Báo Đồng Nai điện tử
En

Có một nhà sưu tập Lê Văn Nghĩa

07:01, 23/01/2016

Nhà văn Lê Văn Nghĩa đã in hàng chục đầu sách trào phúng các loại với nhiều bút danh, như: Điệp Viên Không Không Thấy, Hai Cù Nèo… Có thời gian hàng chục năm ông làm chủ biên Báo Tuổi Trẻ cười chuyên "thọt lét" thiên hạ. Những năm gần đây, Lê Văn Nghĩa chuyển hướng viết truyện hoài niệm thời xa lơ xa lắc về tháng năm ông đã sống để người trẻ bây giờ đọc cũng không sao mà người già đọc càng khoái.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa đã in hàng chục đầu sách trào phúng các loại với nhiều bút danh, như: Điệp Viên Không Không Thấy, Hai Cù Nèo… Có thời gian hàng chục năm ông làm chủ biên Báo Tuổi Trẻ cười chuyên “thọt lét” thiên hạ. Những năm gần đây, Lê Văn Nghĩa chuyển hướng viết truyện hoài niệm thời xa lơ xa lắc về tháng năm ông đã sống để người trẻ bây giờ đọc cũng không sao mà người già đọc càng khoái.

Khi Nhà xuất bản Trẻ in những truyện dài Mùa hè năm Petrus hay Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy, bạn quen Lê Văn Nghĩa ít người nghĩ rằng nhà văn trào phúng này lại viết chuyện xưa có duyên và sách được tái bản nhiều lần như thế. Nhưng thực tế, ông còn là một nhà sưu tập có hạng với các món đồ liên quan đến nghề viết của ông.

Chẳng hạn, về sách xưa quý hiếm, Lê Văn Nghĩa có cả… kho với những đầu sách có một không hai. Đầu năm 2013, Công ty sách Nhã Nam có buổi đấu giá sách cũ tại TP.Hồ Chí Minh. Tại buổi đấu giá sách này, tác phẩm bút ký Sông Đà của Nguyễn Tuân được Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới (nay là Nhà xuất bản Hội Nhà văn) in năm 1978 được một bạn đọc “đấu” đến 4 triệu đồng, trong khi giá khởi điểm chỉ có 150 ngàn đồng. Sông Đà có chữ ký của Nguyễn Tuân trở thành cuốn sách cũ được bán nhiều tiền nhất trong phiên đấu giá hôm đó.

Sông Đà của Nguyễn Tuân được trả giá cao như vậy nhờ vào danh tiếng của tác phẩm kèm với chữ ký của tác giả. Tuy nhiên, Lê Văn Nghĩa còn có một bản sách “rất độc” của Nguyễn Tuân với bút tích có một không hai: cuốn Ký Nguyễn Tuân do Nhà xuất bản Văn học in năm 1986. Ký Nguyễn Tuân có bút tích tác giả, như sau: “Tặng anh Hồ Quang Minh. Nguyễn Tuân. Hà Nội, mai là Đại hội Đ VI. 14 XII 1986”.

Được biết, nhân vật Hồ Quang Minh được Nguyễn Tuân tặng sách làm nghề đạo diễn. Hồ Quang Minh là đạo diễn Việt kiều có nhiều phim nổi tiếng, như: Mùa len trâu, Thời xa vắng… Thời gian Nguyễn Tuân tặng Ký Nguyễn Tuân cho vị đạo diễn này là trước ngày Đại hội Đảng lần thứ VI một ngày. Nhà văn Nguyễn Tuân đã lấy cột mốc ngày Đại hội Đảng để ghi dấu lên cuốn sách mà ông tặng bạn. Với cuốn sách Ký Nguyễn Tuân so với cuốn Sông Đà chỉ trơ trọi một chữ ký tác giả, thử hỏi cuốn nào quý hơn?

Không chỉ sưu tập sách quý có nhiều bút tích “lạ và độc”, Lê Văn Nghĩa còn sưu tập rất nhiều đĩa hát xưa, thời đĩa nhựa và băng cối. Tất nhiên, để vận hành các băng, đĩa này, Lê Văn Nghĩa phải sưu tập luôn các loại máy nghe nhạc cùng thời. Giá trị thời gian của vật phẩm trong bộ sưu tập này còn thể hiện nét sinh hoạt một thời của những giọng ca, tiếng đàn vượt thời gian; mà với những người hoài cổ, biết trân trọng quá khứ khi nhìn thấy sẽ không khỏi… thèm có.

Cứ tưởng Lê Văn Nghĩa chỉ sáng tác, viết báo, sưu tập sách và băng đĩa xưa, không ngờ ông còn sưu tập truyện cười thế giới đúng với phong cách của mình. Tập truyện cười Nếu Adam không có xương sườn do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành được Lê Văn Nghĩa sưu tập với lời chú: “sưu tầm, bình loạn… xạ”. Sưu tầm truyện cười nhiều người đã làm, nhưng cuốn sách này thú vị ở chỗ “bình loạn… xạ” theo đúng phong cách trào phúng của Lê Văn Nghĩa mới thật hấp dẫn người đọc.

Cũng chuyện Adam và Eva, tức chuyện đàn ông đàn bà, chuyện vợ chồng, chuyện trai gái… xưa như trái đất, xưa như khi loài người có mặt, nhưng qua sự “bình loạn… xạ” của Lê Văn Nghĩa khiến người đọc cũng cười theo một cách “loạn xạ” đầy thoải mái. Lê Văn Nghĩa còn hệ thống đủ bộ các lý do “Tại sao thượng đế lại sinh ra phụ nữ?” từ những mẫu chuyện cười lưu truyền trên sách, báo và mạng internet để biến thành một truyện dài. Đây là cách “hoạt kê” những gì đã có, thêm chút gia vị là “bình loạn” hầu cho các mẫu chuyện rải rác được kết dính và giúp người đọc cười liên tục và vui nhiều tập.

Khẳng định khi viết Nếu Adam không có xương sườn là chuyện sưu tập về cách “nói xấu” phụ nữ của đàn ông Tây phương, song Lê Văn Nghĩa vẫn “rào trước” rằng đây là cuốn sách tôn vinh phụ nữ Việt. Vì thông qua hệ quy chiếu, khi đàn ông Tây nói xấu phụ nữ Tây để thấy được rằng phụ nữ Việt quá sức tuyệt vời. Nhà văn trào phúng này còn khuyên, không nên đọc Nếu Adam không có xương sườn một mình, hay nhất cả hai vợ chồng cùng đọc chung, bởi kiểu gì thì Adam cũng đã có xương sườn và Eva là một phần không thể thiếu của nhân loại.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa sinh năm 1953 tại Sài Gòn. Tuổi này đã hưu, nhưng sức viết và các công việc liên quan đến nghề này của ông xem ra chưa có khái niệm nghỉ ngơi.

Hoàng Nhân

 

Tin xem nhiều