Báo Đồng Nai điện tử
En

Bác sĩ trả lời: 45 tuổi chuyện 'chăn gối' giảm 'không phanh' phải làm sao?

BS CKI Vũ Thanh Tùng
10:23, 18/12/2023
 

* Tôi 45 tuổi, bị tiểu đường 2 năm nay. Gần đây, tôi thấy chuyện "chăn gối" tụt dốc không phanh bác sĩ ạ. "Cậu nhỏ" không còn được cương cứng như trước và tần suất làm "chuyện ấy" giảm hẳn, nhiều lần xảy ra tình trạng "trên bảo dưới không nghe". Liệu tôi bị bệnh gì và phải làm sao?

(Bạn đọc gọi từ số 0908xxx721)

Trả lời:

Chào anh!

Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thận.

Bệnh đái tháo đường 2 có thể gây tổn thương thần kinh khắp cơ thể khi glucose máu và huyết áp quá cao. Điều này dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, rối loạn cương dương và nhiều chức năng khác.

Trong các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là các chi, đặc biệt là bàn chân do cấu tạo giải phẫu thần kinh mạch máu và tư thế của con người khác biệt hơn các cơ quan khác. Tổn thương thần kinh ở vùng này được gọi là bệnh lý thần kinh ngoại biên và có thể dẫn đến đau, ngứa và mất cảm giác. Mất cảm giác là dấu hiệu đặc biệt nghiêm trọng.  Trong đó, dương vật có các hệ thống mạch máu bơm vào làm thể hang, dẫn tới cương cứng dương vật. Những bệnh nhân bị bệnh lý đái tháo đường, các mao mạch bị xơ hẹp, và da dương vật bị giảm, mất cảm giác, dẫn tới rối loạn cương.

Để hạn chế tình trạng "trên bảo, dưới không nghe”, anh cần phải kiểm soát  đường huyết trong máu trong giới hạn bình thường, tầm soát sức khoẻ tổng quát và đi khám nam khoa tư, từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn và có hướng điều trị.

BS CKI Vũ Thanh Tùng,

Khoa Nam học, Bệnh viện Âu Cơ

 

 

Tin xem nhiều