Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Ứng dụng nhiều kỹ thuật can thiệp cao

08:12, 08/12/2016

Hiện nay, các bệnh viện tuyến tỉnh tiếp tục phát triển thêm nhiều kỹ thuật can thiệp chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng cao và đa dạng của bệnh nhân tại Đồng Nai và các vùng lân cận, góp phần tích cực vào sự phát triển của y tế tỉnh nhà.

 

[links()]Hiện nay, các bệnh viện tuyến tỉnh tiếp tục phát triển thêm nhiều kỹ thuật can thiệp chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng cao và đa dạng của bệnh nhân tại Đồng Nai và các vùng lân cận, góp phần tích cực vào sự phát triển của y tế tỉnh nhà.

TS BS Phạm Minh Ánh, Trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Chợ Rẫy TPHồ Chí Minh cùng các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thực hiện can thiệp đặt stent graft động mạch đầu tiên tại Đồng Nai Ảnh CTV
TS.BS Phạm Minh Ánh, Trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Chợ Rẫy TPHồ Chí Minh cùng các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thực hiện can thiệp đặt stent graft động mạch đầu tiên tại Đồng Nai (Ảnh CTV)

Kỹ thuật tim mạch can thiệp đã xuất hiện tại Đồng Nai gần 2 năm nay. Tuy nhiên, trong năm 2016, kỹ thuật này mới thực sự phát triển mạnh mẽ khi nhiều kỹ thuật khó, chuyên sâu đã được triển khai không chỉ để cấp cứu những ca nhồi máu cơ tim mà còn chữa nhiều ca bệnh lý mạch vành, tim bẩm sinh.

Bác sĩ Phạm Quang Huy, Trưởng Khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho biết việc triển khai can thiệp đặt stent graft động mạch tại Đồng Nai mở ra khả năng điều trị chuyên sâu, nhẹ nhàng hơn nhưng không kém phần hiệu quả cho bệnh nhân bị phình động mạch chủ có nguy cơ vỡ. Để thực hiện thành công kỹ thuật này cần có cơ sở phù hợp, tốt nhất là 1 phòng can thiệp tim mạch đạt chuẩn phòng mổ. Đồng thời cần có đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản, phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa các ê kíp gây mê hồi sức, phẫu thuật mạch máu và can thiệp tim mạch.

* Phát triển mạnh mẽ

Trung tâm tim mạch can thiệp của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã triển khai thực hiện thêm 262 kỹ thuật cao về tim mạch. Trong đó, trung tâm đã thực hiện thành công các ca khó như: bít lỗ Còn ống động mạch bằng nút Occlutech; Nong hẹp khít van 2 lá bằng bóng Inoue có sự hỗ trợ của siêu âm tim qua thực quản; Bít thông liên nhĩ lỗ lớn đường kính tới 28 mm bằng dù Figulla Flex II; Can thiệp tổn thương thân chung động mạch vành trái và bóc tách đoạn gần động mạch liên thất trước có sự hỗ trợ của siêu âm trong lòng mạch vành; Can thiệp thành công nhiều tổn thương mạch vành khó và phức tạp...

Bác sĩ Phạm Quang Huy, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho biết, qua gần 2 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cơ bản đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân về tim mạch can thiệp. Các kỹ thuật thực hiện đều đạt kết quả tốt. Riêng mảng mạch vành kết quả rất khích lệ, tỷ lệ can thiệp thành công đạt gần 97%;can thiệp thành công tổn thương mạch vành khó đạt tới 95%, ít xảy ra biến chứng, hồi phục tốt.

Các bác sĩ Khoa tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thực hiện một ca can thiệp tim mạch cho một bệnh nhân nhồi máu cơ tim. Ảnh: Đặng Ngọc.
Các bác sĩ Khoa tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thực hiện một ca can thiệp tim mạch cho một bệnh nhân nhồi máu cơ tim. (Ảnh: Đặng Ngọc)

Tương tự, tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, dưới sự hỗ trợ của các bác sĩ ở Viện Tim TP.Hồ Chí Minh, các bác sĩ Khoa Tim mạch can thiệp cũng thực hiện được rất nhiều kỹ thuật khó của can thiệp tim mạch như: kỹ thuật bít dù; nhồi máu cơ tim có tổn thương tắc động mạch vành mạn tính; đau thắt ngực ổn định và ca đau thắt ngực không ổn định dù đã đặt stent mạch vành nhưng vẫn còn hẹp nên phải tiếp tục thông mạch...

Bác sĩ Nguyễn Đình Niệm, trưởng Khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết số ca nhập viện cấp cứu do nhồi máu cơ tim cấp rất nhiều. Gần 1,5 năm triển khai can thiệp tim mạch, bệnh viện đã thực hiện gần 300 ca nhồi máu cơ tim cấp/hơn 900 ca tim mạch can thiệp đã thực hiện, với tỷ lệ thành công khá cao, chiếm gần 98%, cứu sống hàng trăm trường hợp nhồi máu cơ tim cấp.

"Lối thoát" cho bệnh phình động mạch chủ

Bên cạnh các bệnh tim mạch, nhồi máu não, nghẽn mạch máu não, bệnh phình động mạch chủ bụng, động mạch chủ ngực cũng đang là một trong những bệnh không lây nhiễm ngày càng có nhiều người mắc bệnh. Gọi là phình động mạch chủ khi một đoạn của động mạch này giãn lớn hơn 50% đường kính bình thường. Đoạn nào của động mạch chủ cũng có thể bị phình, thường gặp nhất là ở động mạch chủ bụng. Nguy cơ của phình động mạch chủ là tiếp tục tiến triển, dẫn đến bóc tách, đặc biệt đáng sợ là biến chứng vỡ, gây tử vong rất cao và rất nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời và xử lý phù hợp do thiếu máu cấp.

Bệnh nhân Vũ Văn Vọng, 75 tuổi, ngụ tại phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) thoát khỏi nguy kịch nhờ 3 lần được làm các kỹ thuật can thiệp tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, tránh được nguy cơ phẫu thuật, nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Ảnh: N.Thư
Bệnh nhân Vũ Văn Vọng, 75 tuổi, ngụ tại phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) thoát khỏi nguy kịch nhờ 3 lần được làm các kỹ thuật can thiệp tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (Ảnh: N.Thư)

Hiện nay, tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đều đã triển khai mổ hở để thay đoạn động mạch chủ bị phình bằng mạch máu nhân tạo. Tuy nhiên, đây là phẫu thuật lớn, kỹ thuật khó tác động tới toàn bộ các cơ quan trong cơ thể nên thời gian hồi phục sau mổ thường kéo dài. Riêng đối với phình động mạch chủ ngực, phẫu thuật cần có sự hỗ trợ của máy tim phổi nhân tạo.

Đặc biệt, dưới sự hỗ trợ của TS-BS Phạm Minh Ánh, Trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất là bệnh viện đầu tiên trong tỉnh vừa triển khai can thiệp đặt stent graft động mạch chủ bụng. Đây là một kỹ thuật mới, tiên tiến, còn ít được triển khai ở bệnh viện tuyến trung ương và rất hiếm triển khai thực hiện các bệnh viện tuyến tỉnh. Với kỹ thuật này, từ động mạch đùi, các bác sĩ đưa dụng cụ vào lòng mạch máu lên đến vị trí khối phình động mạch chủ, bung stent graft để máu không còn lưu thông vào khối phình, từ đó ngăn ngừa được nguy cơ vỡ.

Nhờ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất triển khai kỹ thuật này nên ông Vũ Văn Vọng, 75 tuổi, ngụ tại phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) bị phình động mạch chủ bụng thoát khỏi các nguy cơ khi mổ hở. Theo người nhà của ông Vọng, đây là lần thứ 3 ông được các bác sĩ thực hiện kỹ thuật can thiệp. 2 lần trước là can thiệp đặt stent động mạch vành, can thiệp nong động mạch thận. Với tuổi cao sức yếu, lại mang trong mình nhiều bệnh mãn tính, nếu không nhờ các kỹ thuật can thiệp, với nhiều bệnh nặng như trên ông Vọng sẽ rất khó vượt qua.

Bài và ảnh: Ngọc Thư

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều