Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng tránh xe ô tô bị nổ lốp gây tai nạn

07:04, 06/04/2022

Thời gian gần đây, các vụ tai nạn giao thông (TNGT) do nổ lốp xe ô tô khi lưu thông trên đường (đặc biệt là đường cao tốc) thường hay xảy ra. Điều này cho thấy tầm quan trọng của lốp xe hay việc kiểm tra các thiết bị, bộ phận của phương tiện phải đảm bảo an toàn trước khi tham gia giao thông.

Thời gian gần đây, các vụ tai nạn giao thông (TNGT) do nổ lốp xe ô tô khi lưu thông trên đường (đặc biệt là đường cao tốc) thường hay xảy ra. Điều này cho thấy tầm quan trọng của lốp xe hay việc kiểm tra các thiết bị, bộ phận của phương tiện phải đảm bảo an toàn trước khi tham gia giao thông.

Hiện trường chiếc xe tải đang lưu thông thì bị nổ lốp dẫn đến tai nạn trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Thanh Hải
Hiện trường chiếc xe tải đang lưu thông thì bị nổ lốp dẫn đến tai nạn trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Thanh Hải

Việc lựa chọn, sử dụng cũng như chăm sóc, bảo dưỡng lốp xe chưa được một số chủ phương tiện quan tâm.

* Nguy cơ mất an toàn

Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) vừa nêu các nguyên nhân dẫn đến TNGT trên 2 tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Theo đó, từ đầu năm 2021 đến nay, trên 2 tuyến đường này xảy ra 106 vụ tai nạn giao thông, làm chết 10 người, bị thương 36 người. Riêng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây xảy ra 30 vụ, làm chết 3 người, bị thương 14 người.

Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNGT là: không chú ý quan sát (26,39%); đi không đúng chiều đường, phần đường, làn đường quy định (22,33%); chuyển hướng không đúng quy định (11,03%); không giữ khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước (8,66%); vi phạm tốc độ (4,87%); tránh, vượt xe khi không đảm bảo an toàn (5,68%); không chấp hành quy định về nhường đường (2,03%); sử dụng rượu, bia (2,98%); không chấp hành quy định về báo hiệu đường bộ (2,77%). Đối với nguyên nhân lốp xe bị thủng chiếm 0,94%.

Thực tế cho thấy, không hiếm trường hợp ô tô đang lưu thông trên đường thì bị nổ lốp, gây TNGT thiệt hại về người và tài sản. Nhiều trường hợp khi nổ lốp trước, xe sẽ bị mất lái lao ra ngoài làn đường, thậm chí xe bị lật, rất nguy hiểm. Trường hợp nếu xe bị nổ lốp sau dẫn đến bị mất thăng bằng, va chạm với các phương tiện khác.

Ông Đặng Văn Xuân, nhân viên một trung tâm đăng kiểm xe cơ giới ở TP.Biên Hòa cho biết, lốp xe ô tô thiếu hơi được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bị nổ lốp. Lốp xe thiếu hơi khiến các thành phần cấu tạo của lốp bao gồm: dây thép, cao su, gai lốp và cả tanh lốp phải hoạt động quá sức. Ngoài ra, thiếu hơi sẽ khiến lốp xe không được làm mát, cộng thêm diện tích ma sát giữa lốp và mặt đường sẽ gây nên tình trạng quá nhiệt và dễ phát nổ.

Trong các tiêu chí khi thực hiện đăng kiểm phương tiện, lốp xe sẽ được kiểm tra kỹ có đảm bảo các yếu tố về chất lượng hay không. Lốp xe nếu quá cũ, lốp sẽ mòn đến điểm giới hạn và khi vận hành ở tốc độ cao, các tác nhân nhiệt độ, áp suất và sức chịu tải sẽ làm hỏng lốp xe dẫn đến TNGT.

Theo ông Xuân, xe ô tô chở quá tải cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nổ lốp. Nếu phương tiện chở quá tải, nhiệt sinh ra trong quá trình ma sát với mặt đường và việc di chuyển qua các đoạn đường lồi lõm sẽ đẩy sức chịu đựng của lốp đi quá giới hạn. Và, tình huống xe ô tô bị nổ lốp là điều khó tránh khỏi.

“Lốp xe cũng có thể dễ dàng bị nổ nếu người điều khiển lái với tốc độ cao, cua gấp trong khi lốp đã bị mòn quá nhiều. Khi xe đang chạy ở tốc độ cao, việc ôm cua có thể làm cho lốp bị bẻ ngang rất mạnh, khiến cho thành lốp phải chịu tải đè nặng làm tăng nguy cơ bị nổ lốp” - ông Xuân nói.

* Tâm lý còn chủ quan, coi nhẹ

Khi lưu thông với tốc độ cao như ở trên đường cao tốc, các phương tiện cần đảm bảo an toàn đối với lốp xe. Trong khi đó, nhiều người sử dụng ô tô vẫn còn tâm lý chủ quan, coi nhẹ vấn đề này. Do không nắm rõ được tình trạng của lốp dẫn tới vẫn sử dụng lốp kém an toàn, khiến khả năng nổ lốp cao.

Ông Hoàng Tuấn Vũ, chủ garage ô tô Tuấn Vũ (TP.Biên Hòa) cho hay, hiện các garage sửa chữa ô tô chủ yếu chẩn đoán tình trạng của lốp qua kinh nghiệm quan sát bề mặt lốp của thợ như: áp suất lốp, các dấu hiệu lão hóa cao su trên bề mặt lốp, các vết nứt, lỗ thủng trên bề mặt lốp hoặc dùng thước đo độ sâu để biết được trạng thái mòn của gai lốp. Tuy nhiên, thiết bị chẩn đoán chuyên sâu về lốp chưa được sử dụng nhiều. Chủ xe muốn kiểm tra chất lượng phải đến các hãng xe ô tô.

“Người lái xe ô tô thường có thói quen thay lốp xe theo số km lăn bánh. Nhưng đối với những phương tiện lưu thông ở các địa hình phức tạp, chất lượng mặt đường không tốt hay xe chạy không thường xuyên thì việc kiểm tra, thay lốp phải chú ý hơn” - ông Vũ nói.

Mới đây,  Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã đưa ra hướng dẫn cách lưu thông an toàn khi phương tiện gặp vấn đề lốp xe. Đầu tiên, người điều khiển xe phải bình tình giữ vững vành lái. Tuyệt đối không đạp phanh hoặc đánh tay lái về hướng ngược lại với phía xe bị nghiêng, khiến tình trạng mất cân bằng của xe sẽ tăng lên. Khi kiểm soát được tốc độ, người lái nhanh chóng di chuyển xe vào khu vực an toàn và dừng xe lại để kiểm tra. Nếu có lốp dự phòng và dụng cụ thay lốp thì có thể tiến hành thay lốp ngay hoặc gọi cứu hộ để đưa xe về garage tiến hành sửa chữa.

Bên cạnh đó, đa số ô tô hiện đại đều được trang bị hệ thống phân phối lực phanh điện tử, hệ thống cân bằng điện tử hay các giải pháp như thiết bị an toàn khẩn cấp khi xe nổ lốp… nên khi tình trạng nổ lốp xảy ra, những hệ thống này sẽ can thiệp và đảm bảo an toàn cho xe. Lốp ô tô là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với mặt đường, chịu toàn bộ tải nên để đảm bảo xe di chuyển an toàn, lốp ô tô cần được kiểm tra, thay mới theo yêu cầu của nhà sản xuất.

Liên quan đến vấn đề chất lượng lốp xe, Bộ GT-VT đã ban hành QCVN 34:2017/BGTVT ngày 22-9-2017 quy chuẩn quốc gia về lốp hơi dùng cho ô tô. Các loại lốp quy định trong quy chuẩn được sử dụng lắp trên ô tô trong nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam phải thỏa mãn các yêu cầu theo quy định nhằm kiểm soát chất lượng của lốp ô tô.

Thanh Hải

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích