Báo Đồng Nai điện tử
En

Thêm thắm tình yêu biển đảo

10:05, 17/05/2017

Nối dài 81 cuộc triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" tại 56 tỉnh, thành, 11 đảo và 14 đơn vị lực lượng vũ trang, từ 12 đến 16-5, Bộ Thông tin - truyền thông đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tiếp tục tổ chức triển lãm ngay tại Lữ đoàn 167.

Nối dài 81 cuộc triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại 56 tỉnh, thành, 11 đảo và 14 đơn vị lực lượng vũ trang, từ 12 đến 16-5, Bộ Thông tin - truyền thông đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tiếp tục tổ chức triển lãm ngay tại Lữ đoàn 167 (đóng tại huyện Nhơn Trạch).

Cán bộ, chiến sĩ xem hình ảnh 3D tại triển lãm.
Cán bộ, chiến sĩ xem hình ảnh 3D tại triển lãm.

Đây là dịp để cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân có thể tham quan, học tập và tăng cường kiến thức về biển đảo Tổ quốc.

* Những tư liệu đánh đổi bằng xương máu

Đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông, khẳng định triển lãm đã giúp cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân hiểu rõ hơn về chủ quyền đối với biển đảo Việt Nam. Từ đó, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mỗi người lính đối với chủ quyền biển đảo, lãnh thổ Việt Nam.

Vùng 2 Hải quân là đơn vị quản lý và bảo vệ vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bạc Liêu và thềm lục địa phía Nam, trong đó có khu vực trọng điểm là vùng biển có các cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ (gọi tắt là DK1) thuộc thềm lục địa phía Nam.

Vì vậy, những cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân luôn ý thức được tầm quan trọng của biển đảo trong việc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Triển lãm tại đây đã đem đến cho cán bộ, chiến sĩ của Vùng 2 Hải quân cái nhìn sâu sắc hơn về chiều dài lịch sử bảo vệ biển đảo của cha ông.

Dịp này, Bộ Thông tin - truyền thông đem đến trên 100 tư liệu gồm hình ảnh, hiện vật, thể hiện suốt hàng trăm năm qua người Việt Nam đã đổ bao xương máu để xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với những vùng biển đảo. Triển lãm còn có trình chiếu hình ảnh 3D trên máy tính bảng và màn hình lớn về bản đồ biển, các mẫu tàu chuyên dụng nên thu hút cán bộ, chiến sĩ tham quan.

Chiến sĩ hải quân bên mô hình tàu chiến được trưng bày tại triển lãm.
Chiến sĩ hải quân bên mô hình tàu chiến được trưng bày tại triển lãm.

Các tư liệu của Việt Nam gồm phiên bản các văn bản Hán - Nôm, văn bản các ngôn ngữ khác do nhà Nguyễn và chính quyền Pháp tại Đông Dương ban hành từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20 đã ghi chép lại quá trình người Việt thực thi chủ quyền với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong hàng trăm năm.

Ngay cả bản đồ của Triều đình nhà Thanh (năm 1908), của chính quyền Trung Hoa dân quốc (năm 1917, 1919, 1933) đều cho thấy 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vẫn không nằm trong chủ quyền lịch sử của Trung Quốc như họ vẫn tuyên bố hiện nay.

Đại tá Nguyễn Quốc Văn, Phó chính ủy Vùng 2 Hải quân, nhận định: “Triển lãm lần này sẽ giúp cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân nói chung và từng đơn vị trực thuộc nâng cao kiến thức lịch sử về biển đảo một cách có hệ thống, có chiều sâu. Là đơn vị ngày đêm bám biển, mỗi người lính lại càng cần hiểu rõ hơn công lao của cha ông, để từ đó nâng cao cảnh giác, không để chủ quyền biển Việt Nam bị đe dọa”.

* Vững tay súng bảo vệ biển đảo

Đại úy Trần Trung Dũng, trợ lý tuyên huấn Vùng 2 Hải quân, chia sẻ: “Việc tổ chức triển lãm này có tầm quan trọng với cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân nói riêng và toàn quân chủng nói chung. Triển lãm một lần nữa củng cố thêm niềm tin với cán bộ, chiến sĩ; tiếp thêm sức mạnh cho từng người lính quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo trong giai đoạn hiện nay.

Khi nói sức mạnh của dân tộc là nói đến sức mạnh gây dựng từ cả nền văn hóa, gồm 4 ngàn năm dựng nước, giữ nước. Khi chúng ta củng cố kiến thức về quá trình lịch sử ấy cũng là củng cố tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng đổ máu, hy sinh vì độc lập, chủ quyền của dân tộc”.

Hạ sĩ Trần Phương Linh, chiến sĩ Căn cứ 696 bộc bạch: là một người lính, anh hiểu rõ hơn ai hết những vất vả của người bám biển, giữ biển. Ngày nay với những trang thiết bị hiện đại mà việc bám biển vẫn còn nhiều khó khăn như thế thì từ hàng trăm năm trước, cha ông còn vất vả đến mức nào.

Trước những hình ảnh, tư liệu lịch sử rõ ràng, khái quát, anh Linh càng có thêm niềm tin vào chủ quyền biển đảo, càng hiểu được vai trò người lính biển trong thời bình. “Tôi sẽ tiếp tục phấn đấu, rèn luyện bản thân để luôn vững tinh thần, khỏe thể chất, sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ khi Tổ quốc cần” - anh Linh cho biết.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều