Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Trang thông tin điện tử: Trăm hoa đua nở

03:12, 08/12/2016

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, nhanh chóng ứng dụng chính phủ điện tử để  phục vụ người dân ngày một tốt hơn... Với mục đích đó, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đến nay ều đã lập trang thông tin điện tử (website).

[links()]Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, nhanh chóng ứng dụng chính phủ điện tử để  phục vụ người dân ngày một tốt hơn... Với mục đích đó, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đến nay ều đã lập trang thông tin điện tử (website).

Nhiều website trong số này đã thực sự trở thành kênh thông tin, thành cầu nối giao dịch không thể thiếu giữa người dân với các cơ quan quản lý nhà nước.                 

* “Kho” thông tin, dữ liệu thiết thực

Hệ thống quản lý nhà nước của tỉnh hiện có 40 website đang hoạt động, trong đó có 24 trang của sở, ngành, 5 trang của tổ chức chính trị - xã hội và 11 trang thuộc cấp huyện, thị xã và thành phố.

Cục hải quan Đồng Nai thực hiện các giao dịch chủ yếu qua mạng điện tử
Cục hải quan Đồng Nai thực hiện các giao dịch chủ yếu qua mạng điện tử

Tuy có mạnh - yếu, hấp dẫn hay nghèo nàn khác nhau, nhưng phần lớn các website đã trở thành “kho” thông tin, dữ liệu khổng lồ khi đã tích hợp, kết nối, cập nhật hàng chục ngàn văn bản, thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, là điểm đến của người dân khi có nhu cầu tìm hiểu, tra cứu thông tin về vấn đề mình muốn biết.

Theo thống kê của Sở Thông tin – Truyền thông, trong số 40 website thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội và hiệp hội… đã có 35 trang xây dựng được mục “dịch vụ công trực tuyến”, nhưng còn tới 23 trang chưa tích  hợp vào hệ thống Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

Với phương châm “Chuyên nghiệp – Minh bạch – Hiệu quả”, Cục Hải quan Đồng Nai là đơn vị đầu tiên trong ngành Hải quan xây dựng website (vào năm 2000) nhằm cung cấp thông tin, chế độ chính sách về xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan cho doanh nghiệp.

Hiện website này đang dẫn đầu trong số 40 website của tỉnh với 12,9 triệu lượt truy cập và thực hiện giao dịch qua mạng. Cá biệt, có ngày trang tiếp nhận đến 16,4 ngàn lượt truy cập từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên quan đến xuất nhập khẩu.

Tại đây, 10 tháng đầu năm 2016, đã có hàng ngàn vướng mắc của doanh nghiệp trong cả nước được tiếp nhận và xử lý, gỡ rối cho hơn 17 ngàn vướng mắc của doanh nghiệp. Ngoài tiếng Việt, website còn được bổ sung thêm 4 ngôn ngữ là Anh, Hoa, Nhật và Hàn nhằm giúp các doanh nghiệp nước ngoài thuận tiện trong việc tra cứu thông tin.

Theo Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai Lê Văn Danh, việc cung cấp thông tin, thủ tục, tháo gỡ vướng mắc qua trang thông tin điện tử đã giúp doanh nghiệp nắm rõ các quy định, quy trình để thực hiện trong quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu, giúp việc thông quan hàng hóa được thuận lợi và thông suốt, không để xảy ra tình trạng ách tắc hàng hóa, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Còn website của Sở Khoa học – công nghệ là một trong những trang thông tin phong phú và có lượng truy cập lớn nhất trong số 16 website cấp sở. Xác định mục tiêu xây dựng website là để phục vụ người dân thông qua giao dịch điện tử, cung cấp thông tin khoa học - công nghệ - kỹ thuật và quảng bá thương hiệu, website Sở Khoa học – Công nghệ là số ít website xây dựng đạt được 6 tiêu chí của một website chuẩn, trong đó các trang được thiết kế thân thiện, cung cấp những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.

Người dân ở tại nhà cũng có thể tra cứu và biết được toàn bộ thông tin liên quan đến thửa đất mình quan tâm (Ảnh: K.Liễu)
Người dân ở tại nhà cũng có thể tra cứu và biết được toàn bộ thông tin liên quan đến thửa đất mình quan tâm (Ảnh: K.Liễu)

Khẳng định người đọc là mục tiêu tập trung nên webiste của Sở Khoa học – Công nghệ có sự phân mục rõ ràng, cách bố trí, hướng dẫn người dân truy cập vào website một cách đơn giản, dễ dàng và trực quan, giúp người dân không mất nhiều thời gian để tìm kiếm thông tin. Nội dung thông tin của website không chỉ thông tin những vấn đề thuộc lĩnh vực của ngành mà còn của nhiều lĩnh vực khác, phong phú, sinh động.

Ngoài ra, website còn có tính tương tác với bạn đọc thông qua những đoạn video, trình chiếu, chat trực tiếp, hỏi đáp, tích hợp yếu tố phương tiện truyền thông xã hội, điều tra, khảo sát… làm cho website thêm sinh động và hữu dụng.

