Tôi đọc tin tức thấy có nghiên cứu trên nhiều bệnh nhân đái tháo đường, nếu ăn cháo thay cơm có thể ổn định đường huyết mà không cần dùng thuốc. Không biết điều này có đúng không, và có cách nào hạn chế uống thuốc điều trị đái tháo đường mà vẫn có thể ổn định đường huyết không bác sĩ?
(Anh Nhật Quang, ngụ phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa)
Bác sĩ trả lời:
Chào bạn!
Việc ăn cháo thay cơm không hẳn sẽ giúp ổn định đường huyết cho tất cả bệnh nhân đái tháo đường. Thực tế, cả cháo và cơm đều là nguồn tinh bột và sẽ chuyển hóa thành đường glucose sau khi tiêu hóa. Tuy nhiên, khi nấu cháo, hạt gạo bị nấu mềm và tiêu hóa nhanh hơn, làm tăng chỉ số đường huyết của cháo so với cơm. Điều này có thể dẫn đến tình trạng tăng đường huyết nhanh hơn khi ăn cháo.
Để kiểm soát đường huyết hiệu quả, điều quan trọng là chọn các loại tinh bột có chỉ số đường huyết (GI) thấp, giúp đường huyết tăng chậm và duy trì ổn định. Thay vì thay hoàn toàn cơm bằng cháo, bạn có thể:
• Chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch, lúa mạch,… Các loại này có nhiều chất xơ, giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và giảm tốc độ hấp thụ đường.
• Ăn thêm rau xanh và thực phẩm giàu chất xơ trong mỗi bữa ăn để kiểm soát lượng đường hấp thu vào máu.
• Nên ăn 3 bữa chính/ngày thay vì 4-6 bữa nhỏ, sẽ thúc đẩy giảm cân và kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Với đái tháo đường, mục tiêu điều trị là kiểm soát đường huyết ổn định lâu dài và ngăn ngừa các biến chứng. Tuy nhiên, việc giảm hoặc ngưng dùng thuốc chỉ nên thực hiện khi có sự giám sát và tư vấn của bác sĩ, và không phải ai cũng có thể giảm thuốc được. Các biện pháp hỗ trợ bao gồm:
• Chế độ ăn uống hợp lý và khoa học như đã nêu ở trên.
• Tập thể dục thường xuyên (như đi bộ, yoga, đạp xe) khoảng 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày/tuần và không nghỉ quá 2 ngày liên tục. Tập luyện giúp tăng độ nhạy của insulin và giảm nhu cầu dùng thuốc.
• Quản lý căng thẳng và ngủ đủ giấc, vì stress và thiếu ngủ có thể làm tăng đường huyết.
Mỗi bệnh nhân đái tháo đường có cơ địa và phản ứng với các biện pháp điều trị khác nhau, nên bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị của mình để có hướng dẫn phù hợp và an toàn nhất. Việc kiểm soát đái tháo đường là quá trình lâu dài, do đó cần kiên trì và tuân thủ đúng phác đồ để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách ổn định đường huyết một cách khoa học. Chúc bạn sức khỏe và thành công trong việc kiểm soát bệnh!
BS CKI Võ Lương Vinh
Trưởng khoa Nội - Nhi - Bệnh viện Thuận Mỹ ITO Đồng Nai
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin