Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 3: Vẫn ngang nhiên tồn tại

08:10, 20/10/2017

Mỗi năm có cả chục người thiệt mạng bởi cống thoát nước hở miệng, bởi những công trình thi công tắc trách. Người chết thiệt thân, nguy cơ vẫn còn đó, còn trái bóng trách nhiệm vẫn bị, đá qua, đổ lại…

[links()]Mỗi năm có cả chục người thiệt mạng bởi cống thoát nước hở miệng, bởi những công trình thi công tắc trách. Người chết thiệt thân, nguy cơ vẫn còn đó, còn trái bóng trách nhiệm vẫn bị, đá qua, đổ lại…

Một trong những nguyên nhân tồn tại của tình trạng trên – theo giải thích của những cơ quan liên quan là do… thiếu kinh phí.

*Thiếu kinh phí?

Chuyện những chiếc bẫy tử thần “giăng” khắp nơi, đe dọa tính mạng người dân đi đường nhiều năm qua vẫn chưa được khắc phục, theo cơ quan chức năng là do thiếu kinh phí.

Một miệng cống hở nguy hiểm khác ở đầu đường 5, ấp Trà Cổ (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom). Ảnh Phương Liễu
Một miệng cống hở nguy hiểm khác ở đầu đường 5, ấp Trà Cổ (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom). Ảnh Phương Liễu

Chẳng hạn, hệ thống thoát nước 2 bên đường 768 có chiều sâu khoảng 80cm, do đường dốc nên mỗi khi mưa lớn lượng nước chảy về khu vực này rất nhiều, đường 768 ngập lênh láng. Dòng nước chảy xiết nên người đi đường rất dễ té ngã. Hiện nhiều đoạn cống thoát nước trên đường này đã thi công hoàn tất nhưng không nắp hoặc chỉ có nắp tạm và chỉ được quấn những dải băng cảnh báo rất mỏng manh, sơ sài. Hoặc có đoạn cống có nắp nhưng bị bể, người dân liền báo cho chính quyền địa phương, sau đó đơn vị thi công có xuống khắc phục, nhưng chỉ lấy khung sắt đậy tạm, miệng cống vẫn hở và có thể lọt cùng lúc 2 người lớn.

Theo người dân ngụ dọc đường 768, trước khi thi công nâng cấp tuyến đường này, nhiều người góp ý phải xây dựng hệ thống thoát nước có nắp đậy cho an toàn, bởi trên toàn tuyến có nhiều trường học nên sẽ nguy hiểm cho các cháu nhỏ trong mùa mưa lũ. Thế nhưng, đến nay nhiều đoạn cống không nắp vẫn còn tồn tại vì lý do thiếu tiền.

Công trình xây dựng hệ thống thoát nước dọc đường Hùng Vương (thuộc xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) chỉ rào chắn sơ sài. Ảnh Văn Chính
Công trình xây dựng hệ thống thoát nước dọc đường Hùng Vương (thuộc xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) chỉ rào chắn sơ sài. Ảnh Văn Chính

Ông Đỗ Quốc Bảo, Giám đốc Xí nghiệp BOT (thuộc Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức) - đơn vị chủ đầu tư công trình đường tỉnh 768, cho biết trước đây khi thi công đường này, do kinh phí có hạn nên đơn vị mới chỉ làm hệ thống thoát nước có nắp đậy qua những đoạn ở khu dân cư. Hiện nay, người dân đã xây nhà dọc kín 2 bên đường 768 và nhu cầu xây hệ thống thoát nước phát sinh nên UBND tỉnh đã bổ sung kinh phí và giao cho UBND huyện Vĩnh Cửu thi công tiếp những đoạn cống chưa hoàn chỉnh.

Sau hôm cháu Nguyễn Tấn Trường bị nước cuốn trôi, đến kiểm tra hiện trạng công trình nơi cháu bé tử vong do trôi vào cống, ông Đoàn Tấn Lực, Trưởng ban Quản lý dự án huyện Vĩnh Cửu cho hay: “Tuyến đường này chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng nên chúng tôi chưa triển khai. Đường cấp phối và hệ thống thoát nước hai bên đang xây dựng là do các công ty trong cụm công nghiệp góp tiền xây dựng, chúng tôi  không hề hay biết”.

*Hay thi công tắc trách?

Trở lại câu chuyện những cái bẫy cống hở đang được thi công trên đường Hùng Vương (đoạn qua xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) – nơi anh Chu Văn Tới tử vong. Tuy đã có người chết do tắc trách của đơn vị thi công, nhưng kể cả sau khi có người gặp nạn rồi, nhưng đơn vị thi công vẫn phớt lờ chuyện cảnh báo.

