Báo Đồng Nai điện tử
En

Tình trạng nặng chân, phù nhẹ và nổi nhiều mạch nông là bệnh gì?

15:22, 02/01/2025
 

Năm nay tôi 38 tuổi, gần đây tôi cảm thấy chân bị nặng, phù nhẹ. Tôi có đi khám tại bệnh viện, bác sĩ nghi tôi bị giãn tĩnh mạch chân nên cho làm siêu âm doppler mạch máu, kết quả hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn kê cho tôi thuốc Phlebodia. Tôi uống thuốc được khoảng 20 ngày nhưng không đỡ mà nặng hơn. Mu bàn chân bị nổi nhiều mạch, phần đùi đau nhức, có hiện tượng giật nhẹ lan lên mông, đau tức hông trái, đặc biệt khi ngồi. Ngoài ra xuất hiện mạch xanh nhìn khá rõ ở dọc hai bên bụng. Tôi rất lo lắng, không biết tôi bị bệnh gì? Rất mong được bác sĩ tư vấn, cảm ơn bác sĩ rất nhiều!

(Chị Khánh Huyên, ngụ thành phố Long Khánh)

Bác sĩ trả lời:

Với các triệu chứng mà chị mô tả như nặng chân, phù nhẹ, nổi tĩnh mạch nông nhiều, đau nhức lan lên mông, đau tức hông trái, thì cần xem xét các nguyên nhân sau đây:

1. Suy giãn tĩnh mạch chi dưới

• Triệu chứng thường gặp: Nặng chân, phù nhẹ vào cuối ngày, nổi các mạch máu nông, cảm giác căng tức khi đứng lâu.

• Nguyên nhân: Có thể do quá tải hệ thống tĩnh mạch khi đứng hoặc ngồi lâu.

• Khuyến nghị:

  - Anh/chị có thể tiếp tục theo dõi và nên khám lại chuyên khoa Tim mạch - Mạch máu.

  - Siêu âm Doppler mạch máu cần được thực hiện lại ở tư thế đứng để đánh giá chính xác hơn tình trạng suy van tĩnh mạch.

2. Đau vùng mông lan xuống chân - Cần loại trừ đau thần kinh tọa

• Nguyên nhân: Thường do thoát vị đĩa đệm hoặc chèn ép dây thần kinh hông to.

• Triệu chứng:

  - Đau từ vùng thắt lưng hoặc mông lan xuống đùi và chân.

  - Đau nhiều hơn khi ngồi hoặc vận động mạnh.

• Khuyến nghị: Anh/chị nên khám thêm tại chuyên khoa Cơ xương khớp hoặc Thần kinh để chụp MRI cột sống thắt lưng và xác định tình trạng dây thần kinh tọa.

 3. Đau hông trái - Cần đánh giá chức năng thận

• Nguyên nhân: Các bệnh lý như sỏi thận, viêm thận hoặc giãn đài bể thận có thể gây đau hông.

• Triệu chứng:

  - Đau tức vùng hông một bên, có thể lan ra phía trước.

  - Đôi khi kèm theo tiểu buốt, tiểu rắt hoặc tiểu ra máu.

• Khuyến nghị:

  - Anh/chị nên thực hiện thêm các xét nghiệm như siêu âm bụng, xét nghiệm nước tiểu tại chuyên khoa Tiết niệu để kiểm tra tình trạng thận.

 Với tình trạng hiện tại, chị nên đi khám lại ở các chuyên khoa phù hợp như: Tim mạch - Mạch máu; Cơ xương khớp/Thần kinh; Tiết niệu.

Đồng thời, chị cần duy trì các biện pháp hỗ trợ:

- Hạn chế đứng hoặc ngồi quá lâu, thay đổi tư thế thường xuyên.

- Mang vớ y khoa để hỗ trợ tĩnh mạch.

- Tập các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, nâng chân cao khi nghỉ ngơi.

Việc kết hợp chẩn đoán chính xác và điều trị đúng sẽ giúp chị cải thiện tình trạng nhanh chóng. Chúc chị sớm khỏe!

Thạc sĩ - bác sĩ Quản Minh Trị,

Khoa Lồng ngực - mạch máu, Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark

 

 

Tin xem nhiều