Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển kỹ thuật cao trong y khoa

02:01, 20/01/2022

Song song với việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, các bệnh viện trong tỉnh đã mạnh dạn triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao để điều trị thành công nhiều ca bệnh khó, nguy hiểm.

[links()]Song song với việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, các bệnh viện trong tỉnh đã mạnh dạn triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao để điều trị thành công nhiều ca bệnh khó, nguy hiểm.

Một ca phẫu thuật chuyển giao kỹ thuật tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: H.Dung
Một ca phẫu thuật chuyển giao kỹ thuật tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: H.Dung

Việc này đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên, giảm chi phí, thời gian điều trị, chờ đợi. Chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện nhờ đó cũng được nâng lên.

* Tiếp nhận nhiều kỹ thuật mới về nhi khoa

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã tiếp nhận kỹ thuật mới trong điều trị chấn thương chỉnh hình nhi, được chuyển giao từ TS-BS CKII Phan Đức Minh Mẫn, Trưởng khoa Nhi, chỉnh hình nhi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM. Ngay sau khi tiếp nhận, các chuyên gia và các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã thực hiện thành công ca phẫu thuật trật khớp háng bẩm sinh cho bệnh nhi H.N.M.A., 23 tháng tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa.

Anh Hoàng Bình Minh, cha bé M.A. cho biết, từ khi bé bắt đầu tập đi đã có dấu hiệu chân bị khập khiễng một bên cao, một bên thấp. Gia đình rất muốn đưa bé đi kiểm tra sớm để điều trị nhưng do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên đến cuối tháng 10-2021, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, gia đình mới đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để kiểm tra. Rất may mắn, khi gia đình đưa con đến bệnh viện, các bác sĩ đã thăm khám rất kỹ lưỡng, chẩn đoán bé bị trật khớp háng bên phải khá nặng và chỉ định thực hiện phẫu thuật sớm.

Theo TS-BS CKII Phan Đức Minh Mẫn, chấn thương chỉnh hình nhi gồm nhiều vấn đề như: dị tật bẩm sinh, chấn thương trẻ em, những bệnh lý về cơ, xương khớp. Đây là chuyên ngành sâu, phức tạp, đòi hỏi bệnh viện phải có đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn tốt, cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc đầy đủ, phù hợp. Việc chỉnh dị dạng bẩm sinh cho bệnh nhi khá khó. Trung bình mỗi cuộc mổ rất dài, khoảng 3 giờ. Do cuộc mổ lớn nên bệnh nhân mất máu nhiều, nguy cơ nhiễm trùng cao, đòi hỏi phải theo dõi sát sau cuộc mổ để đánh giá diễn tiến sau mổ và xử trí kịp thời cũng như tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân.

“Trước khi thực hiện ca mổ, các bác sĩ tư vấn cho gia đình tôi rất kỹ. Sau ca mổ, bác sĩ hướng dẫn tận tình cách chăm sóc bé. Gia đình tôi sẽ cố gắng tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ để con gái sau này có thể đi lại bình thường như những trẻ khác” - anh Hoàng Bình Minh nói.

Trước đó, dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã lần đầu tiên triển khai kỹ thuật đặt dẫn lưu dịch não tủy đường thắt lưng để cứu chữa cho bệnh nhân nam 16 tuổi bị tai nạn giao thông nghiêm trọng.

BS Nguyễn Văn Toàn, Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, người trực tiếp tiếp nhận kỹ thuật này cho biết, bệnh nhân bị một vết thương lõm sọ, phù trán, vết thương đâm vào nhu mô não, rách màng cứng ở vùng trán và sàn sọ, nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu, đặt nội khí quản, truyền dịch, giảm đau, hội chẩn phẫu thuật. Đến khi vào phòng mổ, bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu, không có cảm giác, rỉ dịch não tủy ra đường tai. Các bác sĩ đã tiến hành làm sạch vết thương, khâu vá màng cứng và lấy máu tụ. Sau phẫu thuật 4 ngày, bệnh nhân có cải thiện về tri giác nhưng vẫn còn rỉ dịch não tủy ra đường tai, vẫn phải thở máy và sử dụng thuốc an thần.

Bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai kiểm tra sức khỏe cho cụ ông N.C. trước khi cụ được xuất viện
Bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai kiểm tra sức khỏe cho cụ ông N.C. trước khi cụ được xuất viện

Đây là bệnh lý rất hiếm gặp ở bệnh nhân nhỏ tuổi. Để xử lý tình trạng này, bệnh nhân cần phải được can thiệp đặt dẫn lưu não tủy đường thắt lưng. Tuy nhiên, đây là kỹ thuật cao, thủ thuật đặt dẫn lưu đường thắt lưng khá khó, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chưa thực hiện lần nào. Do đó, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã hội chẩn với ThS-BS Đặng Đỗ Thanh Cần, Trưởng khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 2 để xử lý trường hợp này.

ThS-BS Thanh Cần sau đó đã đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để chuyển giao kỹ thuật này cho các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Các bác sĩ đã dùng một cây kim sắt làm đường dẫn đưa ống nhựa rất nhỏ vào khoang dưới màng cứng đoạn thắt lưng của bệnh nhân để dẫn lưu dịch não tủy ra ngoài.

ThS-BS Thanh Cần cho biết, kỹ thuật này thực hiện ở trẻ em khó hơn nhiều so với người lớn vì cơ thể trẻ nhỏ, việc đưa cây kim và ống dẫn vào bên trong thắt lưng rất khó khăn. Cây kim cũng dễ bị chạm vào các cấu trúc mô mềm bên trong gây chảy máu. Khi chảy máu ở bên trong thì ống dẫn lưu dễ bị tắc. Do đó, để có thể thực hiện kỹ thuật này cần phải có bác sĩ chuyên khoa về ngoại thần kinh nhi, phải có một bộ dẫn lưu thắt lưng gồm: 1 bộ chứa dịch để đưa dịch ra bên ngoài, 1 bộ dụng cụ kim để chọc dò vào tủy sống, 1 sợi dây dẫn lưu để nối với bịch chứa dịch não tủy. Tất cả hệ thống này cần phải kín, đảm bảo nguyên tắc vô trùng, bởi nếu để sơ sót rất dễ xảy ra tình trạng nhiễm trùng ngược.

* Thực hiện thành công kỹ thuật đặt stent graft động mạch chủ ngực

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn cho biết, trong năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 gây ra rất nhiều khó khăn cho bệnh viện nhưng các y, bác sĩ đã nỗ lực triển khai được nhiều kỹ thuật cao, khó. Trong đó, phải kể đến 2 kỹ thuật trong điều trị bệnh lý tim mạch là can thiệp nội mạch điều trị bệnh lý động mạch chủ và bệnh lý mạch máu ngoại biên.

Đầu tháng 1-2022, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã thực hiện thành công kỹ thuật đặt stent graft động mạch chủ ngực để cứu sống cụ ông N.C., 91 tuổi, ngụ P.Xuân Tân, TP.Long Khánh.

Bệnh nhân nhập viện ngày 3-1 trong tình trạng ho ra máu lượng nhiều (khoảng 500ml), được chụp CT Scan, phát hiện bị vỡ phình động mạch chủ ngực xuống vào màng phổi gây ho ra máu. Đây là tổn thương nặng nề và nguy hiểm, thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi, bị tăng huyết áp, hút thuốc lá nhiều, có bệnh lý tim mạch kèm theo, nếu không kịp thời xử trí thì bệnh nhân sẽ tử vong. Sau khi có kết quả CT, Hội đồng tim mạch của bệnh viện đã hội chẩn khẩn và chỉ định đặt Stent graft cấp cứu vào động mạch chủ ngực để ngăn vỡ động mạch chủ ngực cho bệnh nhân.

Khó khăn nhất trong quá trình phẫu thuật là bệnh nhân có diễn biến phức tạp. Bệnh nhân ho ra máu một lượng rất lớn ngay trên bàn can thiệp, nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của TS-BS Phạm Minh Ánh, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Chợ Rẫy, Trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Vạn Hạnh (TP.HCM), sự phối hợp nhịp nhàng của ê-kíp gây mê hồi sức, các điều dưỡng, kỹ thuật viên của Khoa Tim mạch can thiệp, các bác sĩ, phẫu thuật viên của Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch đã thực hiện ca mổ thành công trong thời gian gần 1 giờ đồng hồ.

Theo BS Kiều Minh Sơn, Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bệnh nhân được gây tê tại chỗ và tiền mê nên sẽ tránh được những biến chứng của việc phải gây mê sâu toàn thân (nếu mổ hở), tránh được những yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim; không phải thở máy sẽ tránh được những nguy cơ của việc phải thở máy kéo dài như: viêm phổi, suy hô hấp sau mổ.

TS-BS Võ Tuấn Anh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, với những trường hợp như bệnh nhân C., trước đây chỉ có 1 lựa chọn duy nhất là mổ hở. Thực hiện ca mổ hở động mạch chủ ngực xuống rất nặng nề, khó khăn, nhất là những trường hợp bệnh nhân ho ra máu. Vì khi bệnh nhân ho, túi phình viêm lên, dính vào phổi, việc làm sao để gỡ phổi ra khỏi túi phình đã rất mệt mỏi. Tuy nhiên sau này, các bác sĩ có phương án mới là đặt ống ghép nội mạch động mạch chủ. Đây là cuộc cách mạng trong điều trị bệnh động mạch chủ, đặc biệt là động mạch chủ ngực xuống. Với kỹ thuật này, các bác sĩ không cần gây mê cho bệnh nhân, thực hiện ca phẫu thuật đặt ống ghép nhanh, đem lại cơ hội sống cho bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân có nguy cơ phẫu thuật cao.

Các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai sử dụng hệ thống kính vi phẫu hiện đại để thực hiện ca phẫu thuật khó
Các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai sử dụng hệ thống kính vi phẫu hiện đại để thực hiện ca phẫu thuật khó

“Đây là trường hợp bệnh nhân thứ 2 có ho ra máu và là bệnh nhân thứ 6 được đặt ống ghép nội mạch động mạch chủ thành công tại bệnh viện trong thời gian ngắn. Hiện tại, chúng tôi vẫn cần sự hỗ trợ của TS-BS Phạm Minh Ánh, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Chợ Rẫy, Trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Vạn Hạnh. Trong cuộc mổ, thầy sẽ đứng ở ngoài tham vấn, quan sát cách các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai làm xem có phù hợp hay không để điều chỉnh. Trong tương lai gần, khi hội đủ các điều kiện cần thiết, ê-kíp của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai sẽ thực hiện ca mổ độc lập” - TS-BS Võ Tuấn Anh cho biết thêm.

* Bệnh viện tư nhân nâng tầm

Song hành với sự phát triển của các bệnh viện công lập, trong năm qua, các bệnh viện tư nhân trong tỉnh cũng đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật khó, kỹ thuật cao.

Trong đó, các bác sĩ chuyên khoa Ngoại thần kinh cột sống của Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai đã lần đầu tiên ứng dụng hệ thống kính vi phẫu hiện đại để phẫu thuật một bệnh lý phức tạp hiếm gặp cho bệnh nhân L.M.S. (31 tuổi, ngụ P.Trảng Dài TP.Biên Hòa).

Bệnh nhân S. cho biết, 7 năm trước, anh bắt đầu có triệu chứng tê chân. Thời gian gần đây, cứ đứng lâu tầm 2-3 tiếng, anh S. lại bị tê chân nhiều, nhất là vào ban đêm. Cảm giác tê nóng rát từ mông phải xuống tới bàn chân dẫn đến mất ngủ, kèm theo teo cơ chân phải, trương lực cơ giảm rõ rệt, tăng phản xạ gân gối và gân gót chân phải. Sau khi đến Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai thăm khám, bác sĩ cho biết bệnh nhân mắc chứng mạng màng nhện tủy đoạn D7 - Arachnoid Web. Nếu không được phẫu thuật sớm sẽ tổn thương tủy nặng hơn và rất khó hồi phục.

Với sự hỗ trợ của hệ thống kính vi phẫu hiện đại, ThS-BS Trần Đức Duy Trí, Khoa Ngoại thần kinh cùng ê-kíp của bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ dải xơ màng nhện đoạn D7 và gỡ dính màng nhện từ D6-D8 cho bệnh nhân. Dải xơ dày chèn ép làm biến dạng tủy, màng nhện cũng dính vào các rễ thần kinh kế cận từ D6-D8. Qua hệ thống kính vi phẫu hiện đại, tổ chức xơ dính đã được bóc tách cẩn thận ở hai bên và phía trước cho đến khi tủy sống được “tự do”.

Các bác sĩ sau đó đã đóng màng cứng, cố định lại bản sống D6-D8 cho bệnh nhân. Sau hơn 5 giờ thực hiện, ca phẫu thuật thành công. Chỉ 1 ngày sau mổ, các triệu chứng chèn ép thần kinh của bệnh nhân đã giảm rõ rệt, ăn ngủ ngon và tinh thần phục hồi khá tốt.