Để phục vụ đông đảo người dân truy cập mọi lúc, mọi nơi, dễ dàng tra cứu với mọi phương tiện điện tử khác nhau như điện thoại, ipad…Sở đã thiết kế website phù hợp với tất cả các trình duyệt khác nhau được nhiều người dùng như FIREFOX, IE, CHROME, OPERA…

Trước đây việc tiếp cận các thông tin quy hoạch, hiện trạng, sử dụng đất đai rất nhiêu khê, thông tin quy hoạch thường  nhạy cảm, ít được phổ biến nên tình trạng mua bán đất diễn ra trong tù mù khiến không ít trường hợp bị mất trắng vì mua nhầm đất quy hoạch. Nay, ngay tại nhà người dân có thể xem toàn bộ thông tin quy hoạch, hiện trạng, nguồn gốc sử dụng thửa đất mình muốn biết một cách dễ dàng từ phần mềm DNAI.LIS của Sở Tài nguyên–Môi trường.

Chị Trần Thị Mai Hiên (phường Trảng Dài) cho biết: “Chỉ cần down phần mềm trên về điện thoại, tôi có thể xem được mọi thông tin liên quan đến thửa đất của mình, quy hoạch chung tổng thể… rất tiện lợi, không sợ bị mua nhầm đất quy hoạch”.

Ông  Bùi Văn Dũng, Phó giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin - người trực tiếp xây dựng phần mềm này cho biết, phần mềm không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân  mà còn phục vụ cho nhân viên, cán bộ làm công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh trong việc quản lý tên chủ sử dụng, quá trình biến động, nguồn gốc của từng thửa đất, tài sản gắn liền với đất… thậm chí chi tiết hơn như: tỷ lệ cấp giấy chứng nhận của từng địa phương, số lượng hồ sơ đăng ký biến động liên quan đến chuyển nhượng, tách thửa...

*Vẫn còn website “đói”

Không thể phủ nhận hiệu quả từ các website thuộc hệ thống hành chính công trong vai trò là công cụ cung cấp thông tin và dịch vụ hành chính công đến người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những website sở, ban, ngành, địa phương phát huy được hiệu quả, thì vẫn còn những website bị… “bỏ đói”.

Giao diện chính của website Sở Y tế thường bị “đơ” không hiển thị,  còn mục “Thông báo”  thì bỏ trống
Giao diện chính của website Sở Y tế thường bị “đơ” không hiển thị, còn mục “Thông báo” thì bỏ trống

Qua đánh giá của Hội đồng biên tập Cổng thông tin điện tử (UBND tỉnh) việc cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành hiện nay, có 7  trang đạt mức tốt,  12 trang đạt mức khá và 10 trang ở mức trung bình. Những trang được đánh giá ở mức tốt như: Sở Khoa học – Công nghệ,  Sở Tài nguyên – Môi trường, Thanh tra tỉnh, Sở Công thương và Sở Thông tin – truyền thông…

Về cập nhật thông tin “nuôi dưỡng” website của các đơn vị, bà Nguyễn Thị Hương Giang, Trưởng phòng báo chí xuất bản (Sở Thông tin – Truyền thông) cho hay: “Qua khảo sát, nhiều website chưa xây dựng đủ 10 chuyên mục cần thiết của một trang thông tin điện tử, chưa thể hiện đầy đủ các nội dung theo Nghị định 43/2011/NĐ-CP (ngày 13-6-2011) của Chính phủ, lượng thông tin cập nhật sơ sài, hạn chế, nghèo nàn”.

Cụ thể , website của Sở Kế hoạch – đầu tư, Sở Ngoại vụ, Sở Tư pháp,  Sở Lao động – Thương binh và Xã hội không ghi rõ tên tác giả hoặc tên cơ quan của nguồn tin chính thức (theo quy định khoản 2 điều 20 Nghị 72/2013/NĐ-CP).

Hoặc, có những website đối phó bằng cách sao chép, lắp ghép các thông tin lấy từ Báo Đồng Nai, Lao động Đồng Nai, Cổng thông tin điện tử tỉnh và từ các báo điện tử khác trên cả nước…, thay vì đưa thông tin của ngành, địa phương mình.

Với hoạt động đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật, nhiều trang không cung cấp các yếu tố cần thiết của văn bản như: hình thức văn bản, thẩm quyền ban hành, ngày hiệu lực, trích yếu văn bản… gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình tìm kiếm thông tin; một số tin bài khi đăng tải không có hình ảnh, làm giảm tính hiệu quả cũng như sự sinh động trong tuyên truyền của thông tin; website một số sở, ngành tuy xây dựng được chuyên mục nhưng lại “bỏ đói”, không cập nhật hoặc cập nhật chưa thường xuyên, vì thế lượng truy cập rất hạn chế.

Trong khi các website của nhiều sở, ban, ngành có số lượng truy cập được tính bằng triệu và chục triệu lượt thì Sở Kế hoạch - Đầu tư chỉ có 734 lượt truy cập, bởi nhiều chuyên mục của website này như: “Văn bản pháp luật, quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm”; “Đăng ký doanh nghiệp”, “Đầu tư nước ngoài”, “Các chương trình trọng điểm của tỉnh” và nhiều chuyên mục khác bị bỏ trắng ở tình trạng “Chưa nhập tin cho chuyên mục này”.

Bài và ảnh: Phương Liễu 

Xem tiếp bài cuối: "Để Chính phủ điện tử đồng hành cùng người dân"

   

 

Tin xem nhiều