Báo Đồng Nai điện tử
En

Tri ân những thầy thuốc nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19

03:02, 27/02/2021

Trong cuộc chiến với "kẻ thù" mang tên Covid-19, các nhân viên y tế, lực lượng làm nhiệm vụ trong các cơ sở y tế, các khu cách ly, ở ngoài cộng đồng… chỉ có một lựa chọn duy nhất, đó là tiến lên và chiến thắng dịch bệnh Covid-19.

Trong cuộc chiến với “kẻ thù” mang tên Covid-19, các nhân viên y tế, lực lượng làm nhiệm vụ trong các cơ sở y tế, các khu cách ly, ở ngoài cộng đồng… chỉ có một lựa chọn duy nhất, đó là tiến lên và chiến thắng dịch bệnh Covid-19.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai diễn tập tiếp nhận cấp cứu ca bệnh nghi nhiễm Covid-19
Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai diễn tập tiếp nhận cấp cứu ca bệnh nghi nhiễm Covid-19

[links()]Những “chiến sĩ” áo trắng, áo xanh đã và đang được nhắc đến như những anh hùng, bởi thành quả mà họ mang lại chính là sức khỏe, sự bình yên cho nhân dân.

* Gạt niềm riêng vì hạnh phúc chung

Trong khi dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát và lan rộng trên khắp thế giới khiến hàng ngàn người tử vong mỗi ngày, BS Phạm Ngọc Hạ được Ban giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Nai tin tưởng, phân công nhiệm vụ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của tỉnh vào tháng 4-2020 (bệnh nhân V.V.T., 28 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM, làm việc tại Công ty TNHH Giày dép Gia Định chi nhánh tại xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu).

Nhớ lại những ngày tháng không quên đó, BS Hạ tâm sự, bản thân anh cảm thấy rất lo lắng và áp lực bởi đây là thử thách rất lớn đối với một bác sĩ trẻ. Phải làm sao để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ là chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân mà không bị lây nhiễm chéo cũng như lây bệnh cho người khác. Đêm đầu tiên trong bệnh viện, BS Hạ đã thức trắng. Đó cũng là đêm dài nhất trong cuộc đời anh.

Sáng hôm sau, nhận được sự động viên của Ban lãnh đạo bệnh viện, đặc biệt là sự khích lệ của người vợ trẻ, BS Hạ cùng đồng nghiệp “xốc” lại tinh thần, ổn định tâm lý và hạ quyết tâm chiến thắng “kẻ thù”.

Đồng chí Thái Bảo, Ủy viên Ban TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh đánh giá: “Suốt hơn 1 năm qua, với vai trò chủ công, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế trong tỉnh đã gác lại niềm riêng, hy sinh hạnh phúc của bản thân để vì hạnh phúc chung của cộng đồng. Những cống hiến đó đáng được xã hội ghi nhận, trân trọng và biểu dương”.

Những ngày đầu điều trị tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai, bệnh nhân T. có biểu hiện hơi sốt nhẹ nên BS Hạ phải thường xuyên xuống phòng cách ly để kiểm tra, thăm hỏi bệnh nhân. Những ngày sau đó, theo dõi camera, BS Hạ liên lạc với bệnh nhân qua điện thoại, liên tục động viên, nhắc nhở bệnh nhân vững tâm, thường xuyên vận động, tập thể dục để cải thiện tinh thần và sức đề kháng. Đến ngày thứ 18, bệnh nhân T. có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính với SARS-CoV-2 và được công nhận khỏi bệnh. Điều đặc biệt, ngày được ra viện cũng chính là ngày sinh nhật của anh T. khiến niềm vui của cả bệnh nhân và các y, bác sĩ Bệnh viện Phổi Đồng Nai như nhân đôi.

“Sau khi bệnh nhân được xuất viện, tôi và ê-kíp điều trị vẫn phải tiếp tục cách ly thêm 14 ngày. Hơn 1 tháng ròng không được gặp vợ con, tôi và các đồng nghiệp nhớ nhà vô cùng. Nhưng chúng tôi tự nhủ phải cố gắng kìm nén cảm xúc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chúng tôi liên lạc với gia đình qua Facetime, trao cho nhau những nụ hôn qua điện thoại và hẹn ngày gặp lại sớm nhất. Đã có những đồng nghiệp của tôi vì làm nhiệm vụ trong bệnh viện đã không thể về nhà để đưa tiễn người thân qua đời” - BS Hạ chia sẻ.

Còn với BS Phạm Thị Thắm, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 thứ 8 của tỉnh (nam bệnh nhân ngụ  TP.HCM, nhập cảnh từ Nhật Bản, được cách ly ngay tại Trường đại học An ninh nhân dân cơ sở 2 (xã An Phước, H.Long Thành) ngày 27-1-2020), điều chị mong mỏi nhất là dịch bệnh nhanh chóng kết thúc, bệnh nhân nhanh khỏi bệnh để chị được chạy về bên gia đình, ôm hôn chồng con và chăm sóc người cha đang bị bệnh.

Nhân viên y tế Khoa Vi sinh Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 Ảnh: HẠNH DUNG
Nhân viên y tế Khoa Vi sinh Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh: HẠNH DUNG

BS Thắm kể, ngay từ khi Bệnh viện Phổi được chuyển đổi công năng sang bệnh viện chuyên điều trị Covid-19, chị và các đồng nghiệp luôn trong tư thế sẵn sàng chờ lệnh điều động bất kể ngày đêm. Sau đợt điều trị cho bệnh nhân Covid-19 là chuyên gia người Ấn Độ (16 ngày điều trị và 14 ngày cách ly), tối 28-1, BS Thắm nhận được lệnh vào bệnh viện để tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân nhập cảnh từ Nhật Bản. Thời điểm đó chỉ cách Tết Nguyên đán Tân Sửu 2 tuần.

“Sau khi chở tôi vào bệnh viện, ngay trong đêm, chồng tôi lại tiếp tục chở đứa con nhỏ mới 3 tuổi xuống nhà ông bà nội ở H.Cẩm Mỹ để gửi vì anh bận đi làm. Những ngày Tết trong bệnh viện, tôi cùng đồng nghiệp ăn Tết với bánh tét, hạt dưa do đồng nghiệp mang vào. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng việc ăn Tết xa chồng con, xa cha mẹ khiến cảm giác của chúng tôi đan xen lẫn lộn. Những giọt nước mắt đã rơi vì nhớ nhà, thương con nhưng sau tất cả, chúng tôi lại động viên nhau gác lại niềm riêng để vì hạnh phúc chung của cả cộng đồng” - BS Thắm bộc bạch.

Khi được hỏi, làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm rất cao, trực tiếp tiếp xúc với ca bệnh Covid-19 có sợ hay không, BS Đỗ Thị Liên Hương (Bệnh viện Phổi Đồng Nai) bộc bạch, nếu nói không sợ là nói dối. Nhưng nếu các bác sĩ sợ hãi mà chùn bước thì ai sẽ là người “chiến đấu” với “kẻ thù”.

* Bất kể khi nào cần là có

BS CKII Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, để các bác sĩ khối điều trị giảm bớt áp lực, suốt hơn 1 năm qua, đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế khối dự phòng trong tỉnh đã làm việc cật lực, chuyên nghiệp, hoàn thành tốt nhiệm vụ là những người “gác cổng”.

“Không chỉ tiếp nhận thông tin, triển khai truy vết thần tốc, khoanh vùng, cách ly, dập dịch khẩn trương, các bác sĩ, nhân viên y tế khối dự phòng còn phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp nhận, cách ly hàng ngàn công dân Việt Nam trở về từ nước ngoài tại các khu cách ly. Có những lần, anh em làm việc đến quá nửa đêm mới hoàn thành việc tiếp nhận người cách ly. Sáng hôm sau đã phải bắt tay ngay vào việc lấy mẫu bệnh phẩm, kiểm tra sức khỏe người trong khu cách ly rồi thực hiện xét nghiệm. Có những đợt cách ly có hàng trăm bà bầu về cùng lúc gây áp lực không nhỏ cho anh em làm việc trong khu cách ly. Rất may đến thời điểm này, tỉnh Đồng Nai không xảy ra trường hợp lây nhiễm chéo trong khu cách ly cũng như lây nhiễm trong cộng đồng từ ca bệnh nhập cảnh” - BS Bình chia sẻ.

BS Phạm Thị Thắm, Bệnh viện Phổi Đồng Nai tâm sự: “Qua đợt dịch này tôi mới hiểu, không có gì quan trọng hơn gia đình, sức khỏe và sự tự do. Mọi người hãy cùng nhau phòng dịch thật tốt để sớm đẩy lùi dịch bệnh, để ai cũng được hưởng cuộc sống an bình, hạnh phúc bên gia đình và người thân”.

Theo BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, chưa có ngày nào anh ngủ đủ giấc, cân nặng cũng sụt đi vài ký, mắt thêm nhiều vết quầng thâm.

“Ngày nào tôi cũng phải xử lý công việc đến 23 giờ. Đến 4 giờ sáng hôm sau đã phải thức dậy để tiếp nhận thông tin đường dây nóng của người dân. Những khi có ca nghi ngờ, anh em trong tổ truy vết Covid -19 lại tiến hành truy vết, điều tra dịch tễ xuyên đêm rất căng thẳng. Tất cả chỉ có thể thở phào nhẹ nhõm khi tất cả các mẫu xét nghiệm đều có kết quả âm tính” - BS Phúc cho hay.

Là người trực tiếp thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trong phòng xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, kỹ thuật viên Nguyễn Thanh Thế tâm sự, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 luôn hiện hữu nếu chẳng may anh và đồng nghiệp có bất cẩn trong quá trình tách chiết, xét nghiệm.

Các nhân viên y tế, lực lượng phục vụ ở khu cách ly Trường đại học An ninh nhân dân cơ sở 2 trong phút thư giãn sau khi tiếp nhận người cách ly trở về từ nước ngoài
Các nhân viên y tế, lực lượng phục vụ ở khu cách ly Trường đại học An ninh nhân dân cơ sở 2 trong phút thư giãn sau khi tiếp nhận người cách ly trở về từ nước ngoài

“So với những ngày đầu thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, đến giờ này chúng tôi đã tự tin, cứng cáp hơn rất nhiều, không còn lo lắng, sẵn sàng đối mặt với thử thách. Bất kể khi nào, dù là 3 ngày Tết, nếu lãnh đạo có lệnh, tôi đều ngay lập tức có mặt để làm nhiệm vụ” - anh Thế nói.

Cũng thực hiện nhiệm vụ xét nghiệm SARS-CoV-2, các kỹ thuật viên, bác sĩ của Khoa Vi sinh Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã và đang góp phần không nhỏ vào việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

ThS Đào Minh Ý, Trưởng khoa Vi sinh cho biết, hầu hết các kỹ thuật viên, nhân viên trong khoa là những người trẻ, không ngại xông pha lên tuyến đầu và chấp nhận mọi thử thách. Có những nhân viên chưa lập gia đình nên phần lớn thời gian ở trong phòng xét nghiệm. Mọi người đều có chung một mong muốn là dịch bệnh sớm qua để mọi người có thể trở lại cuộc sống bình thường.

Hạnh Dung

 

Tin xem nhiều