Báo Đồng Nai điện tử
En

Chưa vội mừng khi sốt xuất huyết giảm!

10:09, 05/09/2016

Tuy số ca sốt xuất huyết 7 tháng của năm 2016 có giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2015 nhưng qua đánh giá của Bộ Y tế, Đồng Nai vẫn là tỉnh có tỷ lệ người dân mắc bệnh sốt xuất huyết cao, đứng thứ 4 khu vực miền Nam.

Tuy số ca sốt xuất huyết 7 tháng của năm 2016 có giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2015 nhưng qua đánh giá của Bộ Y tế, Đồng Nai vẫn là tỉnh có tỷ lệ người dân mắc bệnh sốt xuất huyết cao, đứng thứ 4 khu vực miền Nam.

TS.Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh (bìa phải) kiểm tra công tác điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: Đ.Ngọc
TS.Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh (bìa phải) kiểm tra công tác điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: Đ.Ngọc

Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai Cao Trọng Ngưỡng cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng trở lại. Trong tháng 8 có 247 ca sốt xuất huyết, tuy giảm 84,6% so với cùng kỳ năm 2015 nhưng lại tăng 24% so với tháng 7 và tăng 64% so với tháng 6. Đáng chú ý là tại một số bệnh viện trong tỉnh vẫn xuất hiện một số ca sốt xuất huyết nặng.

* Thường xuyên có ca bệnh nặng

Tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, trong 7 tháng của năm 2016 đã điều trị nội trú cho hơn 1,7 ngàn ca sốt xuất huyết, trong đó có gần 200 ca sốt xuất huyết nặng, có dấu hiệu cảnh báo. Hiện nay, trung bình mỗi ngày tại khoa nhiễm tiếp nhận 5-7 ca mới, trong đó vẫn có những ca bệnh nặng có biến chứng suy gan, suy tim... Một trong những nguyên nhân là do nhiều người còn chủ quan với bệnh sốt xuất huyết, tự điều trị, đến bệnh viện trễ.

Như trường hợp bệnh nhân Dương Thế Vinh, ngụ tại xã Hóa An (TP.Biên Hòa), bị sốt cao nên đi khám bác sĩ tư nói chỉ bị sốt siêu vi nhưng uống thuốc vẫn không hạ sốt. Đến ngày sốt thứ 4, bệnh nhân mệt lả mới đến Bệnh viện đa khoa Đồng Nai khám bệnh và làm xét nghiệm thì mới biết bị sốt xuất huyết Denge nặng, suy gan cấp với tiểu cầu giảm chỉ còn 1/10, men gan cao gấp 200 lần, chảy máu mũi không cầm được. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân đang đáp ứng với thuốc điều trị, gan dần hồi phục, nhưng vẫn được theo dõi chặt chẽ phòng suy gan cấp.

Trong khi đó, tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, từ đầu năm 2016 đến nay, số ca sốt xuất huyết nhập viện có giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2015 với hơn 1 ngàn ca điều trị nội trú, nhưng đã có tới 167 trường hợp sốt xuất huyết nặng, có sốc, có biến chứng viêm não, tổn thương gan... Đặc biệt, trong tháng 8 số ca sốt xuất huyết nhập viện có xu hướng tăng, với 20 ca nặng, có sốc. Đơn cử, như trường hợp bé Nguyễn Thành Đạt, ngụ tại xã Phước Tân (TP.Biên Hòa). Sau 5 ngày sốt cao do điều trị bệnh viêm họng theo chỉ định của một bác sĩ ở phòng khám tư nhân, bé Đạt nhập viện trong tình trạng huyết áp tụt, sốc do sốt xuất huyết phải điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc nhiều ngày liền mới hồi phục dần.

 Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết sốt xuất huyết là một bệnh rất nguy hiểm cho trẻ, vì nếu không điều trị kịp thời sẽ dễ biến chứng nặng, có thể gây tử vong. Do đó, sốt xuất huyết phải được điều trị tại các cơ sở y tế được tập huấn phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết như bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. Nếu trẻ bị sốt cao liên tục 3 ngày không hạ, uống thuốc cũng không giảm sốt, kèm chấm sốt xuất huyết, chảy máu mũi, chảy máu chân răng thì phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.  

* Tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch

Mới đây, đoàn công tác của Bộ Y tế đã kiểm tra, giám sát về công tác phòng chống sốt xuất huyết tại Đồng Nai. TS.Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, trưởng đoàn kiểm tra đã đánh giá cao nỗ lực của ngành y tế cũng như chính quyền các cấp của tỉnh trong  phòng chống sốt xuất huyết. Tuy nhiên, đoàn cũng lưu ý tuy số ca mắc sốt xuất huyết giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2015, nhưng số ca mắc sốt xuất huyết vẫn còn ở mức cao. Đồng Nai hiện vẫn còn những thách thức khiến dịch dễ bùng phát là: dân số đông, di biến động dân cư lớn, nhiều khu công nghiệp, trên địa bàn còn nhiều khu nhà trọ ẩm thấp, các vật chứa phế thải linh tinh còn khá nhiều nên vẫn còn là nơi sinh sản của muỗi gây bệnh.

  Cộng tác viên y tế phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) đổ nước trong vỏ bánh xe cũ để trong nhà dân phòng ngừa muỗi phát sinh.
Cộng tác viên y tế phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) đổ nước trong vỏ bánh xe cũ để trong nhà dân phòng ngừa muỗi phát sinh.

Một vấn đề đoàn đặt ra là bên cạnh kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trong cộng đồng, còn cần triển khai công tác này ở các khu công nghiệp, vì trong các nhà máy ở khu công nghiệp vẫn còn nhiều vật dụng có chứa nước là nơi sinh sản của muỗi gây bệnh. Nếu có ổ dịch trong khu công nghiệp thì số người mắc bệnh sẽ rất đông. Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai Cao Trọng Ngưỡng cho hay việc kiểm tra, giám sát phòng chống sốt xuất huyết ở các khu công nghiệp cũng có nhưng rất ít vì hiện nay vào các nhà máy trong khu công nghiệp rất khó. Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai để đẩy mạnh công tác này.

Bên cạnh đó, đoàn công tác Bộ Y tế cũng đề nghị ngành y tế tiến hành đánh giá trước và sau khi triển khai phun hóa chất, diệt lăng quăng diện rộng để thấy được hiệu quả của công tác phòng chống sốt xuất huyết. Về công tác điều trị, Sở Y tế cần ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở y tế tư nhân để cảnh báo, phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết nặng, sớm chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế đã được tập huấn về phác đồ điều trị sốt xuất huyết để điều trị kịp thời.

Diệt lăng quăng còn chưa triệt để

Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai Cao Trọng Ngưỡng cho biết kết quả chiến dịch diệt lăng quăng, phòng chống sốt xuất huyết vòng 3 diễn ra từ ngày 25 đến 28-8, cho thấy các địa phương đã chỉ đạo khá quyết liệt. Tuy nhiên, một số hộ dân dù đã được cộng tác viên y tế hướng dẫn cách diệt lăng quăng rồi nhưng vẫn chưa làm triệt để. Người dân đã có ý thức súc rửa dụng cụ chứa nước thường xuyên, nhưng còn chưa để ý đến những vũng nước mưa đọng lại trong vườn, các vật phế thải như: chai, lọ, vỏ nhựa, vỏ xe... vẫn còn xung quanh nhà là những nơi muỗi sốt xuất huyết sinh sản. Hiện nay, vẫn còn đang mùa mưa, nhất là số ca nhiễm virus Zika đang phát triển rất nhanh ở một số nước Đông Nam Á. do đó, người dân vẫn phải chủ động tích cực diệt lăng quăng và chống muỗi đốt để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika đều do muỗi vằn Aedes aegypti là thủ phạm gây ra.

Đặng Ngọc

Tin xem nhiều