Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao nhận thức và tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ

03:05, 12/05/2020

Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2020 (từ ngày 1 đến 31-5) đang được các cấp, các ngành, đoàn thể và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung thông tin, tuyên truyền...

Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2020 (diễn ra từ ngày 1 đến 31-5) với chủ đề Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc đang được các cấp, các ngành, đoàn thể và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh tập trung thông tin, tuyên truyền, tổ chức các hoạt động hưởng ứng.

Trưởng ban an toàn lao động kiêm Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Tokin Electronics Việt Nam (Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa) Phan Tới Thọ Hiệp đào tạo, hướng dẫn các kiến thức về an toàn vệ sinh lao động cho đội ngũ an toàn vệ sinh viên tại doanh nghiệp. Ảnh: Hồ Thảo
Trưởng ban an toàn lao động kiêm Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Tokin Electronics Việt Nam (Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa) Phan Tới Thọ Hiệp đào tạo, hướng dẫn các kiến thức về an toàn vệ sinh lao động cho đội ngũ an toàn vệ sinh viên tại doanh nghiệp. Ảnh: Hồ Thảo

Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, kiến thức, ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động (NLĐ) đối với công tác ATVSLĐ.

* Vẫn còn nhiều vi phạm

Theo Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Phạm Văn Cộng, thời gian qua, Sở đã phối hợp với các ngành chức năng có liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo ATVSLĐ, thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Dù vậy, thực tế vẫn còn tình trạng một số DN, nhất là DN nhỏ và vừa chấp hành pháp luật về ATVSLĐ chưa tốt. Tình hình tai nạn lao động vẫn diễn biến phức tạp.

Năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 685 vụ  tai nạn lao động, trong đó có 17 vụ gây chết người. Qua điều tra và phân tích cho thấy, tai nạn lao động xảy ra do nguyên nhân chủ yếu từ phía người sử dụng lao động chiếm 59%, do phía NLĐ chiếm 21%, còn lại là một số nguyên nhân khách quan.

Tại một hội thảo do Sở LĐ-TBXH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhằm thực hiện chiến dịch Tăng cường tuân thủ pháp luật lao động đối với DN hoạt động, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chế biến gỗ tại Đồng Nai, các chuyên gia nhận định rằng, cùng với Bình Dương, Đồng Nai là một trong 2 tỉnh tập trung nhiều DN nhất cả nước hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu gỗ, thu hút một lượng đông đảo NLĐ làm việc. Tuy nhiên, việc vi phạm pháp luật lao động trong ngành này trên địa bàn cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng vẫn còn khá phổ biến, trong đó có nhiều vi phạm liên quan đến lĩnh vực về ATVSLĐ, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ, mối quan hệ lao động và làm giảm tính cạnh tranh của ngành.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Chánh thanh tra Sở LĐ-TBXH cho hay, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật nói chung, trong đó có vi phạm ATVSLĐ nói riêng trong ngành chế biến gỗ được xác định là do lao động làm việc ở ngành này hầu hết đến từ khu vực nông thôn, dân tộc thiểu số… có trình độ học vấn, tác phong công nghiệp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Mặt khác, phần lớn các DN đang hoạt động trong ngành gỗ có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với năng lực tài chính, hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao.

Trong khi đó, theo ông Đặng Thành Nam, Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng Sở Xây dựng, thời gian qua, mức độ vi phạm về huấn luyện ATVSLĐ của các DN thi công xây dựng vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 40% tổng số hành vi vi phạm trên lĩnh vực ATVSLĐ. Hoạt động thi công xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro gây mất ATVSLĐ, gây thiệt hại về người cao hơn so với các ngành nghề khác.

Đại diện Sở LĐ-TBXH và Liên đoàn Lao động tỉnh đến thăm và tặng quà người lao động bị tai nạn lao động. Ảnh: N.Hòa
Đại diện Sở LĐ-TBXH và Liên đoàn Lao động tỉnh đến thăm và tặng quà người lao động bị tai nạn lao động. Ảnh: N.Hòa

Cũng theo đại diện Sở Xây dựng, nguồn lao động ngành xây dựng đa số là lao động nông nhàn, thời vụ, rất ít được đào tạo nghề nên ý thức chấp hành quy định ATVSLĐ không cao, trong khi công tác đào tạo nghề cho công nhân xây dựng hiện nay chưa đáp ứng được số lượng và chất lượng so với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, một số nhà thầu thi công xây dựng chưa thật sự quan tâm, chủ động thực hiện công tác ATVSLĐ, đặc biệt là các DN thi công các công trình có quy mô vừa và nhỏ. Mức độ xử lý vi phạm trong lĩnh vực ATVSLĐ còn thấp, chưa đủ sức răn đe với các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng… là những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ, rủi ro gây mất ATVSLĐ cao trong ngành này.

NLĐ cũng chưa có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ nên tình trạng tai nạn lao động vẫn còn xảy ra. Mặt khác, số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về pháp luật lao động nói chung và ATVSLĐ nói riêng còn ít so với tổng số DN hiện có trên địa bàn tỉnh. Các quy định về xử phạt trong lĩnh vực này vẫn chưa đủ tính răn đe…

Về phía tổ chức Công đoàn, theo Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Nông Văn Dũng, dù công tác giám sát, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức của NLĐ và người sử dụng lao động trong công tác ATVSLĐ đã được các cấp Công đoàn quan tâm đẩy mạnh nhưng việc thực hiện công tác này của tổ chức Công đoàn trong các DN trên địa bàn tỉnh thực tế vẫn còn những hạn chế nhất định.

* Nâng cao nhận thức về ATVSLĐ

Dù còn nhiều hạn chế, song không thể phủ nhận rằng, thời gian qua, với nỗ lực của cơ quan chức năng, sự quan tâm của DN đã có nhiều DN trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác ATVSLĐ với những hoạt động thiết thực, hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao môi trường làm việc, đảm bảo sức khỏe cho NLĐ, trở thành những “điểm sáng”.

Cụ thể, nhiều DN quan tâm chú trọng công tác tuyên truyền đã làm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức chấp hành nội quy, quy định pháp luật về ATVSLĐ của NLĐ. Ngoài ra, nhiều DN còn quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại, lắp đặt các biển báo cụ thể về sự nguy hiểm ở những xưởng sản xuất. Một số DN còn xây dựng các mô hình đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình sản xuất, kinh doanh như: mô hình phát hiện mối nguy hại tại nơi sản xuất của Công ty CP Công nghiệp Chính xác Việt Nam Vpic (H.Trảng Bom); Công tác chủ động giảm thiểu rủi ro bởi NLĐ của Công ty TNHH Soltec Việt Nam (H.Nhơn Trạch); Hệ thống đào tạo an toàn của Công ty TNHH Hóa chất LG (H.Long Thành)…

Công ty TNHH Advanced Multitech Việt Nam là một trong số các DN được đánh giá thực hiện tốt ATVSLĐ trên địa bàn H.Nhơn Trạch. Chị Đỗ Thị Thúy Kiều, Chủ tịch Công đoàn cơ sở kiêm cán bộ an toàn lao động tại công ty cho biết, công ty luôn xác định công tác đảm bảo ATVSLĐ là nhiệm vụ quan trọng song song với sản xuất. Thời gian qua, công ty đều đặn thực hiện huấn luyện an toàn lao động cho NLĐ; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ; thường xuyên kiểm tra nhà xưởng, máy thiết bị để kịp thời phát hiện và khắc phục tồn tại. Đặc biệt là chú trọng áp dụng các biện pháp kỹ thuật đối với các vị trí làm việc, hạng mục có nguy cơ mất an toàn, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp… Qua đó, đảm bảo môi trường làm việc an toàn; nhiều năm  được tỉnh khen thưởng vì làm tốt công tác ATVSLĐ.

Nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ, thực thi có hiệu quả Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành; cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe NLĐ; chủ động phòng ngừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sự cố mất an toàn lao động trên địa bàn tỉnh, hằng năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động về ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở LĐ-TBXH, hưởng ứng Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2020, ngay từ tháng 1-2020, Sở đã gửi kế hoạch đến các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đề nghị DN và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh căn cứ vào tình hình sản xuất, kinh doanh phối hợp chặt chẽ với Công đoàn cơ sở xây dựng chương trình hành động cụ thể về ATVSLĐ, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng ATVSLĐ cho toàn thể NLĐ theo điều kiện cụ thể của từng DN.

Ngoài ra, tổ chức phát thanh nội bộ, treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về Tháng ATVSLĐ tại cổng DN và phân xưởng. Đồng thời, đề nghị các DN chú trọng rà soát xây dựng các nội quy, biển báo, rào chắn những khu vực nguy hiểm có nguy cơ gây tai nạn lao động, các biện pháp kỹ thuật an toàn lao động tại từng bộ phận. Thực hiện kiểm tra rà soát đánh giá các nguy cơ rủi ro về an toàn lao động với từng máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Theo ông Cao Duy Thái, Phó trưởng phụ trách Phòng Chính sách lao động, Sở LĐ-TBXH, Tháng ATVSLĐ năm nay do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 nên các hoạt động bề nổi không được tổ chức sâu rộng. Sở đã chỉ đạo các DN phát động các phong trào thi đua đảm bảo ATVSLĐ trong phân xưởng. Tổ chức thi sáng kiến cải tiến điều kiện làm việc, các biện pháp làm việc an toàn; đồng thời, sẽ khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt ATVSLĐ tại DN. Tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, tổ chức quan trắc môi trường lao động để đánh giá tác hại các yếu tố có hại đối với NLĐ…

Về phía tổ chức Công đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động  tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho biết, Tháng ATVSLĐ năm nay sẽ tập trung vào một số hoạt động trọng tâm như:  tổ chức tư vấn trực tuyến chế độ chính sách pháp luật về ATVSLĐ cho NLĐ; tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, NLĐ ốm đau, người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo Công đoàn cơ sở quan tâm thương lượng thỏa ước lao động tập thể có nội dung về chất lượng bữa ăn giữa ca và ATVSLĐ nhằm bảo vệ sức khỏe lâu dài cho NLĐ.  Chú trọng tuyên dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ, quan tâm tạo điều kiện hoạt động cho đội ngũ an toàn vệ sinh viên ở cơ sở…

Với chủ đề Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc, Tháng Hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2020 đặt mục tiêu các cấp, các ngành và toàn thể công nhân, nhân dân lao động cùng chung tay thực hiện tốt các giải pháp cơ bản như: chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; chủ động và tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 trong đánh giá, kiểm soát các nguy cơ, rủi ro mất ATVSLĐ tại nơi làm việc. Đồng thời đẩy mạnh đổi mới các hoạt động thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình, sáng kiến cải thiện điều kiện lao động để lan tỏa trong cộng đồng.

Hồ Thảo - Nguyễn Hòa


Ông Lê Hữu Long, Phó chánh thanh tra Bộ LĐ-TBXH:

Tăng cường tuân thủ ATVSLĐ tại DN, tránh các nguy cơ rủi ro

Qua những đợt thanh tra, kiểm tra tại các DN có thể thấy, việc tổ chức huấn luyện về công tác an toàn cho NLĐ còn hạn chế; DN chưa trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ hoặc có trang bị nhưng chưa có biện pháp yêu cầu NLĐ sử dụng. DN chưa chú trọng tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, trong khi đó, quá trình sản xuất, hầu hết các DN đều sử dụng hóa chất có ảnh hưởng rất lớn sức khỏe của NLĐ.

