Báo Đồng Nai điện tử
En

Chọn hàng Việt để "ưu tiên"

09:01, 18/01/2022

Trên thực tế, kể cả khi không có những tác động xấu từ dịch bệnh Covid-19 thì trong khoảng 5 năm qua, hàng Việt Nam đã chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt từ hàng ngoại nhập.

Tháng Khuyến mãi tập trung quốc gia nhiều năm nay đã trở thành sự kiện kích cầu lớn nhất trong năm với mục tiêu kích thích người dân mua sắm và tiêu thụ hàng hóa. Trong Tháng Khuyến mãi năm 2021, hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi lên đến 100%, thay vì chỉ 50% như các chương trình bình thường khác. Riêng năm nay, các chương trình kích cầu lại mang ý nghĩa thực tế và sâu sắc hơn, bởi đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng hóa đang rất mong nhận được sự “ưu tiên” từ phía người tiêu dùng trong lựa chọn.

Trên thực tế, kể cả khi không có những tác động xấu từ dịch bệnh Covid-19 thì trong khoảng 5 năm qua, hàng Việt Nam đã chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt từ hàng ngoại nhập. Chỉ cần quan sát kỹ một kệ hàng tạp hóa bất kỳ, sẽ dễ dàng nhận ra sự “lấn sân” mạnh mẽ từ hàng Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Nhật Bản… và gần đây là hàng tiêu dùng đến từ các quốc gia châu Âu như: Đức, Pháp, Hà Lan…

Việc Chính phủ đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do trong nhiều năm qua đã mở ra rất nhiều cơ hội xuất khẩu cho hàng Việt khi hàng rào thuế quan của đa số hàng hóa ngày một giảm sâu theo các thỏa thuận giữa những quốc gia tham gia hiệp định. Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế khác là ngay tại sân nhà, hàng Việt Nam cũng đang vất vả cạnh tranh với hàng hóa ngoại nhập khi giá những mặt hàng này cũng đang ngày một rẻ hơn dưới tác động của các hiệp định thương mại tự do đã ký.

Cũng trong nhiều năm qua, hàng Việt nói chung đã nỗ lực cải tiến rất nhiều về mẫu mã, bao bì, chất lượng, giá cả và nhiều DN sản xuất hàng Việt đã vươn tầm thành những tập đoàn lớn với doanh thu hàng chục tỷ USD. Nhiều thương hiệu Việt đã trở thành “cánh chim đầu đàn” trong một số ngành hàng thiết yếu và gần như chiếm trọn lòng tin của người tiêu dùng, cạnh tranh mạnh mẽ với hàng ngoại nhập trong cùng một dòng hàng hóa.

Song nói đi cũng phải nói lại, số lượng DN và thương hiệu lớn mạnh được như trên chưa chiếm đa số. Sự thật là đa số DN sản xuất hàng hóa trong nước vẫn đang loay hoay với những vướng mắc nội tại lâu nay: quy mô chủ yếu nhỏ và siêu nhỏ, tài chính yếu, công nghệ chưa theo kịp, hệ thống phân phối chưa mạnh… Để tiếp sức phát triển hàng Việt, từ 10 năm trước, cùng với lộ trình đàm phán, ký kết các FTA, Chính phủ cũng đồng thời phát động cuộc vận động lớn “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cuộc vận động này kéo dài cho đến ngày nay và đã đạt nhiều thành công đáng kể trong việc xây dựng nhận thức ủng hộ hàng trong nước từ phía người tiêu dùng. Mặt khác, nhận thức này còn tác động mạnh mẽ đến DN sản xuất hàng Việt thông qua những chính sách ưu tiên về sản xuất, quảng bá, phân phối hàng Việt trên cơ sở “ưu tiên”.

Ở thời điểm hiện tại, khi sức ép cạnh tranh trên sân nhà mạnh mẽ hơn dưới tác động của các FTA cùng với sức ép từ dịch bệnh, hàng Việt vẫn nên là đối tượng cần được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn khi mua sắm và sâu xa hơn, nên là đối tượng ưu tiên trong xây dựng chính sách hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh.

Vi Lâm

Tin xem nhiều