Báo Đồng Nai điện tử
En

Để đặc sản vươn xa

05:04, 19/04/2020

Nông dân ngày càng có ý thức cao về giá trị của những vùng đặc sản nên dần quan tâm xây dựng thương hiệu cho đặc sản địa phương bằng uy tín chất lượng và sản xuất an toàn.

Nông dân ngày càng có ý thức cao về giá trị của những vùng đặc sản nên dần quan tâm xây dựng thương hiệu cho đặc sản địa phương bằng uy tín chất lượng và sản xuất an toàn.

Chôm chôm Long Khánh là một trong 2 đặc sản trái cây của Đồng Nai được cấp chỉ dẫn địa lý
Chôm chôm Long Khánh là một trong 2 đặc sản trái cây của Đồng Nai được cấp chỉ dẫn địa lý

[links()]Đồng Nai đang đẩy mạnh chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm khai thác tiềm năng của các đặc sản vùng nông thôn, hướng tới xây dựng những thương hiệu lớn cho nông sản địa phương bằng uy tín chất lượng, an toàn hoặc khai thác du lịch vườn. Cách làm này vừa giữ gìn được vùng đặc sản vừa mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.

* Thêm nhiều vùng trái ngọt mới

Ngoài những vùng đặc sản đã nức tiếng, nhiều địa phương của tỉnh đang hình thành những vùng chuyên canh mới với các giống đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao, trở thành những vùng đặc sản mới của Đồng Nai.

Điển hình nhất là vùng đặc sản dâu An Phước (H.Long Thành). Ông Chín Hài (ấp 2, xã An Phước) cho rằng, cây dâu như vị cứu tinh cho người dân khi các cây trồng lâu năm như: chôm chôm, sầu riêng lần lượt chết. Cây dâu giải quyết được hết mọi vấn đề, từ năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho đến đầu ra. Cũng theo chia sẻ của “lão nông” này, ban đầu người dân trong vùng chỉ biết gọi dâu da, dâu xiêm, nhưng sau này thống nhất gọi tên dâu An Phước. Đến nay, thương hiệu dâu An Phước được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết tiếng. Nhờ hợp thổ nhưỡng nên dâu An Phước to đều, cơm vàng óng, có vị chua dôn dốt pha ngọt thanh, không chua nhiều như dâu miền Tây.

Hiện tại vùng An Phước phát triển được trên 20ha dâu. Năng suất cao, giá cả tốt, đầu ra thuận lợi nên chính quyền địa phương có chủ trương phát triển diện tích loại cây trồng này bằng cách xen canh cây dâu với các loại cây trồng khác để tăng thu nhập, chuyển đổi diện tích cây ăn quả già cỗi kém hiệu quả sang trồng dâu. Tổ hợp tác Dâu An Phước đang tiến hành các thủ tục nâng cấp lên HTX và tính đường dài cho sản phẩm nông nghiệp thế mạnh mới của địa phương.

Một vùng đặc sản sầu riêng khác có tiếng ngon trong vài năm trở lại đây là sầu riêng Phú An (H.Tân Phú) với diện tích trên 300ha. Sầu riêng Phú An trái lớn, mùi vị thơm ngon nên được thương lái trả giá cao hơn nhiều nơi khác. H.Tân Phú đang vận động các nhà vườn liên kết thành lập HTX sầu riêng; chuyển đổi làm theo quy trình VietGAP để xây dựng thương hiệu cho vùng trái cây ngon, an toàn này. Ngoài ra, nhiều địa phương của Đồng Nai đang hình thành thêm các vùng chuyên canh đặc sản trái cây ngon như: ổi Long Khánh; bơ sáp Cẩm Mỹ; vùng cam, quýt Hiếu Liêm (H.Vĩnh Cửu)…

* Để tiếng thơm vượt “lũy tre làng”

Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể, đặc biệt là chương trình OCOP. Đến nay, cả trăm nhãn hiệu hàng hóa, nông sản đã được đăng ký bảo hộ với mục tiêu đưa nông sản, đặc sản địa phương không chỉ có chỗ đứng ở thị trường nội địa mà còn tham gia xuất khẩu.

Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (TP.Long Khánh) cho biết, Long Khánh nổi tiếng với nhiều đặc sản trái cây ngon như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... Trong đó, chôm chôm nhãn và chôm chôm Java là đặc sản lâu đời của vùng đất này. Việc chôm chôm Long Khánh được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa lớn trong việc nâng tầm thương hiệu của loại đặc sản này. Trái chôm chôm Java cũng từng xuất khẩu đi Pháp và từng có doanh nghiệp đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu sang Pháp với sản lượng lớn. Nhưng vùng chuyên canh này chưa đạt yêu cầu về sản lượng. Hiện HTX đang làm dự án Cánh đồng lớn chôm chôm với khát vọng để những đặc sản trái cây địa phương đi ra cả bên ngoài “lũy tre làng”.

Bà Nguyễn Thị Kim Mai (H.Định Quán) được biết đến như một chủ trang trại sản xuất giỏi với nhiều giống cây đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao như: bơ sáp, xoài cát Hòa Lộc... Nhưng giống đặc sản chủ lực bà muốn nhân rộng là mãng cầu hạt lép. Loại đặc sản này có nhiều ưu điểm như: cơm dày, chất thịt dai, vị ngọt đậm đà, trái lớn có trọng lượng từ 0,5-1,2kg/trái... Từ những cây giống ban đầu, hiện bà Mai đã nhân rộng được cả chục ha mãng cầu hạt lép và đang sản xuất thêm cây giống để cung cấp cho nông dân trong vùng cũng như nhiều địa phương lân cận. Bà Mai đã thành lập Tổ hợp tác Trái cây an toàn Lộc Mai với mục tiêu liên kết cùng nhiều nông dân sản xuất quy mô lớn, chất lượng an toàn để không chỉ có chỗ đứng tại thị trường nội địa mà còn đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu.

Bình Nguyên - Hoàng Lộc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích