Dù Đồng Nai đã triển khai nhiều biện pháp xử lý, giải tỏa, di dời nhưng đến nay ở nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khu chợ tự phát lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ...
Dù Đồng Nai đã triển khai nhiều biện pháp xử lý, giải tỏa, di dời nhưng đến nay ở nhiều tuyến đường từ quốc lộ đến đường nông thôn, đô thị trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khu chợ tự phát lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ gây cản trở lưu thông, tiềm ẩn các nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT).
Người dân buôn bán ngay giữa lòng đường dù xung quanh dòng xe tải ben lưu thông gây mất an toàn tại chợ tự phát trên quốc lộ 1K gần khu vực Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (thuộc P.Hóa An, TP.Biên Hòa). Ảnh: T.HẢI |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng chục điểm chợ tự phát họp ven các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện cho đến các tuyến đường trong khu dân cư. Chợ tự phát mới đầu hình thành chỉ có vài hộ buôn bán nhỏ, lẻ ven đường, sau đó do nhu cầu mua bán của người dân tăng dần, rồi tạo thành chợ với quy mô lớn.
* Nguy hiểm chực chờ
Gần 10 năm qua, người dân sống hai bên tuyến quốc lộ 51, đoạn trước cổng Công ty TNHH Cự Thành (xã An Phước, H.Long Thành) ngán ngẩm bởi sự nhếch nhác, lộn xộn cảnh bán buôn của chợ tự phát tại đây. Cảnh nhốn nháo này chủ yếu diễn ra vào hai thời điểm công nhân vào ca và tan ca. Buổi sáng bắt đầu từ 6-7 giờ kéo dài đến gần 11 giờ và chiều khoảng 15-16 giờ đến gần 19 giờ.
Một đoạn đường dài trước cổng Công ty TNHH Cự Thành bị người dân lấn chiếm để buôn bán. Các sạp hàng bày bán la liệt, từ trong hành lang cho đến giữa lòng đường kèm theo đó là dòng nước thải đen kịt, bốc mùi hôi hám. Nhiều người điều khiển xe máy khi lưu thông qua đây đều phải lắc đầu vì lối đi bị các xe bán rau, trái cây, thịt, cá lấn chiếm, rất khó khăn mới thoát khỏi đám đông hỗn độn, bát nháo. Điều đáng nói, trong khi nhiều phương tiện giao thông như: xe tải, xe container, xe khách đường dài chạy sát bên với tốc độ cao thì người mua, người bán vẫn không mảy may lo sợ tai nạn có thể xảy ra.
Đồ họa thể hiện thông tin các lực lượng chức năng của tỉnh xử lý vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2020 (Thông tin: THANH HẢI - Đồ họa: DƯƠNG NGỌC) |
Bà Nguyễn Thị Thoa (ngụ xã An Phước, H.Long Thành) cho biết, tình trạng trên kéo dài nhiều năm, ngày nào người dân cũng phải chịu cảnh nhốn nháo, mất trật tự mà không biết phải kêu ai. Đường không phải là nơi họp chợ, nhưng người dân, công nhân cứ thản nhiên mua bán ngay giữa đường. Nếu không may xảy ra tai nạn thì hậu quả sẽ khôn lường.
“Tôi thấy chính quyền cũng gắn camera theo dõi, ra quân kiểm tra nhưng chỉ một thời gian lại đâu vào đấy, như “bắt cóc bỏ dĩa”. Việc họp chợ lấn hết lối đi của xe 2 bánh nên xe 2 bánh phải chạy vào làn đường dành cho xe ô tô rất nguy hiểm” - bà Thoa bức xúc nói.
Liên quan đến vấn đề xử lý việc họp chợ ven đường sau các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản xảy ra trong thời gian qua, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu các bộ, ngành và địa phương rà soát lại các chợ đang hoạt động, đặc biệt là những chợ họp dọc hai bên các tuyến quốc lộ. Trong đó, phải xử lý nghiêm, không để xảy ra tình trạng họp chợ tự phát, vi phạm hành lang đường bộ; đồng thời bổ sung, điều chỉnh các biển báo về tốc độ cho phù hợp. |
Cứ chiều chiều, chợ “chồm hổm” được thiết lập trên hành lang an toàn đường bộ của tuyến đường tỉnh 767 đoạn qua 2 xã Bắc Sơn (H.Trảng Bom) và Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) cũng rất xôm tụ. Việc mua bán diễn ra vô cùng bát nháo, thậm chí nhiều người còn ngang nhiên bày bán hàng hóa ngay giữa đường khiến xe cộ lưu thông qua đây hết sức khó khăn, nguy hiểm. Chợ họp ngay dưới con dốc Bắc Sơn, được coi là vị trí nguy hiểm nhất trên tuyến đường tỉnh 767. Vào giờ tan tầm buổi chiều, tại khu vực này thật khó phân biệt đâu là đường, đâu là chợ. Xung quanh những luồng xe lớn, nhỏ đang đổ dốc với tốc độ cao, tuy nhiên người dân vẫn vô tư mua bán mặc tính mạng bị đe dọa.
Chợ tự phát lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh buôn bán, trong khi đó phương tiện tham gia giao thông luôn đông đúc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT. Bởi chỉ một sơ suất của lái xe hay người đi đường thì sự cố hay TNGT có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Hậu quả xảy ra sẽ vô cùng nặng nề vì đây là những khu vực tập trung đông người.
Giữa tháng 6-2020, một vụ TNGT nghiêm trọng tại tỉnh Đắk Nông khi một chiếc xe tải lưu thông trên quốc lộ 14 lao vào chợ tự phát khiến nhiều người bị thương vong. Những mất mát thương tâm có thể đã không xảy ra nếu như hành lang an toàn giao thông không bị lấn chiếm.
Theo Công an tỉnh, thời gian qua, lực lượng chức năng đã tiến hành cưỡng chế, giải tỏa gần 1,6 ngàn trường hợp buôn bán, lấn chiếm lòng lề đường tại các khu vực có tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp, đông người dân, công nhân lao động tụ tập mua bán. Trong đó, tập trung xử lý nhiều “điểm nóng” về tình trạng họp chợ ven đường tràn lan như: chợ tạm vòng xoay Cổng 11, công viên 30-4, chợ Tân Mai 2, chợ Hương Phước (TP.Biên Hòa)...
Trong khi đó, Thanh tra giao thông (Sở GT-VT) cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng này đã giải tỏa tại chỗ và nhắc nhở các tổ chức, cá nhân vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ hơn 2,1 ngàn vụ. Trong đó, dựng lều quán tạm, mái che, ô dù là 487 vụ; để biển hiệu, biển quảng cáo là 465 vụ; buôn bán nhỏ, để vật dụng lấn chiếm hành lang đường bộ là 750 vụ… Bên cạnh công tác xử lý vi phạm, các lực lượng chức năng còn tổ chức tuyên truyền, ký cam kết không để tái phạm nhằm giữ gìn hành lang an toàn giao thông luôn thông thoáng.
* Cần phải dẹp bỏ, xử lý nghiêm vi phạm
Thực trạng phổ biến hiện nay tại các chợ tự phát là người bán luôn sẵn sàng “ôm” hàng bỏ chạy khi cơ quan chức năng xuất hiện, nhưng chạy xong thì quay về bán tiếp khiến công tác xử lý, giải quyết khó dứt điểm. Việc bán hàng ven đường không chỉ gây nguy cơ mất an toàn giao thông mà còn mất mỹ quan đô thị vì sự nhếch nhác, lộn xộn.
Lực lượng Thanh tra giao thông (Sở GT-VT) tổ chức tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường trên quốc lộ 1, đoạn qua TP.Biên Hòa |
Nhiều ý kiến cho rằng, để dẹp tình trạng họp chợ ven đường đòi hỏi các cấp chính quyền và ngành chức năng phải vào cuộc, kiên quyết xử lý những hộ lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán trái phép.
Xử lý tụ tập họp chợ, buôn bán chưa quyết liệt Ban An toàn giao thông tỉnh đánh giá, thời gian qua, mặc dù các địa phương có triển khai công tác quản lý trật tự giao thông đô thị nhưng chưa quyết liệt, dứt điểm dẫn đến hành vi vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè nhiều nơi còn diễn ra ngang nhiên trong thời gian dài. Tình trạng này đã gây ảnh hưởng lớn đến trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. |
Trước vấn đề này, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, xử lý tình trạng sử dụng trái phép, lấn chiếm hành lang đường bộ, xâm phạm các công trình đường bộ vào mục đích cá nhân. Kiên quyết xử lý việc sử dụng lòng, lề đường, hành lang đường bộ buôn bán hàng rong, hợp chợ.
UBND tỉnh yêu cầu, tại các tuyến đường giáp ranh giữa xã, phường, thị trấn tại các huyện, TP.Long Khánh và TP.Biên Hòa, chính quyền địa phương phải xây dựng kế hoạch phối hợp tuần tra, kiểm soát. Đặc biệt, nếu để xảy ra tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang đường bộ, lòng, lề đường để họp chợ, buôn bán làm ách tắc giao thông, mất trật tự đô thị và an toàn giao thông thì người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.
Tại TP.Biên Hòa, nơi tập trung lượng dân cư đông đúc nên những năm qua chợ tự phát, nạn họp chợ ven đường cũng diễn ra phức tạp khiến công tác quản lý trật tự đô thị gặp nhiều khó khăn. Mới đây, UBND TP.Biên Hòa đã tổ chức lễ phát động ra quân đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Trong đó, UBND TP.Biên Hòa yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, thiết thực, hiệu quả; đồng thời có kế hoạch phân công thường xuyên kiểm tra giám sát để duy trì kết quả đạt được.
Hàng hóa để tràn lan trên đường Điều Xiển đoạn qua xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom). |
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho hay, các cấp, các ngành, đơn vị, cùng các đoàn thể và cộng đồng xã hội chung sức hành động bằng những việc làm thiết thực để đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Trong đó, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, trật tự đô thị, hành vi chiếm dụng lòng đường, vỉa hè.
Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong việc xây dựng văn minh đô thị như: vận động vợ, chồng, con, anh em không mua bán hàng hóa ở những khu chợ tự phát, hàng quán tự phát. Về lâu dài, mỗi phường, xã phải quản lý một cách triệt để, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Để không còn tình trạng này diễn ra, bên cạnh việc ra quân giải tỏa và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm thì mỗi người mua và người bán cần nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, tránh tình trạng mất an ninh trật tự và mỹ quan đô thị. Trong thời gian tới, các ngành chức năng cùng địa phương sẽ tăng cường kiểm soát để dẹp bỏ tình trạng lấn chiếm lòng đường, sau đó sẽ đặt dải phân cách mềm ở giữa đường để hạn chế tình trạng buôn bán tràn ra lòng, lề đường như hiện nay.
Thanh Hải
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia:
Không để hình thành “điểm đen” về tai nạn giao thông
Việc tụ tập buôn bán, họp chợ ven đường, ven quốc lộ tạo hệ lụy không chỉ về vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà còn hình thành các “điểm đen” về TNGT cho cả người đi đường và các hộ kinh doanh.
Nếu chính quyền không thực hiện quyết liệt, thường xuyên các giải pháp thì rất khó để giải quyết dứt điểm vấn nạn này. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng kiểm tra toàn quốc về tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ. Từ đó, sẽ kiểm tra, xử lý trước một số đoạn tuyến có nguy cơ tai nạn cao.
Ông Từ Nam Thành, Giám đốc Sở GT-VT, Phó trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh:
Chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân
Thời gian qua, tình trạng sử dụng trái phép lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để họp chợ còn xảy ra khá phổ biến tại nhiều nơi, nhiều địa phương.
Do đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, chính quyền địa phương cũng như tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, họp chợ, tụ tập đông người.
Quan trọng nhất vẫn là giải pháp thay đổi từ gốc rễ ý thức của người dân mới mong hạn chế nguy cơ mất an toàn và phòng ngừa, ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông xảy ra.
Bà Dương Thị Nga (ngụ KP.5, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa):
Xây dựng chợ truyền thống để thay thế chợ tạm
Nhiều năm qua, chợ tự phát tại khu vực ngã tư Phú Thọ (đường Nguyễn Phúc Chu, KP.5, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) rất lộn xộn và nhếch nhác. Đây là con đường có nhiều phương tiện di chuyển từ đường Nguyễn Ái Quốc vào sâu trong P.Trảng Dài. Tuy nhiên, do tình trạng hợp chợ tràn làn, hàng hóa bày bán lộn xộn nên cứ tới đầu buổi sáng hoặc cuối buổi chiều là kẹt xe. Nhiều người dừng xe dưới lòng đường để mua bán khiến con đường vốn đã chật hẹp càng thêm ùn tắc nghiêm trọng. Để tạo đường thông hè thoáng thì TP.Biên Hòa cần xây dựng tại đây một ngôi chợ để người dân có nơi buôn bán, phát triển kinh tế.
Luật sư Trần Trọng Hiếu (Công ty Luật VNLAW GROUP, Đoàn Luật sư TP.HCM):
Cần quyết liệt trong xử lý vi phạm
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành vi họp chợ, mua, bán hàng hóa trong phạm vi đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị số tiền 300-400 ngàn đồng đối với cá nhân, 600-800 ngàn đồng đối với tổ chức.
Phạt tiền 2-3 triệu đồng đối với cá nhân, 4-6 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Ngoài ra, với hành vi sử dụng trái phép đất của đường bộ và hành lang an toàn giao thông đường bộ làm nơi tập kết, trung chuyển hàng hóa, vật tư, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng khác thì sẽ bị phạt tiền 4-12 triệu đồng.
Dù mức phạt tăng, chế tài đã có, song việc xử phạt đa phần chỉ dừng lại ở nhắc nhở nên khó giải quyết dứt điểm, dẫn đến tình trạng nhờn luật, còn vi phạm thì cứ tiếp diễn, do đó cần phải quyết liệt trong xử lý vi phạm.
Dương Ngọc (ghi)