Báo Đồng Nai điện tử
En

Tác động tâm lý khi tham gia giao thông

09:02, 20/02/2014

Ngày nay, hầu hết các quy định và nguyên tắc tham gia giao thông ở Việt Nam đều mang tính khô cứng, khó đi vào cuộc sống. Những giới thiệu về pháp luật và các quy tắc tham gia giao thông, không phải ai cũng nhớ và thực hiện khi cầm lái; không phải ai cũng điều khiển được tâm lý khi tham gia giao thông, vì ai cũng có những phút sai lầm khi cầm lái, điển hình là các vụ vượt đèn đỏ, lái xe quá tốc độ, hay nghe điện thoại di động khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông, lái xe trong tình trạng có rượu, bia…

Ngày nay, hầu hết các quy định và nguyên tắc tham gia giao thông ở Việt Nam đều mang tính khô cứng, khó đi vào cuộc sống. Những giới thiệu về pháp luật và các quy tắc tham gia giao thông, không phải ai cũng nhớ và thực hiện khi cầm lái; không phải ai cũng điều khiển được tâm lý khi tham gia giao thông, vì ai cũng có những phút sai lầm khi cầm lái, điển hình là các vụ vượt đèn đỏ, lái xe quá tốc độ, hay nghe điện thoại di động khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông, lái xe trong tình trạng có rượu, bia…

Chiếc xe ô tô tải sau khi xảy ra tai nạn tại ngã 3 Khu công nghiệp Long Thành ngày 25-11-2013.
Chiếc xe ô tô tải sau khi xảy ra tai nạn tại ngã 3 Khu công nghiệp Long Thành ngày 25-11-2013.

Trên địa bàn huyện Long Thành cũng xảy ra những tình huống tương tự. Tại sao chúng ta không thử áp dụng những phương pháp đánh vào tâm lý người tham gia giao thông nhằm nâng cao hơn ý thức tham gia giao thông từ người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông?

* Giảm tai nạn bằng tác động trực quan

Cụ thể, bạn sẽ làm gì khi tham gia giao thông và nhìn thấy một cảnh tượng tai nạn giao thông (TNGT)? Chắc hẳn bạn sẽ chú tâm đến việc điều khiển phương tiện một cách an toàn hơn. Điều mà tôi muốn nhắc tới, đó là việc đặt lại hiện trường một hình ảnh về các phương tiện sau khi bị tai nạn, bố trí trên những đoạn đường hay xảy ra TNGT và được đặt tại nơi mà mọi người đi qua đều có thể nhìn thấy và tự suy nghĩ.

Chính những lúc như vậy, tâm lý của một con người mới có ý thức cải thiện tích cực hơn, mới có thể chuyên tâm vào việc điều khiển phương tiện giao thông một cách an toàn hơn. Tôi từng chứng kiến một vụ TNGT và sau lần đó, mỗi khi cầm tay lái tôi đều nhớ về hình ảnh vụ tai nạn ấy và tự nhủ mình phải lái xe an toàn. Với bản thân tôi đã vậy, nếu vào vị trí của người khác, khi chứng kiến tai nạn, chắc hẳn đa số cũng sẽ có tâm lý như tôi, sẽ lái xe an toàn hơn.

Điển hình cho những vụ TNGT xảy ra trên địa bàn huyện Long Thành là vụ tai nạn liên hoàn xảy ra tại ngã 3 đường vào Khu công nghiệp Long Thành lúc 10 giờ 30 ngày 25-11-2013. Việc lái xe không làm chủ tốc độ chính là một trong những nguyên nhân gây ra vụ tai nạn thương tâm này. Hay những vụ tai nạn xảy ra tại dốc 47 (quốc lộ 51, đoạn qua xã Tam An), một nơi thường xuyên xảy ra TNGT mà nguyên nhân thường do tài xế không làm chủ tốc độ và cũng do đoạn đường dốc, quanh co. Việc bố trí những mô hình mô phỏng những vụ TNGT tại những nơi hay xảy ra tai nạn như vậy sẽ góp phần làm giảm thiểu TNGT trên đường.

Ban tổ chức cuộc thi “An toàn giao thông trên mọi nẻo đường” trên Báo Đồng Nai mong tiếp tục nhận được tác phẩm dự thi của bạn đọc cả nước để có những hiến kế sâu sắc, hiệu quả đối với công tác đảm bảo giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Thời hạn chót nhận bài dự thi giai đoạn I là ngày 30-3-2014.

Hình ảnh những chiếc xe hư hỏng, bị bẹp dúm sau tai nạn, nếu được trưng bày tại những nơi xảy ra nhiều vụ TNGT để cho người tham gia giao thông thấy thì sẽ có sự tác động rất lớn. Đó như là một lời cảnh tỉnh cho những lái xe nhằm giảm thiểu tai nạn.

Nếu không thể lập ra những hiện trường như vậy vì nó chiếm diện tích lớn, có thể thay bằng những tấm áp phích mang tính vận động, được vẽ những hình ảnh hài hước. Ví dụ, trên đường, ở nơi có đặt các trục đèn giao thông, hay những nơi thu hút tầm mắt, có thể đặt những tấm áp phích, như: “Bạn sẽ là người lái xe ngu ngốc nếu không nhìn bên trái trước khi quẹo”; “Bạn là người lái xe ngu ngốc nếu không giảm tốc độ khi đèn vàng”; hay tại những nơi hay xảy ra TNGT được đặt những tấm bảng: “Bạn đang đi vào con đường tử thần”… và chắc chắn là mọi người sẽ chú tâm lái xe hơn.

Điển hình, tại nút giao thông nằm ở cổng sau Trường THPT Long Thành, đối diện Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc UBND huyện Long Thành, nơi có một lưu lượng lớn người tham gia giao thông, cũng là nơi hay xảy ra những vụ va quẹt giao thông, với diện tích nhỏ, hẹp thì không thể bố trí những mô hình mô phỏng hiện trường vụ TNGT. Do đó, nơi đây nên đặt những tấm áp phích sinh động, bắt mắt và mang tính vận động cao đối với người tham gia giao thông…

* Bởi con người thường dễ sai lầm

Những lúc tới ngã ba, ngã tư có đèn tín hiệu giao thông, bạn sẽ làm gì khi đèn xanh còn 2, 3 giây? Bạn sẽ vượt qua chứ?

Những thời khắc như vậy mới thấy được tâm lý của con người nhiều khi cũng yếu đuối. Có những lúc bạn sẽ tuân thủ Luật Giao thông, bạn sẽ đi chậm lại nhằm bảo vệ tính mạng của bản thân và tính mạng của những người ngồi sau tay lái của mình. Nhưng cũng có những lúc bạn yếu lòng, bạn đã vượt đèn đỏ! Và những lúc như vậy, tính mạng của bạn và những người ngồi sau tay lái của bạn đang bị đùa giỡn. Ví dụ bạn chở theo con của bạn, một đứa trẻ mới 5-6 tuổi, khi đó bạn đang đùa giỡn với những số phận, bao gồm của bạn và đứa con của bạn. Không thể đổ lỗi tất cả cho bạn, vì bạn có thể là người cha còn trẻ, mới có con và bao chuyện gia đình phải lo. Bạn phải dậy sớm lo cho con ăn uống rồi chở con đi học, rồi mới bắt đầu đến chỗ làm. Thời gian ngắn ngủi trong một buổi sáng không đủ cho bạn nên những lúc gặp tình huống như trên, bạn sẽ yếu lòng mà vấp ngã.

Tại sao không có một phương tiện nhắc nhở bạn khi bạn tới ngã ba, ngã tư có đèn tín hiệu giao thông, hay một khúc cua thường xuyên có tai nạn hay xảy ra để bạn có thể nắm bắt và kịp thời thay đổi cái tâm lý yếu đuối kia để bảo vệ cho bản thân và những người khác? Tôi đang nói tới những phương tiện được treo cùng với đèn tín hiệu giao thông. Đó có thể là những cái loa hay phát ra những âm thanh, như: “Đi đúng làn, dừng đúng vạch là nét đẹp văn hóa giao thông”, hay “Giảm tốc độ và dừng khi đèn đỏ là bảo vệ bạn và gia đình bạn”…

Ngoài ra, có thể sử dụng hình ảnh “nụ cười trẻ thơ” để nâng cao trách nhiệm của người tham gia giao thông. Những hình ảnh này sẽ được treo bên đường, có kèm giọng nói với thông điệp: “Bố mẹ hãy lái xe cẩn thận để về nhà với bọn con”, hoặc “Chúng con cần một gia đình hạnh phúc”...

Với những khu vực người dân thường hối hả đi làm và không có thời gian thì những sự nhắc nhở mang tính cần thiết như vậy sẽ góp phần làm giảm thiểu TNGT và sẽ đánh vào tâm lý của người tham gia giao thông. Đó là điển hình của nút giao thông nằm trên quốc lộ 51, đoạn qua Trường THCS Long Thành. Đây là đoạn đường dốc, có lắp đèn tín hiệu giao thông, nhưng với môi trường tấp nập người qua lại, phụ huynh đưa đón con em đi học xong lại phải chạy đi làm, có khi đi làm tận những khu công nghiệp xa ở huyện Nhơn Trạch… Chính sự hối hả này dễ dẫn tới nhiều vụ TNGT. Việc lắp thêm loa sẽ chuyển tải thông điệp an toàn giao thông tốt hơn cho mọi người.

Nguyễn Duy Thiết

(Phòng Tư pháp huyện Long Thành)

 

 

 

 

Tin xem nhiều