Báo Đồng Nai điện tử
En

Bước đi hợp lý

08:04, 08/04/2020

Những dòng sông chảy qua giữa lòng thành phố là một trong những hình ảnh quen thuộc tại nhiều đô thị của Việt Nam. Xuất phát từ đặc điểm này, nhiều địa phương đã có sự đầu tư bài bản nhằm tạo ra không gian cảnh quan đô thị với trục chính là những dòng sông.

Những dòng sông chảy qua giữa lòng thành phố là một trong những hình ảnh quen thuộc tại nhiều đô thị của Việt Nam. Xuất phát từ đặc điểm này, nhiều địa phương đã có sự đầu tư bài bản nhằm tạo ra không gian cảnh quan đô thị với trục chính là những dòng sông. Qua đó, đưa những dòng sông trở thành điểm nhấn nổi bật nhất của các đô thị này - những đô thị ven sông.

Có thể kể ra những đô thị ven sông nổi tiếng như: TP.Huế với sông Hương, TP.Đà Nẵng với sông Hàn, TP.Hội An với sông Hoài...

Để phát triển đô thị ven sông, TP.Biên Hòa với sông Đồng Nai cũng được đánh giá rất giàu tiềm năng. Chảy xuyên qua lòng đô thị, mang trên mình những giá trị văn hóa, lịch sử gắn liền với hành trình mở cõi phương Nam, sông Đồng Nai từ lâu đã được đánh giá là “báu vật” của đô thị Biên Hòa. Đặc biệt hơn, với sự hiền hòa, ít lũ lụt, sông Đồng Nai còn được đánh giá “nổi trội” hơn trong việc khai thác để trở thành điểm nhấn, trục cảnh quan chính trong phát triển đô thị.

Tuy nhiên, những giá trị đó của sông Đồng Nai lâu nay vẫn chỉ được xem ở dạng tiềm năng. Nếu như sông Hương, sông Hàn được định hình khai thác một cách bài bản với hàng loạt dự án hạ tầng vừa nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa tạo cảnh quan đô thị được bố trí đều hai bên sông thì dòng Đồng Nai lâu nay dường như vẫn còn ở trong tình trạng “ngủ yên”, chưa được đánh thức.

Hiện nay, hai bên bờ sông Đồng Nai ngoài công viên Nguyễn Văn Trị thì hầu như chưa có công trình nào được xây dựng để khai thác tiềm năng về cảnh quan. Ngay cả công viên Nguyễn Văn Trị cũng chưa từng được đánh giá cao trong việc kiến tạo cảnh quan ven sông. Bởi thực chất, đây là công trình mang giá trị chống ngập nhiều hơn. Do đó, việc khai thác những giá trị của sông Đồng Nai trong vai trò kiến tạo cảnh quan cho đô thị Biên Hòa là vấn đề đã được nhiều nhà nghiên cứu, kiến trúc sư đặt ra lâu nay.

Cũng chính vì vậy, việc Đồng Nai đang triển khai hàng loạt dự án hạ tầng, chỉnh trang đô thị dọc hai bờ sông Đồng Nai như: đường ven sông Cái; kè, đường, công viên ven sông Đồng Nai; công viên ven sông tại 2 phường Hóa An, Tân Hạnh hay công viên ven sông từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh, P.Bửu Hòa được xem là bước đi cần thiết để khai thác tiềm năng, giá trị của dòng sông đối với đô thị Biên Hòa.

Không chỉ tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội, các dự án hạ tầng, chỉnh trang đô thị này còn mang giá trị tạo ra không gian cảnh quan, điểm nhấn cho đô thị Biên Hòa vốn lâu nay vẫn được đánh giá là thiếu bản sắc. Từ đó, đưa Biên Hòa từng bước trở thành một đô thị ven sông đúng nghĩa.

Thực tế, sông Đồng Nai với chiều dài gần 600km, chảy qua địa bàn 6 tỉnh là một dòng sông liên tỉnh. Nói như vậy để thấy, với chỉ khoảng 4km sông Đồng Nai chảy qua đô thị Biên Hòa là rất khiêm tốn. Tuy nhiên, dù “khiêm tốn” về độ dài nhưng sông Đồng Nai đoạn chảy qua TP.Biên Hòa lại tạo nên bản sắc và nét riêng cho đô thị Biên Hòa. Biên Hòa cũng là đô thị lớn duy nhất mà dòng sông Đồng Nai chảy xuyên qua. Do đó, dù là con sông lớn mang tầm quốc gia nhưng về mặt giá trị kiến trúc, cảnh quan sông Đồng Nai được xem là nét riêng, là yếu tố nổi bật làm nên không gian đô thị Biên Hòa. Vì vậy, việc đầu tư, khai thác để Biên Hòa trở thành đô thị ven sông Đồng Nai là bước đi hợp lý.

Vi Lâm

Tin xem nhiều