Báo Đồng Nai điện tử
En

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

07:10, 01/10/2018

Đồng Nai đang là địa phương có số ca mắc sởi lớn nhất trong số các tỉnh, thành khu vực phía Nam với 137 ca. Bên cạnh đó, dịch tay chân miệng cũng đang lan rất nhanh.

Đồng Nai đang là địa phương có số ca mắc sởi lớn nhất trong số các tỉnh, thành khu vực phía Nam với 137 ca. Bên cạnh đó, dịch tay chân miệng cũng đang lan rất nhanh.

Một trẻ bị biến chứng tay chân miệng đang được chăm sóc tích cực tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG
Một trẻ bị biến chứng tay chân miệng đang được chăm sóc tích cực tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG

Trong đó nhiều trường hợp bệnh nhân bị sởi, tay chân miệng biến chứng nặng đang phải điều trị tích cực tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.

* Nhiều biến chứng của dịch bệnh

Theo Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều đã xuất hiện bệnh sởi. địa phương có số ca mắc sởi cao nhất là huyện Nhơn Trạch (chiếm 50% tổng số ca), kế  đến là Long Thành, Trảng Bom, Biên Hòa và  Vĩnh Cửu.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Y tế đề nghị Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai nâng cao hơn nữa các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để phục vụ tốt công tác điều trị bệnh sởi. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi do Bộ Y tế ban hành cho nhân viên y tế tham gia chẩn đoán và điều trị bệnh sởi, nhất là khu vực phòng khám, khu cấp cứu, điều trị.

Từ đầu tháng 9 đến nay, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai khám và điều trị cho 28 ca mắc sởi. Đối tượng mắc sởi chủ yếu là trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa đến độ tuổi tiêm vaccine phòng sởi) và trẻ chưa được tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi. Bệnh viện đã tổ chức khám, cấp cứu, thiết lập khu vực khám, điều trị cách ly, đồng thời thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng chống lây nhiễm chéo.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, ngoài biến chứng gây suy hô hấp, tổn thương phổi nhiều, bệnh sởi còn có thể gây viêm loét giác mạc, biến chứng về thần kinh như: viêm não, viêm màng não. Khi trẻ bị sởi, sức đề kháng kém rất dễ bị nhiễm thêm các loại vi trùng khác dẫn đến bội nhiễm. Những bé suy dinh dưỡng hoặc bị bệnh về tim bẩm sinh, không được chích ngừa vaccine phòng sởi khi bị sởi càng dễ bị biến chứng và dẫn đến tử vong.

Trước tình hình dịch sởi diễn biến phức tạp, trong tháng 8 và 9-2018, Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh đã thành lập các đoàn điều tra ổ bệnh tại 8 cụm dân cư tại Đồng Nai. Qua điều tra cho thấy 7/8 ổ dịch xuất phát từ khu nhà trọ, bệnh nhi có cha mẹ làm công nhân, do bận công việc nên không đưa con đi tiêm chủng đầy đủ. Tại thời điểm điều tra cho thấy có 73% trẻ được tiêm mũi 1 phòng sởi, 60% trẻ được tiêm đủ 2 mũi.

* Khẩn trương dập dịch

PGS-TS.Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh cho biết vaccine ngừa sởi hiện không thiếu, do đó đề nghị các tỉnh, thành phía Nam lên kế hoạch chi tiết, tập trung dập dịch. Ngoài ra, các tỉnh cũng cần rà soát tổng thể dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng trên địa bàn để có biện pháp phòng chống triệt để, tránh nguy cơ dịch chồng dịch.

Theo bác sĩ Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng  Đồng Nai, tỉnh sẽ tiến hành tiêm vét vaccine phòng sởi cho những trẻ từ 1-5 tuổi chưa tiêm hoặc chưa rõ lịch tiêm. Do có đến 30% số trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi nên Đồng Nai đang xin ý kiến sẽ thí điểm tiêm sởi cho trẻ từ 6-9 tháng tuổi.

Để có thể khống chế dịch, theo PGS-TS.Phan Trọng Lân, Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác cần có biện pháp tạo miễn dịch trong cộng đồng, tiêm vaccine đầy đủ cho những trẻ trong độ tuổi, tiêm bổ sung với các đối tượng có nguy cơ, đồng thời phải phát hiện và điều trị sớm các ca bệnh. Với những cơ sở y tế tập trung đông bệnh nhi như bệnh viện nhi đồng cần phải tiêm phòng cho cả nhân viên y tế, những người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhi để tránh lây lan cho những bệnh nhi khác. Những gia đình có con nhỏ dưới 9 tháng tuổi thì cha mẹ, người thân cũng nên tiêm vaccine phòng sởi. Đặc biệt, phải đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân hiểu được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, có biện pháp chủ động phòng chống dịch ngay tại gia đình.

Còn với dịch bệnh tay chân miệng, do lây truyền qua đường tiêu hóa và chưa có vaccine phòng bệnh nên biện pháp phòng tránh chủ yếu vẫn là nhanh chóng phát hiện, xử lý ổ dịch trong vòng 2 ngày đầu.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh, nếu cần thiết phải tiếp xúc thì nên mang khẩu trang, không dùng chung đồ dùng với người bệnh; thực hiện ăn sạch, uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và đồ chơi sạch.

Những gia đình có con nhỏ nên thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, thu gom, đổ phân và chất thải của bệnh nhân vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi trẻ bệnh, cần cho trẻ nghỉ học và nhanh chóng đến khám bệnh tại các cơ sở y tế có chuyên môn để được chữa trị kịp thời, tránh để lâu gây biến chứng nguy hiểm.

Các cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo, trường mầm non cần trang bị đủ xà phòng rửa tay tại các lớp học, không nhận trẻ mắc bệnh. Các giáo viên nuôi dạy trẻ cần theo dõi tình trạng sức khỏe trẻ hằng ngày, khi phát hiện có dấu hiệu bệnh cần thông báo cho gia đình để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều