Báo Đồng Nai điện tử
En

"Thời" của lao động kỹ thuật

11:04, 27/04/2016

Thị trường lao động hiện nay so với thời điểm đầu năm đã "hạ nhiệt", tuy nhiên lao động ngành kỹ thuật vẫn tiếp tục thiếu, nhất là những nghề như: cơ khí chế tạo, bảo trì máy công nghiệp, kỹ thuật điện tử…

Thị trường lao động hiện nay so với thời điểm đầu năm đã “hạ nhiệt”, tuy nhiên lao động ngành kỹ thuật vẫn tiếp tục thiếu, nhất là những nghề như: cơ khí chế tạo, bảo trì máy công nghiệp, kỹ thuật điện tử… 

Doanh nghiệp tuyển dụng lao động kỹ thuật tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai.  Ảnh: C.NGHĨA
Doanh nghiệp tuyển dụng lao động kỹ thuật tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai. Ảnh: C.NGHĨA

Theo ông Lâm Thanh Thu, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai, lao động có trình độ ngành kỹ thuật sẽ còn thiếu nhiều cả về số lượng lẫn chất lượng do nguồn cung thấp. Trong khi đó, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất công nghiệp hỗ trợ xuất hiện ngày càng nhiều.

* Tuyển nhiều, nhưng vẫn thiếu

Tại phiên giao dịch việc làm lần thứ 106 của Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai (ngày 25-4), Công ty TNHH Nankai Kinzoku Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3) mang tới gần 40 cơ hội việc làm cho lao động các ngành cơ khí chế tạo, bảo trì máy phay bào, thợ điện công nghiệp. Đại diện của công ty cho biết, công ty đang gấp rút tuyển số lao động trên cho việc mở rộng giai đoạn 2 của nhà máy sau 3 năm khánh thành giai đoạn. Tuy không tiết lộ về mức lương cụ thể, nhưng đại diện công ty khẳng định sẽ “hấp dẫn” người tìm việc bởi chế độ tiền lương môi trường làm việc tốt, nhiều cơ hội nâng cao tay nghề vì máy móc phục vụ sản xuất thuộc loại hiện đại của Nhật Bản và châu Âu.

Công ty TNHH Bosch Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành) ngoài tự tuyển sinh và đào tạo mới những lao động ngành kỹ thuật cơ khí chế tạo tại nhà máy của mình, hàng tháng còn cử cán bộ tới Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai để tuyển dụng những người đã qua đào tạo vào làm việc ngay. Chị  Phạm Thị Bích Trâm, cán bộ tuyển dụng của Bosch Việt Nam, cho biết: “Lao động kỹ thuật có tay nghề gần như lúc nào cũng thiếu, chính vì thế tháng nào chúng tôi cũng đến Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tuyển dụng 1-2 buổi. Bên cạnh đó, chúng tôi còn phải quảng bá thông qua các kênh truyền thông để tìm lao động kỹ thuật”.

Doanh nghiệp tuyển dụng lao động kỹ thuật không đòi hỏi người lao động nhất thiết phải có bằng đại học, mà chủ yếu là kỹ năng làm việc thực tế. Một cán bộ nhân sự Công ty TNHH Daeyeong Vina (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) gần 1 tháng nay đã đăng tuyển 5 nhân viên kỹ thuật trình độ từ trung cấp trở lên ở  vị trí nhân viên thiết kế khuôn mẫu sản phẩm, đứng máy dập khuôn, vận hành máy gia công, kiểm tra chi tiết sản phẩm, nhưng tới nay vẫn chưa tuyển đủ. Đại diện công ty này còn cho biết thêm, sẽ thỏa thuận chế độ thu nhập tốt nhất cho người lao động nếu ứng viên đáp ứng được yêu cầu tay nghề công ty đưa ra.

* Kết nối lao động kỹ thuật

Việc thiếu hụt lao động kỹ thuật có tay nghề chưa có hồi kết do nhiều nguyên nhân, bởi người chọn học ngành kỹ thuật chưa nhiều, trong khi đó chất lượng đào tạo cũng là một vấn đề lớn. Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin lao động TP.Hồ Chí Minh, việc các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ “đổ bộ” ngày càng nhiều vào Việt Nam, nhất là khu vực Đông Nam bộ, trong đó có Đồng Nai sẽ càng đòi hỏi nhiều cả về số lượng lẫn chất lượng tay nghề lao động kỹ thuật. Trên thị trường lao động kỹ thuật trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là 4 địa phương gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.Hồ Chí Minh cũng đang cạnh tranh với nhau về chế độ thu hút lao động kỹ thuật có trình độ.

Giám đốc  Sở Lao động - thương binh và xã hội Huỳnh Văn Tịnh cho rằng Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) đã hình thành, lao động các nước trong AEC sẽ tự do di chuyển làm việc ở các nước, trong đó có Việt Nam, nhất là lao động kỹ thuật. Lao động Việt Nam chắc chắn sẽ bị cạnh tranh với các nước có trình độ cao hơn. Chính vì thế người lao động cần chủ động học nghề theo nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, các cơ sở trong quá trình đào tạo cần nâng cao khả năng làm việc thực tế, hỗ trợ người lao động cạnh tranh được trên sân nhà.

Còn TS. Nguyễn Vũ Quỳnh, Trưởng khoa Cơ điện - điện tử của Trường đại học Lạc Hồng, nhận định thực tế thị trường lao động đang mở ra rất nhiều cơ hội cho sinh viên các ngành kỹ thuật so với một số ngành khác. Tuy nhiên, để tăng tính kết nối hơn cho sinh viên với doanh nghiệp thì bản thân nhà trường phải gia tăng giá trị cho sinh viên bằng nhiều giải pháp. Cụ thể là cập nhật đào tạo sinh viên bằng các chương trình mới, tăng khả năng thực hành trong quá trình đào tạo.

Trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động - thương binh và xã hội Mao Quốc Trung cho biết, nhằm giải bài toán thiếu lao động kỹ thuật có tay nghề, tỉnh đã và đang hỗ trợ các trường về nhiều cơ chế chính sách, trong đó có việc đầu tư thêm máy móc thiết bị phục vụ đào tạo nghề, hỗ trợ đào tạo nâng cao giảng viên trình độ sư phạm quốc tế. Tuy nhiên, để thu hút ngày càng nhiều người chọn học nghề, các trường ngoài đầu tư về nhân lực giảng dạy, cơ sở vật chất thì cần liên kết tốt với doanh nghiệp đào tạo ra những lao động kỹ thuật thực sự có chất lượng. Từ đó, người lao động mới có chỗ đứng, được đãi ngộ xứng đáng, nhất là trong thời điểm thị trường lao động trong khu vực Đông Nam Á bắt đầu bước vào thời kỳ cạnh tranh gay gắt về việc làm.

Công Nghĩa

 
 

 

Tin xem nhiều