Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần tầm nhìn xa trong quy hoạch

08:04, 13/04/2020

Các địa phương cấp huyện trên cả nước cũng như tại Đồng Nai đang nhanh chóng thực hiện quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) cho giai đoạn 2021-2030. Đây sẽ là tiền đề cho các địa phương trong thực hiện các quy hoạch khác để phát triển kinh tế - xã hội trong thập niên tới.

Các địa phương cấp huyện trên cả nước cũng như tại Đồng Nai đang nhanh chóng thực hiện quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) cho giai đoạn 2021-2030. Đây sẽ là tiền đề cho các địa phương trong thực hiện các quy hoạch khác để phát triển kinh tế - xã hội trong thập niên tới.

Trong đó, vấn đề rất được các chuyên gia kinh tế lẫn môi trường quan tâm, góp ý là khi thực hiện quy hoạch SDĐ nên thuê các đơn vị tư vấn giỏi để có tầm nhìn xa, dự báo sát tình hình phát triển của địa phương. Như vậy, quy hoạch SDĐ cấp huyện sẽ phát huy được hiệu quả, khai thác được các tiềm năng, giá trị từ tài nguyên đất mà vẫn bảo vệ được môi trường.

Các dự báo chỉ ra rằng, trong 10 năm tới, Đồng Nai sẽ có mức độ đô thị hóa rất nhanh nhờ vào các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, cấp quốc gia đã và đang được xây dựng. Do đó, quy hoạch SDĐ cấp huyện cần tính toán chi tiết, phân bổ các loại đất cho phù hợp. Cụ thể, cần ưu tiên giữ các vùng đất tốt cho sản xuất nông nghiệp vì hơn 60% dân số của tỉnh vẫn sống bằng nông nghiệp; các khu vực đất xấu dành cho phát triển công nghiệp, sản xuất kinh doanh. Về đất nông nghiệp, ưu thế của Đồng Nai là phát triển cây ăn trái và cây công nghiệp lâu năm, vì thế không nên cứng nhắc trong việc bằng mọi giá phải giữ lại các diện tích đất lúa kém hiệu quả.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, trong quy hoạch SDĐ cấp huyện giai đoạn tới, Đồng Nai nên hạn chế diện tích đất dành cho khai thác khoáng sản, bởi khai thác khoáng sản để lại hậu quả rất lớn cho môi trường xung quanh và “hậu” khai thác khoáng sản là môi trường không thể phục hồi như ban đầu. Hiện các nước đang phát triển đã hạn chế khai thác khoáng sản do đây là nguồn tài nguyên không tái tạo và khi khai thác tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu.

Trong quy hoạch SDĐ cho phát triển công nghiệp cũng cần xem xét và đánh giá kỹ mức độ gây ô nhiễm môi trường đến các vùng xung quanh. Cụ thể, những vùng diện tích đất màu mỡ, nhiều người dân đang trồng cây lâu năm có thu nhập cao lại quy hoạch SDĐ là khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khi các dự án trên được triển khai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những vùng sản xuất nông nghiệp xung quanh. Đơn cử như một số khu vực ở H.Nhơn Trạch, H.Long Thành xưa là vùng cây ăn trái nổi tiếng trong tỉnh, nhưng do phát triển công nghiệp nhiều nên ảnh hưởng rõ rệt đến năng suất, chất lượng các vườn cây ăn trái gần đó.

Trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Đồng Nai luôn đặt môi trường lên hàng đầu, vì thế quy hoạch SDĐ buộc phải cân nhắc giữa được và mất để hướng đến phát triển bền vững. Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng mong muốn các địa phương chú ý đến tính khả thi của quy hoạch SDĐ để khi được UBND tỉnh phê duyệt có thể thực hiện được, tránh trở thành quy hoạch “treo”.

Có sẵn quy hoạch SDĐ ở cấp huyện phù hợp, có tầm nhìn xa, nhưng giai đoạn tới trong mời gọi nhà đầu tư, tỉnh, huyện, thành phố cần lựa chọn những doanh nghiệp có kinh nghiệm và năng lực thực sự để triển khai các dự án theo đúng tiến độ và kế hoạch xây dựng. Làm như vậy để tránh việc doanh nghiệp được cấp chủ trương đầu tư nhưng lại kéo dài dự án không thực hiện, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của địa phương và không khai thác hết hiệu quả của đất đai.

Vi Lâm

Tin xem nhiều