Báo Đồng Nai điện tử
En

Lắng nghe trẻ em nhiều hơn

11:08, 10/08/2022

Trong Luật Trẻ em, từ Điều 74 đến Điều 78 quy định rất rõ trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em thông qua các hình thức: diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi, sự kiện hay tổ chức đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.

Trong Luật Trẻ em, từ Điều 74 đến Điều 78 quy định rất rõ trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em thông qua các hình thức: diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi, sự kiện hay tổ chức đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em. Trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng trực tiếp hoặc qua kênh truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội và các hình thức thông tin khác.

Luật quy định, cha mẹ và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi, giải thích ý kiến, nguyện vọng của trẻ em phù hợp với độ tuổi, sự phát triển của trẻ em và điều kiện, hoàn cảnh của gia đình. Tạo điều kiện, hướng dẫn trẻ em tiếp cận các nguồn thông tin an toàn, phù hợp với độ tuổi, giới tính và sự phát triển toàn diện của trẻ em. Nhà trường, cơ sở giáo dục, tổ chức đại diện cho tiếng nói của trẻ em khuyến khích sự tham gia của trẻ em; không trù dập, kỳ thị khi trẻ em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, bảo đảm để trẻ em tham gia tự nguyện, chủ động, phù hợp với độ tuổi, giới tính và sự phát triển của trẻ em. Ý kiến, nguyện vọng của trẻ em và ý kiến của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em phải được lắng nghe, tiếp nhận, xem xét, giải quyết và phản hồi đầy đủ, kịp thời, khách quan, trung thực.

Thực tế thời gian qua cho thấy, tiếng nói của trẻ em đã được lắng nghe nhiều hơn từ phía gia đình và các tổ chức đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em. Nhờ đó, trẻ em ngày càng được giáo dục, chăm sóc và bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều vụ việc đáng tiếc gần đây về xâm hại, bạo hành trẻ em khiến dư luận bức xúc và đặt ra câu hỏi về việc các ngành, đơn vị chức năng đã làm hết trách nhiệm của mình chưa trong công tác bảo vệ trẻ em? Tại sao trẻ em sinh sống ngay ở các thành phố lớn khi bị bạo hành, xâm hại không dám nói lên tiếng nói của mình? Chỉ khi vụ việc vỡ lở, thậm chí gây ra những cái chết thương tâm, khu dân cư, các tổ chức có nhiệm vụ bảo vệ trẻ em mới biết. Trách nhiệm này thuộc về ai hay chỉ từ phía mỗi gia đình?

Lắng nghe trẻ em nói để thấu hiểu và chia sẻ là trách nhiệm của toàn xã hội đối với trẻ em. Do đó, việc tổ chức diễn đàn hằng năm nhằm tạo cơ hội cho trẻ em được nói lên tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình đã và đang được nhiều địa phương quan tâm. Tại diễn đàn, nhiều em đã mạnh dạn nói lên suy nghĩ và mong muốn của mình về gia đình, nhà trường cùng các tổ chức đại diện cho mình. Qua diễn đàn, nhiều gia đình đã có sự thay đổi trong phương pháp chăm sóc, giáo dục con; các tổ chức đại diện cho trẻ em và những đơn vị chức năng tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hơn trong việc bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, để các diễn đàn này thực sự hiệu quả, cần nhiều hơn nữa sự chung tay vào cuộc một cách quyết liệt, trách nhiệm của tất cả các đơn vị có liên quan. Chỉ như thế, tiếng nói của trẻ em mới được lắng nghe và giải quyết kịp thời.               

Minh Ngọc

 

Tin xem nhiều