Một đoạn mương sau khi thi công vẫn không được đậy nắp, gây nguy hiểm cho người đi đường vào mùa mưa. Ảnh Thanh Hải
Một đoạn mương sau khi thi công vẫn không được đậy nắp, gây nguy hiểm cho người đi đường vào mùa mưa. Ảnh Thanh Hải

Công trình này được khởi công ngày 25-9 và dự kiến hoàn thành trong vòng 180 ngày, và đến nay đơn vị thi công đã hoàn tất 90% phần việc. Ông Nguyễn Văn Thành, Chỉ huy công trình thi công hệ thống thoát nước dọc đường Hùng Vương thừa nhận, hoạt động trên công trường có nhiều thiếu sót về an toàn giao thông.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông - vận tải, tiêu chuẩn Việt Nam về thiết kế đường bộ liên quan đến hệ thống thoát nước dọc (cống, rãnh) trên các tuyến đường giao thông được quy định cụ thể như sau: Những đoạn cống qua khu dân cư có lát các tấm đan che kín. Tuy nhiên, tiêu chuẩn Việt Nam vẫn cho phép thiết kế hệ thống cống, rãnh hở đối với các trường hợp ngoài khu dân cư. Do vậy, thực trạng hiện nay còn một số đoạn cống dọc các đường tỉnh hiện hữu không có nắp đậy, chủ yếu là đường khu vực ngoài đô thị và qua những khu vực dân cư thưa thớt. Về lâu dài, Sở sẽ trình tỉnh phương án xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước cho toàn tỉnh cho phù hợp, nhất là TP.Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch.

Sau khi xảy ra tai nạn chết người tại khu vực đang xây dựng, sáng 9-10, Ban Quản lý dự án huyện Nhơn Trạch (đơn vị chủ đầu tư) và Thanh tra huyện đã đến hiện trường kiểm tra và lập biên bản ghi nhận những tồn tại. Qua sự cố đáng tiếc đó, công ty hứa sẽ có biện pháp khắc phục như: làm các rào chắn bằng khung sắt; những đoạn cống chưa có nắp sẽ tiến hành đặt ngay. Trong thời gian còn lại, đơn vị thi công sẽ lắp đèn cảnh báo vào ban đêm để đảm bảo an toàn cho người đi đường... Thế nhưng, đến chiều 9-10 tại các đoạn cống chưa hoàn thiện cũng mới chỉ đặt một số biển cảnh báo cho các phương tiện lưu thông trên đường Hùng Vương, đồng thời tiếp tục che chắn xung quanh công trình cũng bằng các dải băng mỏng manh. Nói cách khác, việc “mất bò mới lo làm chõi” mà Công ty TNHH xây dựng và tư vấn thiết kế Tín Thuận “khắc phục” cho có lệ nên nguy cơ cho người đi đường vẫn còn đó, nhất là vào ban đêm. Song, về trách nhiệm quản lý, cơ quan chức năng không hề có hậu kiểm xem đơn vị đó khắc phục như thế nào.

Hoặc tại khu vực cống thoát nước nơi cháu Trường bị nước cuốn tử vong được xây dựng cách đây khoảng 2 tháng, nhưng nhiều đoạn không có nắp đậy. Mới đây, sau một cơn mưa lớn, nhiều người dân ở khu vực này lo lắng khi đơn vị thi công vẫn chưa có biện pháp lắp đặt nắp cống cho những miệng cống hở. Ông Nguyễn Văn Lợi cho hay, khi mưa lớn nước ngập, miệng mương trở thành một cái bẫy vô hình, nước xoáy chảy xiết, hố ga lại rất sâu, phải tới gần ngực người lớn, nước xoáy dữ lắm, nếu có phát hiện kịp thời ai đó bị cuốn xuống cống, chắc cũng không ai dám nhảy xuống cứu.

Không thể nói vì thiếu kinh phí mà những miệng cống nguy hiểm này không được lắp đặt nắp đậy an toàn, lại càng không thể để cho đơn vị thi công tắc trách, coi thường mạng sống người dân. Bởi dù là nguyên nhân nào đi nữa, thì khi tai nạn xảy ra, người chết, của mất là việc không gì có thể bù đắp được. Để tránh những cái chết thương tâm tiếp túc xảy ra,  cơ quan chức năng cần có kiến nghị với lãnh đạo tỉnh để bổ sung kinh phí triển khai đậy nắp cho miệng cống, đồng thời với những đơn vị thi công tắc trách, cần có biện pháp chế tài mạnh để buộc đơn vị này thực hiện các biện pháp an toàn trong quá trình thi công.

Song Liễu – Văn Chính

(Còn tiếp Bài 4: Để không còn những cái chết thương tâm)

 

 

Tin xem nhiều