Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ gìn những vùng đặc sản

05:04, 19/04/2020

Đồng Nai có nhiều vùng đặc sản nức tiếng gần xa như: bưởi Tân Triều, sầu riêng Long Thành, trà Phú Hội, chôm chôm Long Khánh… Mỗi vùng đặc sản thường mang nét đặc trưng về thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên cũng như nét riêng về văn hóa, con người vùng quê đó.

Đồng Nai có nhiều vùng đặc sản nức tiếng gần xa như: bưởi Tân Triều, sầu riêng Long Thành, trà Phú Hội, chôm chôm Long Khánh… Mỗi vùng đặc sản thường mang nét đặc trưng về thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên cũng như nét riêng về văn hóa, con người vùng quê đó.

Đặc sản măng cụt  bán tại chợ đầu mối  nông sản thực phẩm Dầu Giây. Ảnh B.Nguyên
Đặc sản măng cụt bán tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây. Ảnh B.Nguyên

[links()]Theo thời gian, một số vùng đặc sản dần mai một, hiện nhiều địa phương đang nỗ lực giữ gìn, khôi phục những vùng đặc sản đã được thị trường biết tiếng để nông sản tỉnh nhà ngày càng có “chỗ đứng” vững chắc trên thị trường.

* Vang danh những vùng đặc sản

Cù lao Tân Triều (xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) được sông Đồng Nai ôm trọn, bồi đắp phù sa đã ưu đãi cho thổ nhưỡng nơi này đặc biệt thích hợp với cây ăn trái có múi. So với những địa phương khác, bưởi Tân Triều phong phú về chủng loại, nhưng dù là giống chua hay ngọt đều có hương vị đậm đà, trái đẹp, vỏ mỏng, tép bưởi mọng nước. Đặc biệt, giống bưởi ổi với những đặc trưng có mùi thơm của ổi, có thể bảo quản được trong nhiều tháng và càng khô vỏ càng đậm đà, thơm ngon. Giống bưởi này có ý nghĩa đặc biệt đối với người dân Tân Triều nên họ sẵn sàng trả giá cao để mua về chưng vào những dịp lễ, tết.

Đất Đồng Nai nhiều sông, suối nên cũng rất dồi dào nguồn thủy sản tự nhiên. Trong đó, các sản vật nước lợ như: tôm, cua, cá… cũng được thị trường biết tiếng. Một số địa phương đang tập trung xây dựng những vùng chuyên canh như: vùng nuôi tôm càng xanh VietGAP tại xã Trà Cổ (H.Tân Phú); vùng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại H.Long Thành, H.Nhơn Trạch; vùng nuôi hàu tại xã Phước An (H.Nhơn Trạch)… Với vật nuôi trên cạn, làng nuôi hươu nai Hiếu Liêm (H.Vĩnh Cửu) đang được gắn kết với mô hình du lịch sinh thái, trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách gần xa.

Qua thời gian sàng lọc, giống bưởi được nông dân Tân Triều trồng phổ biến là đường lá cam, da xanh. Trong đó, bưởi đường lá cam chính là đặc sản riêng chỉ Tân Triều mới có. Theo những “lão nông” ở vùng này, khi nhà thờ Tân Triều được xây dựng vào giữa thế kỷ XVIII (đây là một trong những giáo đường lâu đời nhất miền Nam), một vị cha xứ đã mang 2 nhánh bưởi giống từ Brasil về trồng trong sân nhà thờ là giống bưởi đường lá cam (cây bưởi lá nhỏ như lá cam) và bưởi đường cao nốm. Thấy giống bưởi đường lá cam sai trái, chất lượng ngon, nông dân trong vùng mới xin nhân giống về trồng và dần dần nhân rộng ra khắp vùng vì giống bưởi này hòa hợp một cách hoàn hảo với đất phù sa của cù lao Tân Triều và cho trái ngọt, ngon không vùng nào có được. Chính giống bưởi đường lá cam được trồng trên đất phù sa ven sông đã đưa Tân Triều thành làng bưởi nức tiếng của miền Nam.

Xứ Tân Triều còn nổi tiếng về nhiều món đặc sản chế biến từ bưởi như: rượu bưởi, gỏi bưởi tôm sông, nem bưởi… Bà Huỳnh Thị Lệ Trinh chia sẻ, nem bưởi được làm từ những nguyên liệu của nhà quê như: quả khế chua, đu đủ, phần vỏ trắng của trái bưởi… Món quà quê độc đáo này thường được chọn làm quà biếu tết vì là đặc sản không đâu có được.

Theo dòng phù sa sông Đồng Nai còn có một vùng cây ăn trái ở hạ nguồn là sầu riêng Long Thành. Sầu riêng Long Thành là giống sầu riêng thuần chủng hạt to, cơm vàng, mùi thơm nồng đặc trưng, khi ăn vừa ngọt vừa béo ngậy. Theo những người lớn tuổi ở đất Long Thành, trước đây, mỗi nhà chỉ cần có chục gốc sầu riêng trở lên là mua được xe máy. Điều này cho thấy giá trị ẩm thực lẫn kinh tế của loại cây được mệnh danh là “vua của các loại trái cây” này.