Do đó, để các DN tuân thủ thực hiện ATVSLĐ tại nơi làm việc đúng quy định, các cấp, các ngành cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, chính DN phải xem nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong việc đảm bảo ATVSLĐ tại DN, đảm bảo môi trường làm việc hài hòa trên cơ sở tôn trọng và ghi nhận sự đóng góp của NLĐ. Đồng thời, tổ chức các buổi tập huấn về  ATVSLĐ cho chủ DN, cán bộ Công đoàn cơ sở, cán bộ nhân sự và cán bộ phụ trách mạng lưới an toàn lao động tại các DN.

Ông Đỗ Đình Hiệp, Giám đốc sản xuất Công ty CP Công nghiệp Chính xác Việt Nam (H.Trảng Bom):

DN và NLĐ cần nâng cao trách nhiệm về ATVSLĐ

 Để đảm bảo ATVSLĐ, cả DN và NLĐ cần nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện đúng quy định trong an toàn lao động. Đối với DN, cần trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, đo kiểm môi trường và thường xuyên tuyên truyền cho NLĐ thực hiện đúng nội quy lao động. Đối với NLĐ, ý thức và tác phong làm việc của NLĐ rất quan trọng, góp phần tăng năng suất sản xuất và giảm được các mối nguy hại trong sản xuất. Khi tham gia các buổi triển khai các nội quy, chính sách và công việc cụ thể tại DN, phải chú ý lắng nghe và nghiêm túc thực hiện. Trong quá trình làm việc, NLĐ nên có ý thức bảo vệ bản thân, chấp hành các quy định về giờ giấc làm việc, bảo hộ lao động để cùng DN phát triển sản xuất.

Ông Trần Đình Hiếu, cán bộ phụ trách an toàn lao động kiêm Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH A First Vina (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa):

Cần củng cố và kiện toàn đội ngũ an toàn vệ sinh viên

Đội ngũ an toàn vệ sinh viên (ATVSV) có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời những thiếu sót tồn tại trong ATVSLĐ, giảm thiểu tai nạn lao động. Đội ngũ này vừa là người hướng dẫn công tác an toàn cho NLĐ, vừa là người theo dõi, giám sát và kiến nghị với người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định về an toàn. Tai nạn lao động giảm hay tăng trong quá trình sản xuất đều không thể không nói tới vai trò của đội ngũ  này.

Do đó, để góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có thể xảy ra, cần chú trọng kiện toàn, củng cố đội ngũ ATVSV đảm bảo hiệu quả. Tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ và kịp thời biểu dương, khen thưởng cho đội ngũ ATVSV cũng như đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hộ lao động.

Công nhân Trương Chí Trung, làm việc tại Công ty TNHH Tokin Electronics Việt Nam (TP.Biên Hòa):

Tự giác trang bị bảo hộ trong quá trình làm việc

Thời gian qua, chúng tôi được tham gia rất nhiều buổi tập huấn về ATVSLĐ tại DN, qua đó có thêm kiến thức để chủ động bảo vệ mình trong quá trình làm việc. Tôi nghĩ, việc thực hiện ATVSLĐ không chỉ có DN mà ngay cả từng công nhân luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện các nội quy lao động tại DN. Đặc biệt, trang bị bảo hộ lao động như: nút chống ồn, khẩu trang, thao tác máy… Chú trọng để ý những biển báo cụ thể tại xưởng để làm việc hiệu quả, không chủ quan, lơ là trong quá trình điều chỉnh, vận hành máy. Đồng thời, khi phát hiện các mối nguy hại tại nơi sản xuất, phải đề xuất tổ trưởng, quản lý cải thiện ngay, tránh những rủi ro, góp phần đảm bảo an toàn tuyệt đối khi làm việc tại DN.        

Lan Mai - Thảo Lâm (ghi)


 

Tin xem nhiều