anh không có mặt tại văn phòng công chứng cũng như chữ ký không phải của anh (điều này đã có kết luận giám định của cơ quan có thẩm quyền). Như vậy, văn bản khai nhận di sản thừa kế và văn bản tặng cho kỷ phần thừa kế không có giá trị pháp lý.
Nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, anh có thể yêu cầu tuyên bố những văn bản nêu trên vô hiệu tại TAND cấp huyện nơi trụ sở tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng để thụ lý giải quyết theo thẩm quyền.
LS Ngô Văn Định
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin