Báo Đồng Nai điện tử
En

Kinh doanh vận tải khách, tồn tại và giải pháp

09:02, 15/02/2014

Năm 2013, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, là năm thứ hai số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) ở mức dưới 10 ngàn người (xảy ra 29.385 vụ, làm chết 9.369 người).

Năm 2013, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, là năm thứ hai số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) ở mức dưới 10 ngàn người (xảy ra 29.385 vụ, làm chết 9.369 người). Điều đó thể hiện nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm ATGT, đặc biệt là sự cố gắng của các ngành chức năng trong việc thực hiện các giải pháp trọng tâm, siết chặt hoạt động quản lý vận tải và các nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng và xe container.

Thanh tra giao thông Đồng Nai đang kiểm tra phương tiện vận tải khách dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.
Thanh tra giao thông Đồng Nai đang kiểm tra phương tiện vận tải khách dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.

Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) kinh doanh vận tải khách trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại và vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT.

* Nguy cơ tai nạn từ doanh nghiệp vận tải

Lỗi chủ yếu nhất là các HTX, doanh nghiệp không thực hiện kinh doanh vận tải theo giấy phép kinh doanh vận tải được cấp. Hầu hết ban quản trị các HTX đều không có trình độ trung cấp chuyên ngành giao thông vận tải; phương tiện, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe đều do chủ thuê, quản lý và sử dụng để kinh doanh vận tải, HTX chỉ đứng ra lo thủ tục pháp lý để xe được hoạt động trên tuyến, việc tổ chức hoạt động kinh doanh do chủ xe (xã viên) thực hiện và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh, hàng tháng HTX thu của chủ xe (xã viên) một khoản phí nhất định (thường là 100 ngàn đồng/tháng). Như vậy, thực chất của việc kinh doanh vận tải khách của các HTX trên địa bàn tỉnh hiện nay là ban quản trị, ban chủ nhiệm HTX khoán trắng việc kinh doanh vận tải cho xã viên; chủ xe tự lo liệu chuyện lời lỗ, tổ chức kinh doanh, chấp hành pháp luật giao thông… Việc góp vốn chỉ trên danh nghĩa, HTX không quản lý, sử dụng số vốn góp (xe) ấy, mà quyền đó thuộc về xã viên; các chủ xe (xã viên) mượn thương hiệu của HTX để có luồng tuyến hoạt động kinh doanh vận tải. Từ điểm mấu chốt này mà cam kết kinh tế giữa HTX và xã viên chỉ là hình thức, HTX không thể ký hợp đồng lao động với lái xe và nhân viên phục vụ trên xe theo quy định. Do vậy, hiện tượng tài xế chạy rà rút, giành khách, chạy quá tốc độ cho phép khá phổ biến.

Bộ phận theo dõi ATGT được thành lập, nhưng chỉ hoạt động hình thức, thành viên của tổ ATGT không biết nhiệm vụ cụ thể của mình. Các HTX đều có hợp đồng thuê nơi đỗ xe, nhưng không sử dụng địa điểm thuê làm nơi đỗ xe, vì phương tiện do xã viên tự quản lý, sử dụng, đậu đỗ ở đâu là do xã viên tùy tiện quyết định, việc ký hợp đồng thuê điểm đỗ xe chỉ cho đủ thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Toàn bộ số phương tiện của các HTX, doanh nghiệp được kiểm tra đều có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen), nhưng có một số “hộp đen” không có dấu hợp quy theo quy định, không hiển thị được trạng thái hoạt động của thiết bị, không có cổng kết nối RS-232… Đáng chú ý là người điều khiển phương tiện (lái xe) đều không hiểu biết gì về việc lắp đặt, khai thác, sử dụng “hộp đen”. Cá biệt có tài xế còn không biết chủ xe gắn cái “cục gì”, ở chỗ nào trên xe, cứ “vô tư” mà chạy quá tốc độ, đón trả khách bừa bãi…

* Cần hơn nữa vai trò của doanh nghiệp vận tải

Ủy ban ATGT quốc gia đã ban hành chương trình hành động triển khai “Năm ATGT 2014” với chủ đề “Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng xe”. Trên cơ sở đó, các đơn vị kinh doanh vận tải khách cần tập trung thực hiện tốt công tác tổ chức, quản lý HTX, kiện toàn ban chủ nhiệm, ban kiểm soát, bổ sung những người có đủ trình độ chuyên môn (trung cấp chuyên ngành giao thông - vận tải hoặc trình độ cao đẳng, đại học chuyên ngành khác) đủ điều kiện, thời gian, kinh nghiệm hoạt động kinh doanh vận tải và thường xuyên cập nhật những thông tin, quy định mới của Nhà nước để nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh. Thực tiễn tại HTX dịch vụ vận tải Thống Nhất cho thấy, ban lãnh đạo HTX có đủ trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm tổ chức quản lý tốt, nên hoạt động kinh doanh vận tải của HTX đạt hiệu quả cao.

Ngày 30-3-2014: Hết hạn nhận bài dự thi giai đoạn 1

Từ ngày phát động (24-10-2013) đến nay, Cuộc thi “An toàn giao thông trên mọi nẻo đường” do Báo Đồng Nai và Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp tổ chức đã nhận được nhiều tác phẩm (ở nhiều thể loại dự thi) của bạn đọc trên cả nước, với nhiều hiến kế với cơ quan chức năng những giải pháp góp phần kiềm chế tai nạn giao thông (xem thể lệ dự thi trên phụ trương C, số báo hôm nay). Hạn chót nhận bài dự thi giai đoạn I là 30-3-2014. Ban tổ chức sẽ tổ chức sơ kết, trao giải thưởng cho các tác phẩm dự thi đạt giải giai đoạn I vào tháng 4-2014. Trong số báo này, Báo Đồng Nai giới thiệu tác phẩn dự thi “Kinh doanh vận tải khách, tồn tại và giải pháp” của tác giả Tường Vân (ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa).          

Ban tổ chức cuộc thi mong tiếp tục nhận được tác phẩm dự thi của bạn đọc trong cả nước để có những hiến kế sâu sắc, hiệu quả đối với công tác đảm bảo giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn Đồng Nai trong thời gian tới.

Điều quan trọng nhất là HTX phải thực sự quản lý, sử dụng phương tiện là phần vốn góp của xã viên theo đúng quy định của Luật HTX; HTX phải tổ chức thực hiện phương án kinh doanh vận tải trên cơ sở vốn góp (xe) của xã viên, chịu trách nhiệm trước xã viên về hiệu quả kinh doanh, phân chia lợi nhuận, về ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh vận tải đối với xã hội, như: đảm bảo trật tự vận tải, chấp hành pháp luật giao thông… Một khi HTX thực sự đứng ra tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh vận tải sẽ không còn kiểu “vay mượn thương hiệu” hay “khoán trắng”, mà sẽ bảo đảm trật tự vận tải trên địa bàn, thực hiện đúng chất lượng dịch vụ vận tải đã đăng ký.

Thực hiện tốt các giải pháp kiềm chế, kéo giảm TNGT đường bộ, nhất là những vụ TNGT nghiêm trọng, các đơn vị kinh doanh vận tải cần nhận rõ nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về ATGT là hết sức quan trọng. Hiện nay, các doanh nghiệp, HTX vận tải khách đều có thành lập nhưng thực tế bộ phận quản lý, theo dõi về ATGT không hoạt động, nếu có hoạt động thì chỉ mang tính thủ tục. Thời gian tới, các đơn vị kinh doanh vận tải cần phải tập trung củng cố, kiện toàn bộ phận này, phải triển khai nhiệm vụ: lập và thực hiện kế hoạch bảo đảm ATGT; thống kê, phân tích TNGT của đơn vị; kiểm tra đảm bảo các điều kiện về an toàn kỹ thuật của phương tiện; quản lý và sử dụng, theo dõi dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phục vụ công tác quản lý, hoạt động kinh doanh vận tải của đơn vị…

Những vấn đề trên đòi hỏi phải có người đủ khả năng thực hiện, mở sổ sách theo dõi, thống kê, phân tích dữ liệu… và có báo cáo cụ thể, kịp thời nhằm ngăn chặn, phòng ngừa TNGT xảy ra. Toàn bộ lái xe và nhân viên phục vụ trên xe HTX phải được ký hợp đồng lao động nhằm quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của người điều khiển phương tiện trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản của hàng chục hành khách tham gia giao thông.

Các đơn vị kinh doanh vận tải khách đều than rất khó, hoặc không thể quản lý, kiểm soát được loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng và xe du lịch; chủ xe (xã viên) thường chỉ liên quan tới HTX khi đến nhận phù hiệu, biển hiệu mới (thường là 6 tháng/lần) và đóng tiền lệ phí tháng. Nếu HTX thực hiện đúng, đầy đủ vai trò tổ chức điều hành hoạt động kinh doạnh vận tải thì đối tượng này sẽ được quản lý chặt chẽ hơn thông qua các biện pháp: cấp hợp đồng vận chuyển hành khách theo từng thời điểm, sử dụng các dữ liệu từ “hộp đen” để theo dõi hoạt động của phương tiện, cấp và thu hồi phù hiệu, biển hiệu… Nếu các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng và xe du lịch không mang theo hợp đồng vận chuyển khách, hoặc không có phù hiệu, biển hiệu thì sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt với mức phạt cao.

Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 23-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn TNGT nghiêm trọng trong hoạt động động vận tải, các doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải khách trên địa bàn tỉnh cần phải thay đổi cơ bản mô hình tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hiện nay, tuyệt đối không thực hiện việc giao khoán trắng, cho thuê thương hiệu trong hoạt động kinh doanh vận tải; khắc phục ngay các tồn tại trong hoạt động kinh doanh vận tải; quản lý chặt chẽ hoạt động của phương tiện và lái xe, nhân viên phục vụ trên xe; tổ chức triển khai và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh vận tải…

Thực hiện đúng, đầy đủ những vấn đề trên, chắc chắn sẽ góp phần ngăn chặn, phòng ngừa được những vụ TNGT nghiêm trọng, đem lại những chuyến xe bình yên cho người dân khi tham gia giao thông.

Tường Vân

           

 

Tin xem nhiều