Ngay từ những ngày đầu năm học mới 2020-2021, các trường học trên địa bàn tỉnh đã chú trọng công tác giáo dục về an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh. Thế nhưng, sau thời gian dài gián đoạn nghỉ học vì phòng dịch Covid-19 thì nhiều phụ huynh học sinh có tâm lý chủ quan về vấn đề đảm bảo an toàn trong việc đến trường.
Ngay từ những ngày đầu năm học mới 2020-2021, các trường học trên địa bàn tỉnh đã chú trọng công tác giáo dục về an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh. Thế nhưng, sau thời gian dài gián đoạn nghỉ học vì phòng dịch Covid-19 thì nhiều phụ huynh học sinh có tâm lý chủ quan về vấn đề đảm bảo an toàn trong việc đến trường.
Hiện nay, tình trạng học sinh đi xe máy đến lớp rất phổ biến, nhiều em chưa đủ tuổi để điều khiển những phương tiện phân khối lớn này. Trong ảnh: Học sinh Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) đi xe máy về nhà sau giờ tan học |
Thời gian gần đây, tình trạng học sinh vi phạm giao thông, như: không đội mũ bảo hiểm, chạy dàn hàng ngang… vẫn diễn ra phổ biến.
Phụ huynh chở con em trên một tuyến đường (đoạn qua P.Tân Hiệp,TP.Biên Hòa) nhưng không đội mũ bảo hiểm khi lưu thông trên đường đoạn qua P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) |
Qua ghi nhận thực tế, việc vi phạm xảy ra chủ yếu với học sinh THCS, THPT khi sử dụng xe đạp điện, xe phân phối lớn để đến trường mà thiếu các biện pháp đảm bảo an toàn. Nhiều trường hợp các em vừa lưu thông hàng hai, hàng ba, vừa đùa giỡn, xô đẩy nhau trên đường, chỉ cần 2 xe va quẹt vào nhau, người văng ra đường sẽ rất nguy hiểm. Đa phần các em học sinh còn thiếu kỹ năng lái xe, thiếu kinh nghiệm phán đoán và xử lý tình huống.
Nhiều em học sinh đi xe đạp điện vừa không đội mũ bảo hiểm vừa dàn hàng hai, hàng ba trên đường Lê Quý Đôn (đoạn qua P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) |
Bên cạnh đó, không ít phụ huynh còn chủ quan, xem nhẹ việc đảm bảo ATGT khi đưa đón học sinh đến trường. Một số phụ huynh chở con em trên đường nhưng không đội mũ bảo hiểm cho trẻ; đặt trẻ ngồi, đứng trên phần để chân của xe tay ga; thậm chí phụ huynh vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại… Chính sự chủ quan, liều lĩnh này dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra những tai nạn giao thông đáng tiếc.
Học sinh Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) đi dàn hàng ngang xuống đường, trong khi cầu vượt đường bộ gần đó thì không sử dụng, gây cản trở, mất an toàn giao thông |
Để khắc phục tình trạng học sinh vi phạm giao thông, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Trong đó, nhà trường, Đoàn thanh niên cần phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật về ATGT, hướng dẫn các em những quy tắc bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.
Về phía phụ huynh, cần cân nhắc trước khi mua các loại xe phân phối lớn cho con; đồng thời trang bị cho con kiến thức pháp luật về ATGT; thường xuyên theo dõi và nhắc nhở để các em chấp hành tốt, biết cách phòng ngừa tai nạn, rủi ro khi lưu thông trên đường. Từ đó giúp các em nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông; có ý thức tuân thủ pháp luật về ATGT để đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân mình và mọi người.
Xe đưa đón học sinh Trường THCS Hòa Hưng (P.An Hòa, TP.Biên Hòa) dừng đón học sinh ngay giữa đường rất nguy hiểm |
Mới đây, UBND tỉnh có công văn yêu cầu Ban ATGT tỉnh, các sở, ngành chức năng, các địa phương và các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT cho trẻ đến trường. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, trường học tiếp tục đưa nội dung giáo dục pháp luật về trật tự ATGT là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với các cơ sở giáo dục; gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục, trường đại học để xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên, xử lý trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân vi phạm.
Thanh Hải