ThS-BS Trần Đức Duy Trí cho biết, đây là trường hợp rất hiếm gặp, hiện tại chưa thấy báo cáo ca nào trong nước, còn trên thế giới chủ yếu vẫn là những báo cáo ca bệnh. Mạng màng nhện tủy là sự dày lên bất thường của các dải màng nhện tủy sống kéo băng ngang mặt lưng của tủy sống. Những mạng nhện này được xem là dạng biến thể của nang màng nhện, tàn tích của nang màng nhện bị vỡ hoặc xẹp xuống, thậm chí là sự hình thành không hoàn toàn của nang màng nhện. Bệnh thường biểu hiện mơ hồ với triệu chứng tê và yếu dần 2 chân trong thời gian dài. 6 ngày sau ca phẫu thuật, bệnh nhân S. đã được xuất viện.       

  Hạnh Dung


Phó giám đốc Sở Y tế NGUYỄN VĂN BÌNH:

Nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh

Mục tiêu của ngành Y tế Đồng Nai trong năm 2022 là triển khai thực hiện 30 giường bệnh/vạn dân. Tổng số giường nội trú là 9.620 giường, tăng 100 giường so với năm 2021. Trong đó, y tế nhà nước 7.276 giường, y tế tư nhân 2.404 giường.

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt Đề án 1816, tăng cường công tác chỉ đạo tuyến nhằm hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật của tuyến trên cho tuyến dưới. Tiếp tục thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh với các bệnh viện lớn ở TP.HCM nhằm triển khai các kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật cao tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Tăng cường đầu tư hạ tầng, thiết bị cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, sẽ chuẩn hóa hệ thống xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, tiến đến công nhận kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tăng cường ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

TS-BS CKII PHAN ĐỨC MINH MẪN, Trưởng khoa Nhi, chỉnh hình nhi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM:
Từng bước chuyển giao các kỹ thuật cao cho Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai

Các chuyên gia tuyến trên sẽ chuyển giao từng bước các kỹ thuật cao cho các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, trước hết là củng cố chấn thương, gãy xương, dị tật bẩm sinh. Những trường hợp phức tạp hơn sẽ được xử lý trong thời gian tới khi bệnh viện có cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc tốt hơn và nhân lực đáp ứng.

Việc các bệnh viện tuyến tỉnh như Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai có thể thực hiện được các kỹ thuật cao chuyên về chỉnh hình nhi sẽ đem lại nhiều lợi ích và thuận lợi cho bệnh nhi, gia đình bệnh nhi khi không phải lên các bệnh viện tuyến trên ở TP.HCM để điều trị. Mặt khác, các bệnh viện tuyến trên cũng sẽ giảm được áp lực, căng thẳng khi phải tiếp nhận số lượng bệnh nhi lớn đến từ nhiều địa phương khác nhau.

TS-BS VÕ TUẤN ANH, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai:

Thành công của một ca phẫu thuật khó là kết quả của cả tập thể

Để có thể thực hiện thành công một ca phẫu thuật khó phải kể đến sự đóng góp của cả tập thể. Đó là việc nhận định đúng diễn tiến ca bệnh của khoa cấp cứu, sự vào cuộc nhịp nhàng của các y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên các khoa: gây mê hồi sức, tim mạch can thiệp, ngoại lồng ngực - tim mạch…, sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo bệnh viện.

Hiện nay, Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã có nhiều bác sĩ thực hiện được nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong điều trị các bệnh lý về tim mạch. Điều này sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh, giúp người bệnh có cơ hội được cứu chữa kịp thời, không phải di chuyển lên các bệnh viện tuyến trên.

Chị NGUYỄN THỊ THU, con gái bệnh nhân N.C. (ngụ P.Xuân Tân, TP.Long Khánh):

Cảm ơn các y, bác sĩ đã kịp thời cứu sống cha tôi

Cha tôi bị nhiều bệnh nền như: huyết áp, tiểu đường, suy thận độ 3. Ngày 3-1, bỗng dưng cha tôi ho, máu ra rất nhiều. Sau khi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, cha tôi được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Các bác sĩ ở đây đã tư vấn cho gia đình, quyết định giữ ông ở lại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để thực hiện ca phẫu thuật. Rất may, sau phẫu thuật 2 ngày, cha tôi đã dần ổn định, gia đình rất vui mừng, không ai dám nghĩ là ông bình phục nhanh như vậy.

Gia đình tôi rất biết ơn các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, nếu phải chuyển lên TP.HCM trong thời điểm dịch bệnh hiện nay thì rất nguy hiểm, phức tạp và tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tính mạng cha tôi.

An Yên (ghi)


 

Tin xem nhiều