Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó kiểm soát khâu trung gian

08:04, 12/04/2020

Giữa thời điểm Việt Nam cùng nhiều nước trên thế giới đang "gồng mình" chống dịch Covid-19 với nhiều biện pháp giãn cách xã hội, thì hơn lúc nào hết, sự ổn định về giá cả lương thực - thực phẩm là một trong những điều mà cả Chính phủ lẫn người dân rất quan tâm.

Giữa thời điểm Việt Nam cùng nhiều nước trên thế giới đang “gồng mình” chống dịch Covid-19 với nhiều biện pháp giãn cách xã hội, thì hơn lúc nào hết, sự ổn định về giá cả lương thực - thực phẩm là một trong những điều mà cả Chính phủ lẫn người dân rất quan tâm. Vậy nên việc giá thịt heo và giá thịt gà bán lẻ vẫn ở mức cao, trong khi giá tại chuồng trại đã giảm mạnh tạo ra nhiều bức xúc từ phía người dân.

Trước đó, giá heo hơi tại các trại khá cao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi tìm mọi giải pháp để hạ giá heo hơi xuống dưới 70 ngàn đồng/kg, từ cơ sở đó giảm giá bán lẻ thịt heo, vừa để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, vừa nâng lợi thế cạnh tranh cho thịt heo trong nước trước làn sóng thịt nhập khẩu.

Đến hiện tại, cơ bản giá heo hơi tại các trang trại đã giảm xuống trên dưới 70 ngàn đồng/kg, nhưng nghịch lý là giá bán lẻ tại các chợ, tức giá bán đến tay người tiêu dùng vẫn cao hơn rất nhiều so với trước khi dịch tả heo châu Phi lan rộng. Với thịt gà, tình trạng cũng không khá hơn là mấy khi giá gà bán tại trại đang rất rẻ, có lúc chưa chạm được mốc 10 ngàn đồng/kg, song giá bán lẻ tại các chợ cũng cao gấp 4-5 lần.

Nghịch lý này khiến người chăn nuôi không được lợi nhiều, và tất nhiên người tiêu dùng cũng không được lợi. Nguyên nhân dẫn đến nghịch lý này vẫn được cho là nằm ở khâu trung gian. Các khâu này hiện đang là những khâu khó nhất về mặt kiểm soát, bởi nó dàn trải từ giết mổ đến vận chuyển, từ thương lái đầu vào đến người bán lẻ cuối cùng. Nhà nước khó lòng “theo dấu” từng khâu để có những điều chỉnh hiệu quả và hợp lý nhằm giảm giá bán lẻ sản phẩm. Chưa kể, cũng rất khó xử lý dù có thể “chỉ mặt đặt tên” những khâu cố tình nâng giá. Chẳng hạn, thương lái nâng giá có thể “viện dẫn” những khó khăn đặc thù khiến họ “buộc” phải nâng giá thịt heo, cơ sở giết mổ và tiểu thương cũng có thể làm tương tự. Vậy nên thực tế là Nhà nước khuyến khích, kêu gọi giảm giá thịt từ hơn nửa tháng nay, song mới chỉ giảm được ở khâu đầu tiên xuất bán, nghĩa là giá heo hơi mà thôi.

Song, nếu giá heo bán lẻ trong nước tiếp tục bị “neo” ở mức cao để làm lợi thêm cho một số khâu trung gian thì về lâu dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho ngành chăn nuôi nói chung. Chẳng hạn, giá thịt bán lẻ cao đã khiến thịt nhập tăng mạnh gấp hơn 3 lần trong những tháng đầu năm 2020. Tính đến ngày 27-3, thịt heo nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam đã tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Và nếu lâu dài, người tiêu dùng “quen” với thịt heo nhập khẩu giá rẻ, thì ngành chăn nuôi trong nước sẽ ngày càng yếu thế cạnh tranh. Điều này cũng sẽ xảy ra tương tự với thịt gà.

Giữa bối cảnh cần đảm bảo ổn định cả nguồn cung lẫn giá cả thực phẩm, trong đó có thịt heo, thịt gà, thiết nghĩ cần có sự chia sẻ kịp thời của các khâu trung gian để giảm giá thịt bán lẻ. Đồng thời, dù khó khăn, song Nhà nước cũng cần kiểm soát, mạnh tay hơn nữa trong việc thu thập thông tin, xử lý những khâu trung gian cố tình “làm giá”, góp phần minh bạch hóa thị trường.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều