* Em thấy mấy em bé bị bỏng cồn khi nướng mực hoặc ăn lẩu. Trong khi gia đình em hay sử dụng nồi lẩu bằng bếp cồn nên cũng lo lắng do nhà có con nhỏ. Nếu lỡ không may bị bỏng cồn thì phải làm sao thưa bác sĩ?
(Anh Huy Tuấn, ngụ P.Tân Phong, TP. Biên Hòa)
Bác sĩ trả lời:
Chào anh!
Bỏng cồn nói riêng và tất cả các loại bỏng nói chung nếu không sơ cấp cứu kịp thời và đúng cách thì chúng ta có thể làm cho tình trạng bỏng nặng nề hơn.
Sau đây bác sĩ sẽ hướng dẫn cho anh cách sơ cấp cứu khi bị bỏng cồn:
- Dùng khăn ướt phủ lên chỗ có cồn đang cháy.
- Loại bỏ ngay những đồ dùng, vật dụng cứng ở vùng da bị bỏng (vòng, nhẫn, giày dép…)
- Giữ sạch vùng bỏng, tuyệt đối không bôi dầu, mỡ hay bất cứ loại thuốc, hóa chất nào lên vùng da bị bỏng.
- Có thể dùng kéo cắt quần áo chỗ bị bỏng, không cố cởi quần áo đã bị dính vào vết bỏng.
- Dội nước sạch làm mát vết bỏng. Nếu vị trí bỏng có thể ngâm vào nước được thì ngâm vào nước sạch. Thời gian ngâm tốt nhất 20-30 phút.
- Đưa nạn nhân đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để được xử trí tiếp theo.
* Một số cách phòng tránh bỏng cồn:
- Hạn chế sử dụng cồn nước, nên sử dụng cồn khô, sử dụng loại bếp tốt, tránh rò rỉ cồn ra ngoài.
- Khi châm thêm cồn vào chú ý để lửa tắt hẳn, lửa cồn xanh rất khó quan sát.
- Không sử dụng tay để thêm cồn mà dùng kẹp gắp
- Nếu dùng cồn nướng mực cần chú ý đổ một lượng nhỏ cồn, tránh xa trẻ em và không thêm cồn khi lửa còn cháy.
Hy vọng những thông tin trên hữu ích cho anh và quý phụ huynh để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra!
BS CKII Nguyễn Văn Sửu,
Phó giám đốc Y khoa, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Âu Cơ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin