Báo Đồng Nai điện tử
En

Bác sĩ trả lời: Ăn thịt cóc có giúp trẻ bớt biếng ăn, còi xương?

BS-CKI Mai Xuân Tâm
17:02, 16/12/2023
 

* Gần đây, tôi đi làm về thì thấy nhiều người bán cóc dạo ngoài đường. Họ quảng cáo thịt cóc chữa bệnh biếng ăn, còi xương ở trẻ em. Thưa bác sĩ, quảng cáo của họ có đúng không? Ăn thịt cóc có lợi hay hại?

(Anh Hoàn, ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa)

Trả lời:

Chào anh!

Để hiểu đúng vấn đề trên, đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân gây biếng ăn, còi xương:

Biếng ăn có các nhóm nguyên nhân chính như:

- Do tâm lý: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất do cha mẹ không hiểu tâm sinh lý trẻ. Bữa ăn của trẻ không được thoải mái, thích thú, bị ép ăn làm trẻ căng thẳng lâu ngày sẽ biếng ăn.

- Chế biến thức ăn chưa đúng cách làm thiếu, mất chất dinh dưỡng, cách ăn uống đơn điệu dễ làm bé ngán.

- Do bệnh lý: Tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp, cảm cúm, nhiễm giun sán… lâu dài gây suy dinh dưỡng thiếu một loạt các chất dinh dưỡng như: lysin, protein, kẽm, sắt, magie… cũng gây biếng ăn.

Còi xương là gì?

- Canxi là thành phần quan trọng trong cấu trúc xương và răng, giúp xương phát triển vững chắc và giúp trẻ phát triển chiều cao. Chính vì thế, nếu không được cung cấp đủ canxi thì về lâu dài trẻ sẽ bị còi xương.

- Tuy nhiên, muốn canxi được hấp thu và sử dụng tốt thì cơ thể phải có đủ vitamin D, vì Vitamin D có tác dụng giúp cơ thể sử dụng tốt canxi và phospho để hình thành và duy trì hệ xương răng vững chắc. Nếu không có vitamin D, có khi cho dù trẻ ăn uống đủ canxi mà vẫn bị thiếu canxi. Do đó, ta còn gọi những trẻ còi xương là “còi xương do thiếu vitamin D”.

Thành phần dinh dưỡng của thịt cóc:

- Theo Bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam của Viện Dinh dưỡng, cho thấy thịt cóc chỉ giàu đạm và kẽm còn lượng calci và vitamin D quá ít (trong 100g bột cóc ăn được có 55,4g đạm và 65mg kẽm). Lượng đạm trong thịt cóc có giàu thật nhưng nhiều loại thịt khác như: thịt heo, thịt gà, thịt ếch nếu biết chế biến giúp bé ăn tốt thì cũng là nguồn cung cấp đạm, kẽm tương tự.

- Lượng canxi và vitamin D trong thịt cóc quá ít nên không cung cấp đủ được calci và vitamin D như mong muốn.

Ngoài ra, cóc có nhiều độc tố bufotoxin trong gan, trứng, da, mủ… khi sơ chế thịt cóc không cẩn thận thì độc tố có thể lây dính vào thịt cóc. Đặc biệt, độc tố này không bị nhiệt phân hủy khi nấu. Tỷ lệ gây ra tử vong của loại độc chất này rất cao, có những bệnh nhân tử vong ngay tại nhà hoặc trên đường tới bệnh viện.

Do đó cho dù thịt cóc giàu đạm và giàu kẽm nhưng không thể can thiệp trong vấn đề biếng ăn của trẻ, vốn dĩ rất gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Mặt khác, thịt cóc, với hàm lượng canxi và vitamin D quá ít, rõ ràng không thể giúp bé phòng ngừa và điều trị bệnh còi xương được.

Việc ăn thịt cóc lại tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc, đe dọa đến tính mạng nên để an toàn thì không nên ăn thịt cóc, trong khi đó lại có nhiều loại thực phẩm dễ chế biến, an toàn hơn mà giá trị dinh dưỡng lại tương đương.

Chúc anh có quyết định đúng nhé!

BS-CKI Mai Xuân Tâm,

Khoa Nhi, Bệnh viện Âu Cơ

 

 

Tin xem nhiều