Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP qua kênh du lịch

10:02, 25/02/2021

Đồng Nai vừa khai trương 2 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP (đặc sản địa phương trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tại Khu du lịch (KDL) Bửu Long (TP.Biên Hòa) và KDL Thác Đá Hàn (H.Trảng Bom).

Đồng Nai vừa khai trương 2 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP (đặc sản địa phương trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tại Khu du lịch (KDL) Bửu Long (TP.Biên Hòa) và KDL Thác Đá Hàn (H.Trảng Bom).

Khách tham quan gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Ảnh: T.Mộc
Khách tham quan gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Ảnh: T.Mộc

Sự gắn kết giữa hai lĩnh vực nông nghiệp và du lịch là động lực để hai ngành này vừa tạo nên sự phong phú, đa dạng sản phẩm cho từng lĩnh vực, vừa xây dựng những sản phẩm nông nghiệp, du lịch đặc trưng riêng cho Đồng Nai.

* Bắt nhịp xu hướng

Những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, xu hướng đi du lịch của người dân có sự thay đổi khá rõ. Trong bối cảnh du lịch quốc tế đóng băng, du lịch nội địa trở thành thị trường chính, đây là cơ hội để phát huy hết giá trị, tiềm năng cho ngành Du lịch. Nắm bắt xu hướng mới, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trên địa bàn tỉnh đã đưa ra một số sản phẩm du lịch mới như: du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp… đáp ứng nhu cầu của du khách.

Cùng với những sản phẩm du lịch địa phương, chương trình quảng bá đặc sản vùng miền cũng được chú trọng, đầu tư. Trong đó, việc kết hợp quảng bá các sản phẩm OCOP vào các khu, điểm du lịch, trạm dừng chân sẽ là một trong những kênh đang được khuyến khích, vừa tạo sự phong phú cho sản phẩm du lịch, vừa giúp nông dân quảng bá các sản phẩm của mình đến người tiêu dùng, đây vốn là kênh tiếp thị còn nhiều hạn chế của nông dân.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, OCOP là chương trình chiến lược quốc gia, thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, gia tăng sức cạnh tranh và thích ứng với hội nhập kinh tế quốc tế. Qua 2 năm triển khai, đến nay chương trình đã lan rộng, góp phần khơi gợi các tiềm năng, lợi thế của nông sản tại địa phương, đồng thời hỗ trợ chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất.

Gian hàng sản phẩm OCOP tại hội chợ Ẩm thực du lịch Đồng Nai năm 2020. Ảnh: T.Mộc
Gian hàng sản phẩm OCOP tại hội chợ Ẩm thực du lịch Đồng Nai năm 2020. Ảnh: T.Mộc

Tạo ra sản phẩm tốt, được cơ quan chức năng chứng nhận là kết quả từ những nỗ lực của nông dân. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay mà nông dân còn bối rối nhất đó là tìm đầu ra cho sản phẩm. Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương chia sẻ, nắm bắt những khó khăn của nông dân, thời gian qua, Bộ Công thương, lãnh đạo tỉnh đã có những chủ trương, chính sách thiết thực triển khai các hệ thống phân phối sản phẩm OCOP. Trong những tháng cuối năm 2020, Sở Công thương đã tổ chức nhiều cuộc kết nối sản phẩm OCOP vào hệ thống phân phối hiện đại như: trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống, xây dựng các điểm bán sản phẩm OCOP tại các điểm dừng chân, du lịch…

Theo ông Lộc, các sản phẩm OCOP của Đồng Nai hiện nay đã được lên kệ tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại… với các chính sách hỗ trợ được ưu ái nhất; nếu sản phẩm được thị trường đón nhận, sản phẩm OCOP sẽ tiếp tục được triển khai rộng trên toàn hệ thống trong cả nước. Từ những kết quả ban đầu, mới đây, Sở Công thương tiếp tục triển khai thêm 2 điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại KDL Bửu Long, Thác Đá Hàn. Đây là 2 điểm bán hàng đầu tiên tại KDL trên địa bàn tỉnh, là cơ sở ban đầu để đúc kết kinh nghiệm trong quá trình phát triển hệ thống ra toàn tỉnh.

