Báo Đồng Nai điện tử
En

Càng khó khăn càng phải vượt qua

11:02, 26/02/2021

Thầy thuốc Nhân dân, TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ, chưa bao giờ vai trò của người thầy thuốc lại được xã hội coi trọng và tôn vinh như thời điểm hiện nay...

[links()]Thầy thuốc Nhân dân, TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ, chưa bao giờ vai trò của người thầy thuốc lại được xã hội coi trọng và tôn vinh như thời điểm hiện nay. Khi dịch bệnh bùng phát và cướp đi sinh mạng, sức khỏe của hàng trăm triệu người thì những người thầy thuốc, với sứ mệnh của mình, như những chiến sĩ sẵn sàng ra trận.

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ thăm, động viên các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh
Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ thăm, động viên các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Ảnh: A.Yên

Hệ dự phòng đóng vai trò vô cùng quan trọng

* Ông đánh giá như thế nào về khối y tế dự phòng hiện nay của tỉnh?

- Trên mặt bằng chung của cả nước, số lượng bác sĩ, nhân viên y tế của Đồng Nai được xếp vào nhóm trung bình. Chúng ta đang có 8,5 bác sĩ/vạn dân và 30 giường bệnh/vạn dân. Trong điều kiện bình thường, số lượng bác sĩ, giường bệnh này đảm bảo nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Còn trong tình huống dịch bệnh bùng phát, lan rộng, hệ điều trị sẽ dễ dẫn đến quá tải.

Trong nhiều năm qua, Đảng và Chính phủ đã rất coi trọng hệ dự phòng. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có trạm y tế đến từng xã, phường, thị trấn. Tỉnh Đồng Nai hiện có 170 trạm y tế. Chính mạng lưới y tế rộng khắp nên khi có dịch bệnh xảy ra, hệ dự phòng ngay lập tức phát huy tác dụng. Đây là điểm mạnh của ngành Y tế Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng, là kết quả của sự đầu tư nhiều năm liên tục. Nếu chúng ta không chuẩn bị hệ dự phòng cách đây từ vài chục năm thì khi dịch bệnh Covid-19 hoặc các loại dịch bệnh truyền nhiễm khác xảy ra, chúng ta rất dễ “vỡ trận” như nhiều nước trên thế giới.

* Người ta thường nhắc đến hệ dự phòng với câu nói “Nuôi quân 3 năm dùng 1 giờ”. Ông nghĩ điều này có đúng không?

- Khi dịch bệnh Covid-19 chưa bùng phát trên thế giới và xuất hiện ở Việt Nam, đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên hệ dự phòng vẫn có nhiều nhiệm vụ khác để làm. Vì là nước nhiệt đới nên dịch bệnh xuất hiện quanh năm, từ sốt xuất huyết, tay chân miệng đến sởi, viêm màng não… Do đó, các bác sĩ hệ dự phòng không thiếu việc.

Tuy nhiên, do đã quen “chiến đấu” với dịch bệnh từ nhiều năm nay nên khi có dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra như dịch bệnh sởi năm 2018, dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2019, các bác sĩ, nhân viên y tế khối dự phòng trong tỉnh đã sớm đưa ra nhiều giải pháp và khống chế thành công dịch bệnh, không để lây lan rộng trong cộng đồng và hạn chế tối đa số ca tử vong cho hệ điều trị.

Phải công nhận rằng, khi tình hình dịch bệnh ổn, không quá phức tạp, anh em khối dự phòng có thư thả hơn so với các y, bác sĩ khối điều trị. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát, anh em khối dự phòng phải dốc sức gấp nhiều lần.

* Nhiệm vụ trọng tâm sắp tới của ngành Y tế Đồng Nai là gì, thưa ông?

- Phòng, chống dịch Covid-19 song song với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế trong thời gian tới. Đối với công tác phòng, chống Covid-19, ngành Y tế đang xin chủ trương UBND tỉnh cho phép tầm soát xét nghiệm SARS-CoV-2 có thu phí trên diện rộng đối với những bệnh nhân khám ngoại trú tại các cơ sở y tế có biểu hiện ho, sốt, khó thở. Điều này sẽ giúp kiểm soát, hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh thống nhất chủ trương trích kinh phí ngân sách để mua 6,2 triệu liều vaccine Covid-19, tiêm phòng cho tất cả 3,1 triệu dân trong tỉnh. Tôi cho rằng, với quyết tâm, tinh thần đoàn kết, sự chủ động, sáng tạo thì dù khó khăn nào chúng ta cũng sẽ vượt qua.

Yếu tố con người luôn được đặt lên hàng đầu

* Danh hiệu cao quý Thầy thuốc Nhân dân mà Nhà nước vừa phong tặng có ý nghĩa như thế nào đối với bác sĩ?

- Trong suốt thời gian 30 năm gắn bó với ngành Y tế, tôi đã không ngừng cố gắng, nỗ lực để vượt qua những kết quả mà mình đã đạt được ngày hôm qua, hướng đến ngày mai tốt đẹp hơn. Tôi yêu thích công việc mình làm và cảm thấy hạnh phúc khi mỗi ngày được cống hiến một phần công sức nhỏ bé của mình cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân đối với tôi là một nguồn động viên, khích lệ to lớn, tạo cho tôi động lực và niềm tin vững chắc để tiến bước trên chặng đường sắp tới.

* Trong số những kết quả đã đạt được trong 30 năm công tác của mình, ông tâm đắc nhất với điều gì và còn trăn trở điều gì?

- Điều khiến tôi hạnh phúc nhất là với tư cách đại diện chủ đầu tư, tôi đã góp sức để hoàn thành việc xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai mới. Việc này thoạt nghe có vẻ đơn giản nhưng lại cực kỳ phức tạp. Qua 5 năm đi vào hoạt động ở cơ sở mới với diện mạo khang trang, hiện đại, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đang tiến bộ mỗi ngày về mọi mặt, đã và đang trở thành địa chỉ đáng tin cậy của người dân trong tỉnh và khu vực.

Điều khiến tôi băn khoăn nhất hiện nay là thu nhập của nhân viên y tế chưa xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra, đặc biệt là các bác sĩ ở tuyến trạm y tế. Tôi đang suy nghĩ để tìm ra giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho đội ngũ bác sĩ ở tuyến trạm, giúp họ an tâm gắn bó với công việc, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Mặt khác, đến nay, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đã rất cao nhưng quỹ bảo hiểm y tế không “lớn” kịp để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và sự phát triển của các cơ sở y tế.

* Con người vẫn được xem là yếu tố then chốt quyết định thành bại của công tác khám, chữa bệnh. Vậy làm sao để nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực y tế của tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới, thưa bác sĩ?

- Dù là ngành nghề nào, lĩnh vực nào, con người vẫn là quan trọng nhất, quyết định sự thành công hay thất bại. Cơ sở vật chất có khang trang, trang thiết bị máy móc có hiện đại, hạ tầng công nghệ thông tin có tiên tiến đến đâu cũng chỉ đi sau yếu tố con người. Nếu chúng ta không có những con người tốt thì sẽ thất bại và ngược lại.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực ngành Y tế tỉnh nhà, thiết nghĩ cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng, phải trả công đúng với những người có tâm, có tầm, phải xem lao động trí óc ngành Y tế là tinh hoa. Người tài cần phải được sử dụng không phân biệt độ tuổi. Anh càng trẻ, càng giỏi càng phải được trọng dụng.

* Xin cảm ơn ông!

An Yên (thực hiện)

 

Tin xem nhiều