Báo Đồng Nai điện tử
En

Thái Lan vận động cử tri ủng hộ hiến pháp mới

10:07, 26/07/2007

Giới quân sự cầm quyền tại Thái Lan đang phát động chiến dịch kêu gọi cử tri bỏ phiếu ủng hộ hiến pháp mới trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 19/8 tới. Họ hy vọng cuộc trưng cầu này sẽ mở đường đưa Thái Lan quay về với dân chủ.

Giới quân sự cầm quyền tại Thái Lan đang phát động chiến dịch kêu gọi cử tri bỏ phiếu ủng hộ hiến pháp mới trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 19/8 tới. Họ hy vọng cuộc trưng cầu này sẽ mở đường đưa Thái Lan quay về với dân chủ. 

Xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình hôm 21/7 ở Bangkok
Xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình hôm 21/7 ở Bangkok

Cuộc trưng cầu dân ý sẽ là thử thách đầu tiên của giới quân sự cầm quyền kể từ khi chính phủ của Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ trong cuộc đảo chính không đổ máu hồi tháng 9 năm ngoái.

Các đồng minh của ông Thaksin đã bác bỏ hiến pháp mới và đang tổ chức các cuộc biểu tình vào ban đêm tại trung tâm Bangkok để kêu gọi các cử tri đánh dấu ’’không’’ trên lá phiếu của họ. Lãnh đạo cuộc biểu tình, Weng Tojilakarn, cho rằng hiến pháp mới hạn chế quá nhiều quyền lực của các lãnh đạo được bầu và cho phép giới quân sự tiếp tục gây ảnh hưởng với chính phủ.

’’Hiến pháp mới trao quá nhiều quyền cho một số ít người. Chúng tôi không thể chấp nhận một hiến pháp do những người phục vụ nhóm đảo chính soạn thảo’’, ông Weng Tojilakarn nói.

Mặc dù được tổ chức kể từ đầu tháng 6 tới nay song các cuộc biểu tình chỉ thu hút được vài nghìn người tập trung tại một quảng trường ở trung tâm Bangkok. Một cuộc biểu tình hôm chủ nhật tuần trước đã biến thành bạo lực khi cảnh sát tìm cách chặn 5.000 người tuần hành. Hơn 100 người bị thương khi người biểu tình ném đá vào cảnh sát và được đáp lại bằng hơi cay và dùi cui.

Theo các nhà phân tích, các cuộc biểu tình này sẽ khó có thể ngăn cản được cuộc trưng cầu dân ý sắp tới và có thể mang lại kết quả ngược với mong đợi vì mọi người sẽ bỏ phiếu ủng hộ hiến pháp với hy vọng tránh được các cuộc xung đột mới tại Thủ đô.

Lệnh giới nghiêm, được áp đặt khắp Thái Lan sau cuộc đảo chính
, vẫn có hiệu lực ở 50% tỉnh thành - đặc biệt là ở các tỉnh nông nghiệp miền Bắc - căn cứ chính trị của ông Thaksin. Sự hạn chế đó có nghĩa các đồng minh của ông không thể tổ chức các cuộc biểu tình trong những vùng này, hạn chế khả năng của họ chống lại hiến pháp mới.

Ông Thaksin đã sống lưu vong kể từ khi xảy ra đảo chính. Trong khi đó, nhà chức trách Thái Lan đã phong toả khoảng 1,5 tỷ USD tài sản của ông. Không có uy tín cá nhân và tài chính của ông Thaksin, chiến dịch nói ’’không’’ với hiến pháp mới khó có thể thành công. Ngoài ra, các chính đảng khác ở Thái Lan đã ủng hộ hiến pháp này, nói rằng có thể khắc phục các thiếu sót bằng cách sửa đổi sau.

Trong khi đó, Ủy ban bầu cử của Thái Lan đã dành 50 triệu USD để tổ chức cuộc trưng cầu. Tại các khu vực nông thôn, uỷ ban sẽ cử người tới từng nhà để vận động họ ủng hộ hiến pháp. Ngay cả khi các cử tri bác bỏ hiến pháp này, giới chức quân sự vẫn có quyền áp đặt hiến pháp và tổ chức các cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm nay. (Theo AFP, Nation)

Tin xem nhiều