Báo Đồng Nai điện tử
En

Tín hiệu vui từ xã hội hóa giáo dục

10:09, 05/09/2016

Trong số 13 trường được thành lập mới trong năm học 2016-2017 của tỉnh, có 3 trường tư thục do các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhằm phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu học tập của con em trên địa bàn.

Trong số 13 trường được thành lập mới trong năm học 2016-2017 của tỉnh, có 3 trường tư thục do các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhằm phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Đó là các trường: tiểu học Tổ Ong Vàng (huyện Định Quán, 3 phòng học), mầm non Hoa Mai
(TX.Long Khánh, 5 phòng học) và mẫu giáo Dona Standard (huyện Xuân Lộc).

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang trao tặng giấy khen cho ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh Trường tiểu học Nguyễn Huệ, THCS Lý Tự Trọng (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) vì đạt nhiều thành tích trong việc vận động xã hội hóa giáo dục, góp phần xây dựng trường khang trang, sạch đẹp. Ảnh: H.Dung
Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang trao tặng giấy khen cho ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh Trường tiểu học Nguyễn Huệ, THCS Lý Tự Trọng (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) vì đạt nhiều thành tích trong việc vận động xã hội hóa giáo dục, góp phần xây dựng trường khang trang, sạch đẹp. Ảnh: H.Dung

Qua đó cho thấy ngày càng có nhiều đơn vị, tổ chức quan tâm, chung tay góp sức cùng ngành GD-ĐT thực hiện nhiệm vụ trồng người. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành GD-ĐT Đồng Nai trong năm học mới.

* TRƯỜNG HỌC TRONG MƠ

Trường mẫu giáo Dona Standard được Tập đoàn Phong Thái đầu tư xây dựng trên địa bàn xã Xuân Hiệp với khuôn viên 2,4 hécta. Trường có 32 phòng học khang trang với tổng mức đầu tư 3 triệu USD. Đây là ngôi trường mẫu giáo thứ 2 sau Trường mẫu giáo Đông Phương (huyện Trảng Bom) do Tập đoàn Phong Thái đầu tư đi vào hoạt động.

Đối tượng được thụ hưởng công trình phúc lợi này là con của công nhân đang làm việc tại Công ty Dona Standard (Khu công nghiệp Xuân Lộc) có độ tuổi từ 3-5 tuổi. Điều đặc biệt của Trường mẫu giáo Dona Standard so với các trường mầm non, mẫu giáo khác là phụ huynh không phải đóng tiền học phí, chỉ phải đóng tiền ăn uống cho trẻ với mức 430 ngàn đồng/trẻ/tháng để các cháu ăn bữa sáng, trưa, lỡ và chiều. Tại đây, trẻ được công ty hỗ trợ các khoản bảo hiểm, được các cô giáo trông giữ từ 6 giờ 30 đến 18 giờ để cha mẹ trẻ yên tâm công tác.

Cô Lê Thị Bảo, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Hiện tại nhà trường có gần 400 trẻ. Từ nay đến tháng 12, trường sẽ nhận thêm hơn 200 trẻ để đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh. Từ khi trường đi vào hoạt động, phụ huynh rất vui mừng và an tâm gửi con ở đây. Số lượng hồ sơ xin nhập học cho con của công nhân ngày càng nhiều”.

Cũng theo cô Bảo, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường hiện có 59 người. Những giáo viên được tuyển vào trường yêu cầu phải có chuyên ngành sư phạm mầm non, ưu tiên có trình độ từ cao đẳng trở lên. Mức lương cơ bản của mỗi giáo viên là 6,8 triệu đồng/tháng. Đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường thường xuyên tham gia các hoạt động tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ do Phòng GD-ĐT huyện Xuân Lộc tổ chức.

Trường mầm non Dona Standard đi vào hoạt động nối dài thêm danh sách trường mầm non cho con công nhân trên địa bàn tỉnh sau các trường: Những bông hoa nhỏ, Taekwang
(TP.Biên Hòa); Thành Nghĩa (huyện Long Thành); Hiệp Phước, Nhân Nghĩa (huyện Nhơn Trạch)…

* CÔNG KHAI, MINH BẠCH CÁC KHOẢN XÃ HỘI HÓA

Toàn tỉnh hiện có 92 trường ngoài công lập ở tất cả các cấp học, trong đó cấp mầm non có hơn 60 trường. TP.Biên Hòa là địa phương có nhiều trường ngoài công lập nhất. Đa số các trường ngoài công lập đều được đầu tư kinh phí lớn với cơ sở vật chất khang trang. Nhiều trường có hồ bơi, sân tập thể dục - thể thao, phòng học năng khiếu cho học sinh. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, sự vào cuộc của các trường ngoài công lập đã góp phần cùng ngành giáo dục giải quyết được bài toán về chỗ học cho một số lượng lớn học sinh, trẻ mầm non trên địa bàn.

Trước hạn chế về tình hình cơ sở vật chất ở các trường học trên địa bàn TP.Biên Hòa, ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, cho biết năm học 2016-2017, thành phố sẽ đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. UBND thành phố đề nghị Phòng GD-ĐT lấy ý kiến của các trường học, sau đó tổng hợp đề xuất UBND thành phố cho chủ trương về việc xã hội hóa từ bàn ghế, nhà vệ sinh trong trường học đến các nội dung khác.  Qua đó, vận động phụ huynh cùng chung tay xã hội hóa giáo dục trên tinh thần công khai, rõ ràng, minh bạch. “Về vấn đề xã hội hóa hồ bơi, trường nào có điều kiện thì làm, nếu trường không có điều kiện thì phường, xã phải làm. Đề nghị Phòng GD-ĐT khảo sát cụ thể điều kiện thực hiện ở các trường. Lãnh đạo thành phố sẽ có trách nhiệm cùng Phòng GD-ĐT kêu gọi xã hội hóa từ các doanh nghiệp đối với lĩnh vực giáo dục, tạo điều kiện để các trường thực hiện tốt việc giáo dục kỹ năng, phẩm chất cho học sinh” - ông Phạm Anh Dũng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn (Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh Trường tiểu học Nguyễn Huệ và THCS Lý Tự Trọng, phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) vừa được nhận giấy khen của Sở GD-ĐT vì có nhiều thành tích trong vận động xã hội hóa giáo dục trong nhà trường, cho biết: “Trong 5 năm qua, lãnh đạo 2 nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo phường, Ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên chủ nhiệm các lớp vận động được khoảng 700 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Toàn bộ số tiền này được dùng để cải tạo cơ sở vật chất trong trường học, như: sơn sửa trường, bàn ghế, nhà vệ sinh, sân thể dục, mua sắm các thiết bị phục vụ hoạt động của nhà trường. Tất cả đều hướng tới tạo ra ngôi trường khang trang, sạch đẹp, là động lực để giáo viên, học sinh thích dạy, thích học hơn”.

Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết Sở sẽ tiến hành thực hiện đề án xã hội hóa hồ bơi trong trường học để “xóa mù” bơi cho học sinh nhằm hạn chế tình trạng đuối nước, nhất là học sinh tiểu học. Dự kiến sẽ triển khai thí điểm ở Trường tiểu học Lê Văn Tám (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa). Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục, xây dựng cảnh quan trường lớp xanh - sạch - đẹp, an toàn theo quy định. Việc huy động và sử dụng các nguồn lực xã hội đúng quy định, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng nguyên tắc.

Hạnh Dung



 

 

 

Tin xem nhiều