Báo Đồng Nai điện tử
En

Đạo đức công vụ của công chức Nhật Bản

11:05, 17/05/2017

Nhân dịp tỉnh đưa Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai vào hoạt động, mời bạn đọc cùng tham khảo tư liệu về đạo đức công vụ của công chức Nhật Bản qua bài viết của Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng.

Nhân dịp tỉnh đưa Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai vào hoạt động, mời bạn đọc cùng tham khảo tư liệu về đạo đức công vụ của công chức Nhật Bản qua bài viết của Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Công chức và quyền lợi của công chức Nhật Bản

Nhật Bản có 2 dạng công chức: công chức chính phủ và công chức chính quyền địa phương. Trong công chức chính phủ được phân thành 2 dạng: chức vụ đặc biệt (bao gồm thủ tướng, bộ trưởng, thành viên Quốc hội, người đứng đầu các cơ quan công quyền do được bầu cử, thẩm phán…) và chức vụ bình thường (tính đến cuối năm tài khóa 2016, trừ lực lượng tự vệ, công chức bình thường chiếm 297 ngàn người).

Công chức chính quyền địa phương cũng chia ra như trên và tính đến ngày 1-4-2016 có 2,737 triệu công chức bình thường (1,501 triệu công chức tại các tỉnh và 1,236 triệu công chức tại các thành phố).

Công chức chính phủ chức vụ bình thường được quy định tại đạo luật công vụ quốc gia, công chức chức vụ bình thường ở chính quyền địa phương thì thực hiện theo đạo luật công vụ địa phương. Ngày 6-1-2001, Nội các Nhật Bản có quyết định về quy tắc ứng xử của bộ trưởng, thứ trưởng cấp cao và quốc vụ khanh.

Hầu hết các công chức giữ chức vụ bình thường đều được tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp từ các trường học (trường đại học, cao đẳng, trung học…) và phải được lựa chọn thông qua 3 bước: bài kiểm tra giấy, thảo luận nhóm và phỏng vấn. Sau đó, cơ quan nhân sự quốc gia (NPA) tiến hành kiểm tra và mỗi bộ hoặc cơ quan có thẩm quyền lựa chọn và tuyển dụng từ những người được NPA đề xuất.

Thù lao công chức được nhận là tiền lương hàng tháng theo luật định và tiền thưởng (2 lần/năm vào mùa hè và mùa đông). Đối với tiền lương, cơ quan nhân sự quốc gia (NPA) sẽ tiến hành khảo sát mức lương hàng năm trong khu vực tư nhân và đưa ra các kiến nghị cần thiết cho Nội các để đảm bảo mức lương của công chức giữ chức vụ bình thường bằng với khu vực tư nhân.

Khi hưu trí, công chức được nhận 2 khoản: trợ cấp hưu trí và lương hưu. Tiền trợ cấp hưu trí là một khoản tiền nhận một lần khá lớn để chi phí về sau nhằm ghi nhận công lao cống hiến của công chức trong thời gian làm việc. Tuổi nghỉ hưu bắt buộc đối với hầu hết công chức giữ chức vụ bình thường là 60 tuổi.

Để đội ngũ công chức có điều kiện phát triển, yêu cầu đặt ra là: kiến thức, kỹ năng, phương pháp làm việc và sự hiểu biết về thực tiễn và những kỹ năng khác có được do kinh nghiệm có thể đạt được thông qua làm việc trong các trường hợp và bối cảnh thực tế; luân chuyển công việc thường là 1-3 năm/lần; cũng như xem xét một loạt nhiệm vụ được và đưa ra những cơ hội để nuôi dưỡng khả năng điều hành, quản lý, lãnh đạo hiệu quả; cấp trên và nhân viên cấp cao đưa ra những lời khuyên và gợi ý có giá trị, đồng thời chỉ ra các mô hình hoặc ví dụ cho công chức về những công chức thành công và không thành công.