* “Cánh tay nối dài“ cho thương hiệu của nhà nông

Cùng với những hoạt động xúc tiến nhằm phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP trong các KDL nội tỉnh, các chương trình kết nối cung cầu cho sản phẩm OCOP giữa các tỉnh, thành trong cả nước cũng được thúc đẩy khá mạnh mẽ thời gian qua với mục tiêu đưa các sản phẩm OCOP địa phương kết nối với các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên toàn quốc. Song song với kênh bán hàng trực tiếp, thời gian tới, với sự hỗ trợ của ngành Công thương, các khu, điểm du lịch, các chủ thể sản phẩm OCOP, điểm giới thiệu và bán hàng sẽ phát triển thêm kênh bán hàng online, liên kết phát triển các chuỗi điểm bán sản phẩm OCOP không chỉ trong phạm vi của tỉnh mà còn cần mở rộng thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để xây dựng thương hiệu, từng bước nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Mô hình sản xuất rau sạch thủy canh đạt chuẩn VietGAP tại Khu du lịch Thác Đá Hàn. Ảnh: T.Mộc
Mô hình sản xuất rau sạch thủy canh đạt chuẩn VietGAP tại Khu du lịch Thác Đá Hàn. Ảnh: T.Mộc

Ông Lê Hoàng Dũng, Giám đốc chiến lược, Công ty TNHH MTV du lịch Thác Đá Hàn -  Phú Lộc An chia sẻ, Đồng Nai có rất nhiều sản phẩm OCOP nhưng hiện nay mối liên hệ giữa người cung cấp sản phẩm và người mua vẫn còn một khoảng trống rất lớn, bởi người làm ra sản phẩm chưa tìm được kênh để phát triển, phân phối và bán sản phẩm, trong khi người tiêu dùng có nhu cầu về sản phẩm chất lượng cao thì không tìm được địa chỉ đáng tin cậy. Ông Dũng chia sẻ: “Nhiều khách du lịch đến Thác Đá Hàn có nhu cầu tìm nguồn mua các loại nông sản sạch của địa phương nhưng không biết tìm ở đâu. Tôi hy vọng, điểm bán hàng OCOP tại KDL Thác Đá Hàn cũng như các KDL khác sẽ là cầu nối hiệu quả cho nông dân tiêu thụ sản phẩm. KDL Thác Đá Hàn sẽ nỗ lực để cung cấp ngày càng nhiều sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng”.

Cùng quan điểm, ông Trần Đăng Ninh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Bửu Long (KDL Bửu Long) cho hay, KDL Bửu Long sẵn sàng là “cánh tay nối dài” của người nông dân, mang được thông điệp sản phẩm sạch đã được công nhận đến với người tiêu dùng. Trong tương lai, ngoài việc truyền thông cho sản phẩm OCOP, KDL Bửu Long sẽ đẩy mạnh các kênh bán hàng gắn với các sản phẩm của KDL để gian hàng OCOP của KDL đạt được doanh số cao nhất.

Với sự kết nối, tiếp sức từ ngành Du lịch, nhiều cơ sở sản xuất kỳ vọng không xa nữa, sản phẩm OCOP của Đồng Nai sẽ tạo được tiếng vang mạnh mẽ, sản phẩm OCOP sẽ trở thành những món quà tặng người thân của du khách khi đi du lịch. Bà Lương Thị Cẩm Nhung, Giám đốc HTX An Hòa Hưng (TP.Biên Hòa), chủ thể của sản phẩm OCOP Cao An Xoa mong muốn, thông qua những gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các khu du lịch, nông dân có thêm cơ hội nhận diện, tiếp cận được nhiều hơn các đối tượng khách tiêu dùng, thúc đẩy các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển, từ đó tăng cường khai thác thế mạnh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm vươn tầm trong nước và thế giới.

Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, sau 2 năm thực hiện, chương trình OCOP của tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan, hiện đã có 46 sản phẩm được Hội đồng Thẩm định của tỉnh công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm có tiềm năng 5 sao, 14 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 27 sản phẩm 3 sao. Số sản phẩm này so với quy mô và mặt bằng chung ở các tỉnh phía Nam thì Đồng Nai là một trong những tỉnh làm từ sớm nhất, với các sản phẩm được đánh giá tốt.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều