Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng nhà ở xã hội: Thiếu đất, thiếu tiền

10:12, 07/12/2016

Ngày 7-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để triển khai nhanh các dự án, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Ngày 7-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để triển khai nhanh các dự án, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở phường Bửu Long, TP.Biên Hòa.
Dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở phường Bửu Long, TP.Biên Hòa.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, đến tháng 11-2016, cả nước mới đầu tư xây dựng 179 dự án nhà ở xã hội có diện tích khoảng 3,7 triệu m2 tại khu đô thị, khu công nghiệp với 71.150 căn hộ, đáp ứng nhu cầu cho gần 500 ngàn người. Như vậy, so với chỉ tiêu số lượng nhà ở xã hội tại đô thị và khu công nghiệp đến năm 2020 đã đề ra thì hiện tại mới đạt khoảng 28%.

Hơn 1,5 triệu công nhân thiếu nhà ở

Tại đầu cầu Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh chủ trì hội nghị. Đồng Nai là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nhà ở xã hội và đặc biệt cho đối tượng công nhân. Huyện Nhơn Trạch là địa phương làm khá tốt việc xây dựng nhà ở cho công nhân.

Trong các đối tượng thu nhập thấp đang cần nhà ở xã hội thì công nhân có nhu cầu về nhà ở lớn nhất. Nhu cầu này đang tập trung ở những tỉnh, thành có khu công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển mạnh, như: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội... Theo Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước có khoảng 1,7 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở, nhưng thực tế thời gian qua các dự án nhà ở xã hội mới đáp ứng được từ 8-10% cho đối tượng này. Như vậy, vẫn còn trên 1,5 triệu công nhân chưa có nhà ở, đang phải thuê nhà trọ để ở. Nhà trọ công nhân thuê để ở đa số chất lượng thấp, không đảm bảo sức khỏe làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lao động của công nhân. Vì thế, đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân là rất cấp bách.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho hay: “Bình Dương quy hoạch 85 dự án nhà ở xã hội nhưng mới hoàn thành 25 dự án, đáp ứng một lượng nhỏ nhu cầu về nhà ở của công nhân. Hiện Bình Dương có khoảng 950 ngàn lao động nhập cư, trong đó phần lớn là công nhân nên nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn”. Đây là một trong 5 tỉnh, thành được Chính phủ khen ngợi làm tốt việc mời gọi đầu tư nhà ở xã hội, nhưng so với nhu cầu thực tế vẫn như “muối bỏ bể”.

Đồng Nai cũng là tỉnh nằm trong tốp đầu các tỉnh, thành làm tốt dự án nhà ở xã hội cho công nhân. “Trong gần 3 năm qua, Đồng Nai đã hoàn thành hơn 2.100 căn nhà ở xã hội, vượt kế hoạch đề ra. Từ nay đến năm 2020, tỉnh tiếp tục triển khai thêm 20 ngàn căn nhà ở xã hội, trong đó ưu tiên cho đối tượng công nhân. Nhưng so với nhu cầu chỉ đáp ứng được gần 20%” - ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai, nói.

Theo Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, nếu các dự án nhà ở xã hội theo quy hoạch hiện nay triển khai hết thì chỉ mới đáp ứng được 20% nhu cầu. Vấn đề bức thiết nhất và các địa phương có các khu công nghiệp cần phải ưu tiên là xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Vì không chú ý đến nhà ở cho công nhân, sau này sẽ gây ra những hệ lụy rất lớn. Do không có nơi an cư lâu dài, những người trẻ thường đi làm công nhân 10-15 năm, lớn tuổi sẽ về quê và cuộc sống rất khó khăn. Do đó, ngân sách địa phương phải dành một phần hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, người lao động mua nhà. “Giá nhà ở xã hội thấp nhưng chất lượng không được thấp. Các bộ, các ngành, địa phương cần chú ý đến chất lượng nhà ở xã hội, nếu không sau 10-15 năm sẽ thành các khu nhà ổ chuột” - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Ưu tiên vốn và đất

Các địa phương có dự án nhà ở xã hội đều gặp khó khăn chung là thiếu quỹ đất sạch và vốn vay ưu đãi để triển khai dự án. Sau khi kết thúc gói vay ưu đãi 30 ngàn tỷ đồng, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện tiếp gói vay ưu đãi để xây dựng và mua nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng đến nay vẫn chưa có vốn rót cho gói vay này.

Đại diện TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh cho hay, do thiếu các quỹ đất sạch và vốn vay ưu đãi nên nhiều dự án nhà ở xã hội triển khai rất chậm. Nếu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm bố trí nguồn vốn vay lãi suất thấp thì thời gian tới các dự án sẽ triển khai nhanh hơn, và người có thu nhập thấp cũng có thể tiếp cận nguồn vốn trên để mua nhà.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhận định: “Các dự án nhà ở xã hội trong cả nước thời gian qua triển khai chậm là do 2 yếu tố: thiếu đất sạch và tiền. Muốn triển khai nhanh các dự án nhà ở xã hội thì phải quy hoạch, giải phóng mặt bằng nhanh để có đất sạch cho chủ đầu tư. Khi có đất sạch rồi thì phải có vốn vay lãi suất thấp để doanh nghiệp làm. Gói 30 ngàn tỷ đồng đã kết thúc nên Chính phủ cần sớm cho vay gói ưu đãi mới”. Cũng theo ông Nam, nguồn vốn của các ngân hàng thương mại khá dồi dào, Chính phủ nên xem xét có thể cho vay và hỗ trợ lãi suất qua các ngân hàng này.

Liên quan đến vấn đề đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài  nguyên - môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: “Các chính sách về đất đai tương đối đầy đủ, song nhiều địa phương vẫn chưa quy hoạch cụ thể diện tích đất cho các dự án nhà ở xã hội. Trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất trình Chính phủ tới đây, các tỉnh, thành nên đưa quy hoạch đất dành cho nhà ở xã hội vào quy hoạch chung. Quỹ Đầu tư phát triển quỹ đất nên giải phóng mặt bằng có đất sạch để mời gọi đầu tư sẽ dễ dàng hơn”.

Tại hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, nhà ở xã hội xây dựng cho 9 đối tượng nhưng trong đó phải ưu tiên xây dựng nhà ở cho công nhân. Đội ngũ công nhân đang đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế của cả nước nhưng đời sống lại rất khó khăn. Thời gian tới, Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi cho các dự án nhà ở xã hội. Các chủ đầu tư phải đảm bảo nhà ở xã hội giá thấp, nhưng chất lượng phải tốt cho người thu nhập thấp.

Hương Giang

Tin xem nhiều