Đạo đức công vụ đối với công chức Nhật Bản

Quy tắc ứng xử do Nội các Nhật Bản ban hành quy định đối với bộ trưởng, thứ trưởng cấp cao và quốc vụ khanh,  yêu cầu cao nhất là phải làm việc vì lợi ích của dân, là người phục vụ cho toàn thể nhân dân. Vì thế, họ không được gây ảnh hưởng để có lợi ích đặc biệt đối với các quan chức được kỳ vọng như những người phục vụ toàn thể nhân dân, hoặc không được lạm quyền bổ nhiệm nhiệm vụ vì mục đích riêng tư.

Ngoài ra, còn có một số nguyên tắc bắt buộc về kinh tế. Chẳng hạn, không được phép làm việc trong một doanh nghiệp cũng như không được doanh nghiệp trả thù lao. Trong một công ty hay tổ chức vì lợi ích công cộng, họ chỉ được phép giữ vị trí danh dự không được trả thù lao; và ngay như thế, nếu là bộ trưởng phải báo cáo với thủ tướng, còn thứ trưởng thì phải báo cáo cho bộ trưởng.

Trong khi nắm giữ các chức vụ trên, họ cần hạn chế nhận cổ phiếu trước khi được đưa ra thị trường; cần hạn chế tham gia vào các giao dịch chứng khoán, bất động sản, thành viên câu lạc bộ golf và các câu lạc bộ khác; cần tránh quan hệ không rõ ràng với các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, họ cũng được yêu cầu không nhận quá nhiều tiền thù lao cho bài phát biểu tại một công ty được mời đến; phải giao nộp những món quà từ người nước ngoài (chính phủ nước ngoài) và những người khác, khi những món quà đó có giá trị hơn 20 ngàn yên (chưa đến 4 triệu đồng tiền Việt Nam).

Đặc biệt, tại thời điểm nhận chức bộ trưởng và từ chức phải tiết lộ thông tin về tài sản vợ/chồng và con cái; họ phải gửi cổ phiếu và những tài sản khác vào ngân hàng tín dụng và các ngân hàng khác và không nên thay đổi hợp đồng khi đang đương chức.

Đạo đức được Đạo luật số 129 năm 1999 đạo đức công vụ quốc gia quy định đối với công chức bình thường có nghĩa vụ dành toàn bộ thời gian làm việc cho việc công; phải công bằng và không phân biệt đối xử với công chúng khi thực hiện nhiệm vụ; cấm có các hành động gây nghi ngờ hoặc không tin tưởng của công chúng đối với sự công bằng của công vụ; phải tuân thủ luật pháp và các quy định và lệnh của cấp trên (nếu lệnh của cấp trên trái với quy định pháp luật thì phải có ý kiến).

Bên cạnh đó, Đạo luật nghiêm cấm công chức có hành động và hành vi gây tổn hại đến việc công; tách khỏi các tổ chức lợi nhuận, các quy định tham gia vào các công việc ngoài việc công; cấm lợi dụng nhiệm vụ hoặc vị trí để thu lợi cá nhân; cấm nhận tiền, hàng hóa hoặc dịch vụ; cấm nhận cổ phiếu trước khi được đưa ra thị trường; cấm tiếp nhận giải trí hoặc chiêu đãi đặc biệt; cấm đi du lịch, chơi golf… khi được doanh nghiệp mời.

Một khi công chức vi phạm (ngoài những tội danh tham nhũng; nhận/đưa hối lộ, biển thủ tài sản công… ngay cả say rượu lái xe, có những lời nói và hành động không đứng đắn, bất lịch sự cũng bị coi là vi phạm) mức độ nhẹ nhất là khiển trách, đến giảm lương, đình chỉ công việc và nặng nhất là sa thải, thì những công chức này sẽ bị xem xét đến tiền lương, trợ cấp hưu trí; điều quan trọng nhất là bị dư luận xã hội lên án, khinh rẻ.

Nguyễn Sơn Hùng

Tin xem nhiều