Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Bẫy tử thần rình rập

08:10, 18/10/2017

Những cống thoát nước, hố ga tưởng chừng vô hại, nhưng khi trời mưa dòng nước xoáy, chảy xiết có thể cuốn bất cứ thứ gì vào bên trong sâu hun hút. Điều đáng nói, miệng cống không có lưới che, nắp cống bị đẩy bung lên hay mất nắp đang trở thành "cái bẫy" chết người.

[links()]Những cống thoát nước, hố ga tưởng chừng vô hại, nhưng khi trời mưa dòng nước xoáy, chảy xiết có thể cuốn bất cứ thứ gì vào bên trong sâu hun hút. Điều đáng nói, miệng cống không có lưới che, nắp cống bị đẩy bung lên hay mất nắp đang trở thành “cái bẫy” chết người.

Đầu đường 29-4 (KP5, thị trấn Trảng Bom) vẫn có những miệng cống toang hoác, trở thành cái bẫy với người đi đường
Đầu đường 29-4 (KP5, thị trấn Trảng Bom) vẫn có những miệng cống toang hoác, trở thành cái bẫy với người đi đường

Mặc dù đã có không ít trường hợp té ngã, lọt cống gây thương tích, thậm chí tử vong tại những khu vực cống hở, những đoạn đường đang thi công thiếu rào chắn cảnh báo…nhưng trên địa bàn, bẫy tử thần giăng khắp nơi.

*Nhìn đâu cũng thấy… “bẫy”

Khảo sát tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Đồng Nai ghi nhận còn rất nhiều đoạn cống hở, đây chính là những cái bẫy nguy hiểm đối với người đi đường một khi bị té ngã xuống cống, đặc biệt trong mùa mưa lũ.

Đi dọc quốc lộ 1, đoạn qua huyện Trảng Bom hiện có nhiều đoạn cống thoát nước dọc 2 bên đường không có nắp, trong khi những đường cống này rộng và khá sâu, người đi đường té xuống, khó lòng thoát chết. Ngay đầu đường 29-4 (thuộc KP.5, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) là đường song hành với quốc lộ cũng có một cống thoát nước hở toang hoác dài hơn 200m.

Một đoạn cống bị hư nắp đậy ngay trước nhà dân ở xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh Kim Liễu
Một đoạn cống bị hư nắp đậy ngay trước nhà dân ở xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh Kim Liễu

Theo anh Nguyễn Thành Chơn, người dân sống ở khu vực này, mỗi khi mưa lớn, nước ngập lênh láng đường, chỉ người dân địa phương mới biết vị trí cống không nắp để tránh được, còn khách đi đường rất dễ gặp nạn. “Tôi sống ở đây đã lâu nên biết rõ, cách đây vài tháng đã có người bị lọt xuống cống này, rất may chỉ bị thương tích. Mùa mưa năm nào cũng có vài trường hợp lọt cống hở. Nếu không sớm khắc phục tình trạng này thì sẽ còn nhiều người gặp nạn” - anh Chơn nhận định.

Còn tại đường tỉnh 769 nối Dầu Giây với quốc lộ 51, đoạn qua khu vực Đồi 2, ấp 9 (xã Bình sơn, huyện Long Thành), một bên đường có hệ thống thoát nước dài hàng trăm mét, sâu khoảng 1,5m dẫn ra một con suối nhỏ nhưng không có nắp đậy. Khu vực này vào ban đêm không có đèn đường, trong khi rào chắn mương chỉ là những cọc xi măng thấp chừng 0,5m.

Trên tỉnh lộ 768, đoạn qua huyện Vĩnh Cửu, cống thoát nước thông với nhau không che chắn, tạo thành cao nước nguy hiểm khi có mưa lớn, nước tràn. Ảnh Thanh Hải
Trên tỉnh lộ 768, đoạn qua huyện Vĩnh Cửu, cống thoát nước thông với nhau không che chắn, tạo thành cao nước nguy hiểm khi có mưa lớn, nước tràn. Ảnh Thanh Hải

Chị Lê Thị Diệu Uyên (ngụ ở Đồi 2) có người thân từng lọt xuống cống này bị thương vùng đầu, cho biết mỗi khi mưa lớn nước từ đường và trên cao đổ xuống chảy rất xiết. Thời gian qua đã có người điều khiển xe máy, xe đạp bị lạc tay lái té xuống cống, may mắn được bà con phát hiện cứu sống. Người dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương về việc làm nắp đậy miệng cống để tránh gây tai nạn cho người đi đường, nhưng lãnh đạo cho biết đường này do tỉnh quản lý, xã không quyết định được.

Tại điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với trường hợp này như sau: mức bồi thường tối đa không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Ngoài ra, những người mà nạn nhân có nghĩa vụ nuôi dưỡng khi còn sống, như: con nhỏ dại, cha mẹ già yếu cũng được bồi thường tiền cấp dưỡng trong thời hạn.Chính quyền địa phương nơi để xảy ra tai nạn cũng bị liên đới trách nhiệm trong việc quản lý, nhắc nhở, đôn đốc đơn vị thi công thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xác định không làm tròn nhiệm vụ cũng có thể bị xử lý tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Các tuyến đường: Nguyễn Ái Quốc, Trần Quốc Toản, Đồng Khởi (đều thuộc TP.Biên Hòa)… là những nơi thường xuyên xảy ra ngập sâu khi mưa lớn, nhưng không phải chỗ thoát nước nào cũng có lưới che chắn cẩn thận. Có những vị trí, miệng cống nằm trơ trọi suốt một thời gian dài mà chẳng đơn vị quản lý, công ty thi công nào khắc phục. Người dân chỉ biết cảnh báo và che đậy lại bằng những tấm tôn, gỗ tạm bợ để người lạ không quen đường qua đây khỏi bị té ngã. Nếu trời nắng, đường không có nước thì ai cũng có thể nhìn thấy những miệng cống hở đó mà tránh. Thế nhưng lúc trời mưa, nước dâng cao, ngập hết đường thì chẳng còn ai có thể nhận ra miệng cống ở vị trí nào mà tránh. Chưa kể có những miệng cống rộng không có nắp, bên dưới lại có những thanh sắt chắn rác lởm chởm như hầm chông, rất nguy hiểm cho người đi đường, nhất là vào ban đêm.

*Chết vì lọt cống, trách nhiệm của ai?

Những gì các miệng cống tử thần này gây ra đều ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và tính mạng của người dân, thế nhưng lại không có cơ quan chức năng nào đứng ra chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Trở lại vụ anh Chu Văn Tới tử vong do lọt cống đang thi công thiếu cảnh báo an toàn, điều đáng nói là khi vụ việc đau lòng đã xảy ra, đến nay đơn vị chủ đầu tư vẫn chưa thể hiện hết trách nhiệm của một cơ quan liên quan đến tai nạn đau lòng kể trên. Trong khi đó, lãnh đạo UBND huyện Nhơn Trạch thì từ chối phát biểu ý kiến, cho rằng cần phải họp các ngành chức năng thì mới thông tin cho báo chí được – khi phóng viên liên hệ. Nói cách khác, đến nay đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm về cái chết của anh Chu Văn Tới vẫn chưa rõ ràng, cụ thể.

Nhan nhản những cống hở kiểu này vào mùa mưa rất nguy hiểm. Ảnh Thanh Hải
Nhan nhản những cống hở kiểu này vào mùa mưa rất nguy hiểm. Ảnh Thanh Hải

Còn vụ tử vong của cháu Nguyễn Tấn Trường, Sở GT-VT Đồng Nai cho biết, hiện việc quản lý các công trình cầu đường phân ra nhiều cấp, nhiều ngành gồm: Sở GT-VT, UBND cấp huyện, xã. Riêng đoạn mương vừa xảy ra tai nạn cho cháu Trường nằm trong khu công nghiệp nên trách nhiệm thuộc về Ban quản lý khu công nghiệp đó. Ông Trần Dương Hùng, Trưởng phòng Quản lý giao thông, Sở GT-VT khẳng định: “Trách nhiệm cấp phép và kiểm tra giám sát công trình này thuộc Ban quản lý Khu công nghiệp”. Thế nhưng đơn vị này cũng chưa thể hiện trách nhiệm gì đối với sự việc đau lòng xảy ra

Theo luật sư Ngô Văn Định (Đoàn Luật sư Đồng Nai), những trường hợp người đi đường tử vong do lọt cống tại những khu vực đang thi công nhưng thiếu cảnh báo và rào chắn an toàn cống thoát nước, cơ quan cảnh sát điều tra cần xác minh và kết luận nguyên nhân gây tử vong. Từ đây sẽ xem xét trách nhiệm cụ thể đối với đơn vị quản lý công trình, nơi hiện trường vụ tai nạn xảy ra.

Theo Luật Giao thông đường bộ, các công trình xây dựng thi công trên đường phố đang sử dụng đều phải đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Công việc đảm bảo an toàn này được chủ đầu tư và sở GTVT kiểm tra, phê duyệt cấp phép cho nhà thầu. Đối với những công trình đang thi công thiếu rào chắn, cảnh báo an toàn thì chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho nạn nhân. Còn đối với những công trình đã hoàn thành và được bàn giao, nếu trường hợp có tai nạn xảy ra thì cơ quan chức năng là Sở GT-VT  sẽ chịu trách nhiệm vì là đơn vị quản lý.

Câu hỏi trách nhiệm để xảy ra những vụ việc đau lòng ấy thuộc về ai, vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng. Người chết thì thiệt thân, còn trách nhiệm vẫn đang được các cơ quan liên quan đổ qua, đá lại.

Song Liễu - Văn Chính

(Còn tiếp Bài 3: Vẫn ngang nhiên tồn tại)

 

 

Tin xem nhiều