Báo Đồng Nai điện tử
En

Sửa đổi lối làm việc của cán bộ, Đảng viên

10:05, 17/05/2017

Trong khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt, cuối năm 1947, tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm nổi tiếng Sửa đổi lối làm việc.

Trong khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt, cuối năm 1947, tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm nổi tiếng Sửa đổi lối làm việc.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập một vấn đề rất hệ trọng, rộng lớn, nhưng cũng hết sức cụ thể, rõ ràng. Đó là việc chỉnh đốn, xây dựng Đảng khi Đảng thực hiện vai trò cầm quyền, lãnh đạo quần chúng nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến cứu nước. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang ấy, Đảng phải khắc phục nhiều khuyết điểm, chứng bệnh, thói tật tiêu cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà có thể khi Đảng chưa trở thành đảng cầm quyền nó chưa có điều kiện để bộc lộ rõ. Tất cả những khuyết tật này sẽ gây khó khăn cho sự nghiệp kháng chiến đang ở giai đoạn quyết liệt mà nó còn gây tác hại lâu dài đối với đất nước và cách mạng.

Cùng với việc chỉ ra và phân tích rõ khuyết điểm, Hồ Chủ tịch cũng tập trung nêu lên những biện pháp toàn diện, đúng đắn và có tính hệ thống, đồng bộ để khắc phục khuyết điểm. Theo đó, phải sửa đổi để đổi mới trong tư tưởng, trong tổ chức bộ máy và trong cách làm việc của Đảng, của cán bộ, đảng viên đáp ứng tình hình trong điều kiện mới. Xuyên suốt tác phẩm là những chỉ dẫn của Người về giáo dục, rèn luyện và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có năng lực làm việc và tư cách đạo đức, thực sự là “công bộc” của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một đảng vì dân vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu”. Người cho rằng, tính xấu của một người chỉ có hại cho người đó, nhưng nếu người đó là đảng viên, cán bộ thì tính xấu đó sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân… Người khẳng định những khuyết điểm sẽ được khắc phục bằng “phê bình và sửa chữa”. Nhưng vì “phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ” nên khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải theo nguyên tắc “phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”, để người bị phê bình “vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”.

Nhấn mạnh tầm quan trọng và tính tất yếu của việc phải luôn tự phê bình và phê bình, coi đó là một nội dung quan trọng của quy luật phát triển Đảng, Người viết: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó... rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó.

Tất nhiên, trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, ngoài tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, Đảng ta đề cao vai trò kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Tuy nhiên, kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng dù có nghiêm minh, nghiêm khắc đến đâu cũng chỉ thực hiện chức năng chính của nó là ngăn ngừa, hạn chế cái xấu, cái tiêu cực. Chỉ có rèn luyện phẩm chất đạo đức mới làm cho cái tốt nảy nở. Cái gì tốt đẹp nảy nở sinh sôi đều là điều đáng mừng, chỉ tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức mới làm cho cái tốt sinh sôi, nảy nở.

Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra và nhấn mạnh phải “sửa đổi” trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc dù đã trải qua 70 năm nhưng vẫn còn vẹn nguyên những giá trị sâu sắc, nhất là vấn đề tu dưỡng đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Ngọc Anh

Tin xem nhiều