Giống bưởi đường lá cam Tân Triều (H.Vĩnh Cửu) nức tiếng xa gần vì chất lượng ngon
Giống bưởi đường lá cam Tân Triều (H.Vĩnh Cửu) nức tiếng xa gần vì chất lượng ngon

Vào mùa thu hoạch, từ tháng 4-6 dương lịch, sầu riêng được bày bán ở các chợ trong tỉnh, dọc quốc lộ 51. Ngoài ra, một lượng lớn được đưa đi tiêu thụ ở TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh lân cận. Sau này, có nhiều giống sầu riêng mới, nhưng sầu riêng hạt hay còn gọi là sầu riêng thuần chủng vẫn được nhiều người dùng ưa chuộng.

Nổi tiếng không kém còn có chôm chôm Long Khánh với giống gốc địa phương là chôm chôm nhãn và tróc (java). Chôm chôm nhãn Long Khánh có vỏ màu xanh, vàng cam và vàng đỏ, mùi thơm, vị giòn và ngọt. Còn chôm chôm tróc có vỏ màu đỏ và đỏ đậm, râu dài, dày và đuôi có đốm xanh, vị ngọt. Do kỹ thuật chăm sóc, cộng với đặc điểm khí hậu, chất đất, chôm chôm Long Khánh thường chín sớm, vị ngọt hơn chôm chôm ở các vùng khác.

* Không để mai một dần

Huyện Nhơn Trạch lại được biết tiếng nhờ đặc sản trái cây ngon và trà Phú Hội. Cây trà dường như đã gắn với lịch sử vùng đất này. Theo những người sành trà, như câu ca ông bà xưa để lại: “nước Mạch Bà, trà Phú Hội”, trà ở xứ này khi pha bằng nước Mạch Bà càng thêm đậm đà, thanh khiết... Khi pha, trà Phú Hội có màu đỏ hổ phách rất đẹp, hương vị thơm mát, ngọt dịu không lẫn với các loại trà khác.

Bà Mười Nhĩ, người gắn bó thủy chung với nghề làm trà thủ công hơn 40 năm cho biết, thời xưa ở đây có những gốc trà trên trăm tuổi. Nhà nhà trồng trà nên hầu hết người dân đều làm trà để bán. Trà Phú Hội thường được làm từ đọt tươi, cứ cách 10 ngày thì hái một lần, để héo, vò cho trà săn lại rồi tiếp tục phơi khô. Xưa nay, những nhà vườn ở đây đều làm trà theo cách thủ công bởi họ cho rằng như vậy trà mới ngon vì giữ được vị thơm từ nắng, vị ngọt từ đất quê. Từ lá trà xanh có thể tạo ra nhiều hương vị khác nhau bằng cách ướp thêm bông lài, lá sen, lá dứa…

Nhưng ngày nay, những hộ làm trà chỉ đếm trên đầu ngón tay, sản lượng làm ra không nhiều. Công nghiệp phát triển, ô nhiễm môi trường khiến nguồn nước Mạch Bà cũng không còn đủ ngọt lành để người dân sử dụng pha trà; các loại đặc sản trái cây ngon của đất Phú Hội như bòn bon, sầu riêng… cũng dần mất dấu.

Năm 2019, sản phẩm trà Phú Hội được địa phương chọn để thực hiện đề án Mỗi xã một sản phẩm với nhiều chính sách hỗ trợ người trồng trà giữ nghề. Tổ hợp tác trồng và kinh doanh trà được thành lập. Từ đó đến nay, nhiều diện tích trà được trồng mới, nghề chế biến trà truyền thống đang dần phục hồi.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Chủ nhiệm Tổ hợp tác Trái cây Long Thành cho biết, những năm 80, 90 của thế kỷ trước, vùng đất Tam An, Tam Phước, An Phước thuộc H.Long Thành là “thủ phủ” cây ăn trái của miền Đông Nam bộ. Thổ nhưỡng màu mỡ, khí hậu thuận lợi đã giúp nơi đây trở thành vùng đất nổi tiếng cả về diện tích lẫn chất lượng các loại cây ăn trái như: chôm chôm tróc, sầu riêng thuần chủng, mít tố nữ, mận... Những năm sau này, quá trình đô thị hóa và sự hình thành các khu công nghiệp làm diện tích cây ăn quả giảm dần, có những loại cây giờ đây chỉ còn lại tên gọi như: mận An Phước, sầu riêng hạt Long Thành. Hiện tại ông Trí và một số nông dân ở H.Long Thành đang bắt tay “tái sinh” giống sầu riêng cũ.

Cùng chung số phận, vùng mãng cầu của H.Tân Phú với độ ngọt, dai đặc trưng từng là đặc sản nức tiếng xa gần. Đây từng là cây trồng chủ lực của huyện và có giai đoạn phát triển được cả ngàn ha. Nhưng nay, loại cây trồng này hầu như vắng bóng. Những vùng đặc sản từng hưng thịnh vào nhiều năm trước như vùng quýt đường Thanh Sơn (H.Định Quán), mãng cầu xiêm Cẩm Mỹ… cũng dần thu hẹp diện tích vì nhiều nguyên nhân như dịch bệnh, giá cả bấp bênh khiến nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác. Các địa phương trên đang hỗ trợ nông dân thành lập các tổ hợp tác, HTX để liên kết những nông dân trồng các loại đặc sản vào chuỗi liên kết, sản xuất theo chuẩn an toàn để tăng giá trị cũng như có đầu ra bền vững hơn cho các loại đặc sản quê nhà.

Bình Nguyên - Hoàng Lộc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích