Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngỡ ngàng người đến từ phương xa

10:12, 09/12/2018

Những người bạn từ miền Bắc, miền Trung vô Đồng Nai, đi lên chiến khu Đ, đến Vườn quốc gia Cát Tiên, thăm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đều chung một cảm giác ngỡ ngàng: Ngỡ Đồng Nai là gắn với công nghiệp và dịch vụ, đâu biết lại có cả những cánh rừng nguyên sinh như trong mơ và bạt ngàn đến thế.

Những người bạn từ miền Bắc, miền Trung vô Đồng Nai, đi lên chiến khu Đ, đến Vườn quốc gia Cát Tiên, thăm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đều chung một cảm giác ngỡ ngàng: Ngỡ Đồng Nai là gắn với công nghiệp và dịch vụ, đâu biết lại có cả những cánh rừng nguyên sinh như trong mơ và bạt ngàn đến thế. Là người Đồng Nai, tôi hiểu bởi 320 năm nay, các thế hệ luôn trân trọng giữ gìn và duy trì độ che phủ, duy trì lá phổi xanh của mình ở tỷ lệ 29,7% so với tổng diện tích và là tỷ lệ cao nhất trong khu vực miền Đông!

Cầu An Hảo rút ngắn thời gian lưu thông ra vào trung tâm TP.Biên Hòa với quốc lộ 1, quốc lộ 51, quốc lộ 1K, đồng thời đánh thức tiềm năng phát triển khu vực cù lao xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa).
Cầu An Hảo rút ngắn thời gian lưu thông ra vào trung tâm TP.Biên Hòa với quốc lộ 1, quốc lộ 51, quốc lộ 1K, đồng thời đánh thức tiềm năng phát triển khu vực cù lao xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa).

Ngay cả người từ Xứ đạo hay cư dân Cố đô, đến với Đồng Nai quê tôi cũng phải kinh ngạc về sự hiện diện nối tiếp nhau của các cơ sở thờ tự tôn giáo, tín ngưỡng. Có lẽ bạn sẽ thật khó để hình dung bởi điển hình một xã có đến 58 cơ sở tôn giáo hoạt động, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo và tín ngưỡng. Hay như xã cù lao nhỏ bé hình thành từ ngày đầu mở cõi mang tên Hiệp Hòa cũng có đến 11 ngôi chùa và 7 ngôi đình. Để Đạo và Đời cùng hòa chung, cùng chăm sóc đời sống tinh thần và tâm linh, cùng nhau xây dựng quê hương văn hóa.

Bạn đến từ phương xa, có thể bạn sẽ thú vị về thông tin này: sông Đồng Nai thật đặc biệt bởi là con sông nội địa dài nhất Việt Nam, lớn thứ nhì Nam bộ. Và bắc qua sông, có nhiều cây cầu đôi song song. Bởi Biên Hòa, Đồng Nai, mảnh đất của những cây cầu mà sự lưu thông trên đó quyết định sống còn đến tuyến giao thông huyết mạch Bắc - Nam. Mang ý nghĩa của sự kết nối, chỉ với một đoạn chảy qua địa bàn Đồng Nai có đến 10 cây cầu đã hoàn thành: cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát là 2 “con rồng thép”. Cầu Đồng Nai, cầu Hóa An và cầu La Ngà là 3 dải lụa trắng mượt mà, mỗi dải gồm hai vạt vắt song song qua sông như để tôn vinh cái đẹp và sự phát triển, hiện đại. Cầu Long Thành như một mũi tên đang bay, gặp dòng Đồng Nai vội phóng vút lên cao rồi chuyển tầm, tạo thành một đường bay dài, thẳng tắp. Cầu Hiệp Hòa như một chàng trai mới lớn, dẫu không cao lớn nhưng khỏe khoắn và vững chãi bởi những tiết tấu bằng thép phù hợp với không gian. Cầu An Hảo, cầu Bửu Hòa như hai cánh tay mạnh mẽ vươn ra để kéo cù lao về hợp phố. Đó là chưa kể những cây cầu vượt, hầm chui ở nhiều nơi. Những cây cầu, xa xưa hình thành từ những khúc sông để tiện giao thương buôn bán như một logic của cuộc sống và ngày nay vẫn khẳng định vị trí quan trọng đặc biệt của nó trong phát triển và hội nhập.

Còn nói về con người Đồng Nai, tôi muốn nói đến chuyện học, hơn 20 năm trước, muốn học đại học phải về TP.Hồ Chí Minh. Và năm nào, ở trường đại học nào cũng vậy, “cánh Đồng Nai” luôn được đánh giá đã “chất” lại “đông đảo” và ít khi “mang tai mang tiếng”. Và vui hơn khi truyền thống ấy, đến bây giờ chưa bao giờ là đứt đoạn. Tôi đã từng không lý giải được hiện tượng này bởi người Đồng Nai, sinh viên Đồng Nai cũng là người tứ xứ từ 34 dân tộc thuộc 63 tỉnh, thành. Sau, lên Văn miếu Trấn Biên, cảm nhận được một phần câu trả lời của sự khó hiểu của mình, bởi trên mảnh đất này, việc học được coi trọng ngay từ ngày mở cõi.

Tôi là người Đồng Nai, vui và tự hào về quê hương mình, nơi đi đầu và về đích sớm nhất cả nước trong xây dựng nông thôn mới. Diện mạo và đời sống người dân ở nông thôn Đồng Nai hôm nay đã thực sự đổi thay. Các xóm, ấp bây giờ, ra ngõ là gặp ông chủ trang trại, thu mua hay gặp vua bắp, tiêu, sầu riêng, mít... Tôi vẫn thường đùa với bạn mình ở các vùng miền đâu đó, chẳng nên làm mất lòng người Đồng Nai; lỡ một ngày giận dỗi, Đồng Nai chậm cung cấp hàng hóa, tôi tin rằng dù ở nơi gần hay nơi xa bạn sẽ thấy hệ quả tức thì bởi nông nghiệp Đồng Nai với tổng đàn và những vườn cây trái ngút mắt đủ sức tác động mạnh lên cả thị trường rộng lớn phía Nam.

Đồng Nai quê tôi luôn dang rộng vòng tay, cưu mang và ưu ái cùng tất cả. Không phân biệt người Bắc hay Trung vô, người miền Tây đến, người Bình Dương, Sài Gòn qua hay người bản địa, ai có ý chí, khát vọng, người ấy trưởng thành, kể cả trong phát triển kinh tế, nghiên cứu khoa học hay trong bộ máy quản lý hành chính. Bởi thế, tôi đã bao lần nghe tiếng xuýt xoa, trầm trồ và ao ước của người đến từ phương xa về không khí và môi trường làm việc trên quê hương mình.

Để tôi, để bạn dẫu có gắn bó lâu đời hay chỉ ghé qua đều có quyền được tự hào và yêu hơn mảnh đất thân thương với hai tiếng gọi Đồng Nai.

Khôi Nguyên

Tin xem nhiều