Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Để Chính phủ điện tử đồng hành cùng người dân

04:12, 08/12/2016

Thực hiện Chính phủ điện tử (CPĐT) sẽ làm tăng tính công khai, sự tiện lợi, góp phần vào tăng trưởng và giảm chi phí, đồng thời giúp cơ quan công quyền giảm tải được áp lực công việc, xử lý công việc nhanh và khoa học hơn.

[links()]Thực hiện Chính phủ điện tử (CPĐT) sẽ làm tăng tính công khai, sự tiện lợi, góp phần vào tăng trưởng và giảm chi phí, đồng thời giúp cơ quan công quyền giảm tải được áp lực công việc, xử lý công việc nhanh và khoa học hơn. Qua đó, người dân được hưởng thụ dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí cũng như thời gian, đặc biệt tránh được tệ nạn nhũng nhiều, quan liêu, phiền hà… từ những cán bộ công quyền.

Tuy nhiên, để CPĐT đồng hành cùng người dân, cần có sự vận hành đồng bộ từ công nghệ - tài chính đến nhân lực, trong đó yếu tố con người là then chốt.

* Sớm hoàn thiện Chính phủ điện tử

Ở thời đại bùng nổ công nghệ thông tin (CNTT) và mạng internet được sử dụng phổ biến, việc “điện tử hóa” thông tin, các quy trình, thủ tục, giao dịch giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa nhà nước với công dân, với  doanh nghiệp đã đưa công cuộc cải cách hành chính chuyển biến mạnh mẽ.

Ứng dụng CNTT trong công việc sẽ giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí và tiến độ xử lý công việc sẽ nhanh hơn
Ứng dụng CNTT trong công việc sẽ giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí và tiến độ xử lý công việc sẽ nhanh hơn

Từ chính phủ truyền thống sang CPĐT thông qua ứng dụng CNTT trong phục vụ người dân đã mang lại những khả năng mới. Tính năng tốc độ xử lý dữ liệu cao, khả năng lưu trữ và khai thác thông tin gần như vô hạn… đã và đang làm “phẳng” dần khoảng cách đối thoại giữa người dân với các cơ quan công quyền.

Ngày 14/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36a/NQCP về Chính phủ điện tử với mục tiêu đẩy mạnh phát triển CPĐT, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Trong đó,  năm 2017, 100% dịch vụ hành chính công được cung cấp trực tuyến.

Với mục tiêu tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nhằm mang lại thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp cũng như tăng cường sự công khai minh bạch, tiết giảm chi tiêu chính phủ… tại nhiều cuộc họp liên quan đến CPĐT, Phó chủ tịch UBND Trần Văn Vĩnh  khẳng định: “Lợi ích của CPĐT rất to lớn và không thể phủ nhận”.       

Tại Quyết định số 2014/QĐ-UBND về Chương trình cải cách hành chính tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đã yêu cầu các cơ quan, ban, ngành: “Cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải  cách hành chính theo hướng xây dựng nền hành chính hiện đại, trọng tâm là ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào hoạt động quản lý nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp và nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ công chức. Trong năm 2016 phải xây dựng và ban hành khung kiến trúc CPĐT tỉnh, làm cơ sở để đến năm 2020 hoàn thành việc xây dựng triển khai mô hình CPĐT tỉnh Đồng Nai”. 

Theo đó, mục tiêu cụ thể là nâng cao năng lực quản lý điều hành của chính  quyền các cấp, các sở, ban, ngành, hội đoàn trong việc trao đổi văn bản điện tử, thu thập thông tin chính xác và kịp thời ra quyết định, giao ban điện tử; cung cấp cho người dân và doanh nghiệp các dịch vụ công, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng truy cập ở khắp mọi nơi.

Qua CPĐT, người dân có thể tham gia xây dựng chính sách, đóng góp vào quá trình xây dựng luật pháp, quá trình điều hành của nhà nước một cách tích cực… từ đó giảm chi tiêu  cho bộ máy chính phủ; thực hiện một chính phủ hiện đại, hiệu quả và minh bạch; tạo ra phong cách lãnh đạo mới, phương thức mới và nâng cao được năng lực quản lý điều hành tại địa phương.

* Con người là yếu tố then chốt

Để góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện CPĐT, hiện các cổng/trang thông tin điện tử tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn đã có sự đầu tư, “chăm sóc” khá tốt, nhận được sự “thăm viếng” thường xuyên của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội khi có nhu cầu tra cứu thông tin, thực hiện các giao dịch hành chính công…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, để CPĐT “gần dân” hơn, cần vượt qua những rào cản trong quá trình xây dựng và hoàn chỉnh, tiến tới phát triển và nâng cao chất lượng phục vụ của CPĐT tại địa phương.

Từ kết quả khảo sát việc xây dựng CPĐT tại các tỉnh, thành năm 2015, Bộ Thông tin – Truyền thông đánh giá: “Vẫn còn nhiều cản trở làm chậm tiến trình hoàn thiện CPĐT của Việt Nam. Những rào cản đó là: Bất cập từ các dự án CNTT; cơ sở hạ tầng CNTT còn yếu kém; trình độ nhận thức và kỹ năng ứng dụng, sử dụng CNTT của cán bộ, viên chức bị hạn chế, nhất là cán bộ cấp huyện và xã; quy trình nghiệp vụ chưa ổn định do đang trong quá trình cải cách; một bộ phận dân trí còn thấp, chưa biết sử dụng máy vi tính hoặc mạng internet... Rào cản lớn nhất là khả năng sử dụng, ứng dụng CNTT trong việc xây dựng và quản lý thông tin của lãnh đạo, cán bộ, viên chức tại nhiều cơ quan, địa phương còn hạn chế.

Cán bộ công chức phải được đào tạo CNTT để sử dụng và ứng dụng vào giải quyết công việc
Cán bộ công chức phải được đào tạo CNTT để sử dụng và ứng dụng vào giải quyết công việc

Là đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực CNTT, từ hơn 10 năm trước, Sở Khoa học – Công nghệ (KH-CN) được UBND tỉnh giao nhiệm vụ xây dựng, quản lý  và điều hành Cổng thông tin điện tử của tỉnh, cũng như chuẩn bị cơ sở để xây dựng CPĐT tỉnh. Trước khi bắt tay vào nhiệm vụ được giao, xác định yếu tố con người là then chốt, Sở KH-CN đã làm một “cuộc cách mạng” tin học ngay trong chính đơn vị của mình.

Tiến sĩ Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KH-CN cho hay, “cuộc cách mạng” tin học diễn ra trong 3 tháng với những buổi học sau giờ tan sở. Theo đó, tất cả mọi cán bộ, công nhân viên từ già đến trẻ trong cơ quan đều phải học và đáp ứng được yêu cầu làm việc bằng CNTT. Khi đó, phần mềm M.Office (Văn phòng điện tử) được triển khai trong toàn cơ quan, ai không làm việc trên môi trường điện tử sẽ là người ngoài cuộc - bởi làm việc với Văn phòng điện tử nên tất cả mọi văn bản, chỉ đạo, báo cáo, trình duyệt, tiến độ giải quyết, kết quả xử lý đều được giao dịch trên mạng…Chỉ trong một thời gian ngắn, tất cả cán bộ, công chức Sở KH-CN đều thành thạo CNTT và Cổng thông tin điện tử của tỉnh giao cho Sở quản lý luôn vận hành trơn tru và cực kỳ phong phú.

Nói điều này để thấy, nếu người đứng đầu cơ quan quan tâm đến CNTT thì website cũng như dịch vụ trực tuyến của cơ quan đó bao giờ cũng chất lượng. Ngược lại, thiếu sự quan tâm của người đứng đầu cũng như việc đầu tư cho trang thông tin điện tử không đúng mức, bố trí nhân lực chưa phù hợp, website đơn vị đó “èo uột” là điều dễ hiểu.                                             

Một thực tế hiện nay, tuy Nghị định 43/CP đã quy định: Khi xây dựng cổng/trang thông tin điện tử, phải thành lập Ban biên tập để giúp cho thủ trưởng cơ quan chủ quản trong việc tiếp nhận, xử lý, biên tập, cập nhật thông tin và phối hợp xử lý dịch vụ công, nhằm đảm bảo hoạt động của cổng/trang thông tin điện tử luôn “tươi mới”…

Thế nhưng ở nhiều cơ quan, lãnh đạo quá nhiều việc nên không quan tâm đến việc kiểm soát, kiểm duyệt cũng như chất lượng, số lượng thông tin đưa lên website của mình.

Khi được hỏi vì sao website các sở, ngành khác có hàng triệu, thậm chí chục triệu lượt truy cập, còn website của sở này lại “èo uột” với chỉ vài trăm lượt người “ghé”? – một cán bộ được giao phụ trách website của một Sở than thở: “Khi có website, cơ quan cũng thành lập một ban biên tập đủ các bộ phận. Tuy nhiên, toàn bộ công việc quản trị, cung cấp thông tin chỉ do một mình tôi đảm nhận nhưng lại là kiêm nhiệm, tôi không có nhiều thời gian dành cho trang web khiến nó nghèo nàn”. 

Ngoài vấn đề con người, thì công nghệ -  thiết kế ( tốc độ đường truyền và giao diện của cổng/trang  thông tin điện tử) cũng là yếu tố quan trọng để thu hút độc giả. Nếu tốc độ đường truyền quá chậm, người truy cập không thể chờ đợi, họ sẽ chuyển qua một trang khác. Hoặc giao diện xấu, rườm rà hoặc quá đơn điệu cũng sẽ không hấp dẫn người truy cập.

Ngoài ra, hiện mới chỉ có khoảng 25% số người dân trong tỉnh biết và có sử dụng CNTT, một bộ phận người dân biết ứng dụng CNTT nhưng không “mặn mà” với việc giao dịch qua mạng, mà vẫn “chung thuỷ” với thói quen sử dụng văn bản thủ công, tâm lý lo ngại về sự không an toàn thông tin… khiến cho tiến độ hoàn thiện CPĐT của Đồng Nai có thể chậm lại.

Như vậy, với những rào cản này, mục tiêu phấn đấu đến năm 2017 bảo đảm 100% dịch vụ hành chính công được cung cấp trực tuyến  vẫn đang là “bài toán khó” không chỉ của Đồng Nai.

Bài và ảnh: Phương Liễu

                               

 

 

                           

Tin xem nhiều