Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần thông thoáng hơn trong lưu thông vật tư nông nghiệp

06:08, 29/08/2021

Vật tư, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thuộc nhóm mặt hàng thiết yếu được ưu tiên lưu thông khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Vật tư, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thuộc nhóm mặt hàng thiết yếu được ưu tiên lưu thông khi nhiều tỉnh, thành trong cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng trong thực tế, việc lưu thông vật tư, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nhiều nguyên liệu sản xuất tăng giá khiến doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp gặp khó khăn. Trong ảnh: Kho nông sản xuất khẩu của một doanh nghiệp tại H.Cẩm Mỹ
Nhiều nguyên liệu sản xuất tăng giá khiến doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp gặp khó khăn. Trong ảnh: Kho nông sản xuất khẩu của một doanh nghiệp tại H.Cẩm Mỹ. Ảnh: B.NGUYÊN

Thời gian qua, nhiều mặt hàng từ thức ăn chăn nuôi đến vật tư nông nghiệp, một số loại nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng giá, thậm chí thiếu nguồn cung càng tăng thêm gánh nặng cho nông dân, doanh nghiệp.

* Vướng mắc về quy định hàng hóa thiết yếu

Thời gian đầu thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, thức ăn gia súc, nguyên vật liệu, vật tư… phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chưa có trong danh mục hướng dẫn của Bộ Công thương và một số địa phương khi đăng ký vận chuyển. Sau khi được các Bộ: GT-VT, Công thương và NN-PTNT chung tay tháo gỡ, đây là nhóm hàng hóa thiết yếu được ưu tiên lưu thông. Tuy nhiên, thực tế hiện nhiều hàng hóa, vật tư cần thiết cho sản xuất nông nghiệp chưa có trong danh mục và việc vận chuyển khó khăn, ách tắc, gây thiệt hại lớn cho trang trại, cơ sở sản xuất.

Ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt (trụ sở ở TP.HCM, đầu tư trang trại và nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ tại H.Xuân Lộc) chia sẻ, doanh nghiệp đang “gồng mình” trước rất nhiều khó khăn để duy trì sản xuất. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ phân bón của thị trường hiện nay đang giảm mạnh vì nông sản đồng loạt giảm giá, khó tiêu thụ nên nông dân cạn vốn đầu tư; nhiều đại lý vật tư nông nghiệp cũng tạm đóng cửa do dịch bệnh nên hiện tại nguồn phân bón của doanh nghiệp sản xuất ra tiêu thụ rất chậm. Ngoài ra, chi phí vận chuyển đội lên cao, việc lưu thông qua các địa bàn gặp nhiều khó khăn nên doanh nghiệp buộc phải giảm công suất hoạt động rất nhiều so với trước.

Với tình hình này, doanh nghiệp rất cần đơn hàng nhưng khi có đơn hàng lớn lại không dám nhận vì việc duy trì dây chuyền sản xuất không hề dễ. Không chỉ khó ở khâu tiêu thụ sản phẩm mà doanh nghiệp còn luôn phập phồng lo lắng vì thiếu nguyên liệu sản xuất.

Cụ thể, một số loại vi lượng phục vụ cho sản xuất phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, trước đây đặt hàng là có thì nay cả tuần hoặc vài tuần mới có. Thời điểm này, dây chuyền sản xuất bị hư thiết bị điện hoặc linh kiện máy móc là có thể bị đình trệ sản xuất vì rất khó tìm được đại lý kinh doanh mặt hàng này. Tìm được thì việc vận chuyển về nhà máy có khi bị ách tắc vì những thiết bị này không nằm trong danh mục hàng hóa thiết yếu. Ngay cả nguyên liệu sẵn có nhất tại địa phương là nguồn phân chuồng tại các trại chăn nuôi thì chi phí đi thu gom về nhà máy sản xuất cũng đội lên rất nhiều do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tuy đã có “luồng xanh” trong lưu thông vật tư nông nghiệp nhưng thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc. Ông Nguyễn Văn Mẫn, chủ trại chăn nuôi gia cầm tại H.Cẩm Mỹ chia sẻ: “Tôi lấy ví dụ chiếc đèn khò thú y dùng để sát trùng trại nuôi gà giống là thiết bị cực kỳ quan trọng, còn thiết yếu hơn cả thức ăn chăn nuôi. Vì con gà con chậm ăn 1 ngày không sao, nhưng thiếu thiết bị này là đàn giống bị thiệt hại. Tuy nhiên, khi vận chuyển các thiết bị này qua các trạm kiểm soát dịch bệnh không dễ, thậm chí không được vận chuyển vì là hàng không thiết yếu. Nhiều thiết bị, linh kiện máy móc hoặc vật tư sử dụng cho dây chuyền sản xuất nếu thiếu là cả dây chuyền sản xuất tê liệt, thế nhưng việc vận chuyển nhóm hàng này gặp nhiều khó khăn vì không thuộc nhóm hàng thiết yếu”.

* Mỗi nơi một quy định

Ngay cả với các mặt hàng thiết yếu như: giống, thức ăn chăn nuôi và nhiều sản phẩm khác, việc vận chuyển qua các chốt kiểm soát dịch có lúc, có nơi cũng không dễ. Việc thực hiện còn cứng nhắc các quy định ở nơi này, nơi khác gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Ông Tính cho biết thêm: “Nhiều chốt kiểm soát quá cứng nhắc trong xử lý các tình huống gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nông dân”.

Cùng nỗi lo, ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (tỉnh Bình Định) có 2 cơ sở sản xuất giống trên địa bàn Đồng Nai cho biết thêm, tuy có “luồng xanh” ưu tiên nhưng việc vận chuyển vật tư nông nghiệp, nhất là con giống vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì tỉnh này có những quy định khác tỉnh kia về yêu cầu kiểm dịch, thậm chí xã này cũng khác xã kia nên tình trạng vượt được 9 trạm, xe vận chuyển ách lại ở trạm cuối cùng vẫn xảy ra. Việc chậm trễ, tốn kém thời gian xử lý làm rủi ro hao hụt, thiệt hại về con giống tăng lên càng khó cho doanh nghiệp trong cung ứng con giống đi các địa phương.

Cũng gặp những khó khăn trên, ông Nguyễn Tấn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tám Do (xã Bàu Cạn, H.Long Thành) bày tỏ mong muốn: “Doanh nghiệp không ít lần chở con giống cung cấp đi các tỉnh bị hao hụt, chết trên đường vận chuyển vì chở gần đến nơi thì chốt kiểm soát dịch ở xã đó không cho vào trại chăn nuôi, buộc xe chuyên chở phải thực hiện các quy định kiểm dịch riêng tại địa phương. Doanh nghiệp rất mong các địa phương có sự thống nhất trong các quy định phòng dịch, kiểm soát vận chuyển để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc vận chuyển, cung cấp vật tư, con giống trong sản xuất nông nghiệp, giảm bớt khó khăn, thiệt hại trong tình hình doanh nghiệp đang gồng mình gánh lỗ như hiện nay”.

* Chi phí tăng cao, lo hụt nguồn cung

Theo số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai, trong tháng 7 vừa qua, nguyên liệu đầu vào tăng nhanh, giá thức ăn gia súc gia cầm cao, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thức ăn gia súc chậm khiến kim ngạch nhập khẩu mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm gần 10% so với tháng trước. Lũy kế trong 7 tháng của năm nay, tổng sản lượng sản xuất thức ăn gia súc trên địa bàn tỉnh đạt gần 2.259 ngàn tấn, giảm hơn 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 7 tháng của năm nay, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng thuốc trừ sâu đạt hơn 1.268 tấn, giảm gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vận chuyển heo đi các nơi tiêu thụ hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, chi phí tăng cao do ảnh hưởng của  dịch Covid-19. Trong ảnh:Xe chở heo qua trạm kiểm dịch tại H.Xuân Lộc. Ảnh: Bình Nguyên
Vận chuyển heo đi các nơi tiêu thụ hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, chi phí tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong ảnh:Xe chở heo qua trạm kiểm dịch tại H.Xuân Lộc. Ảnh: Bình Nguyên

Từ đầu năm đến nay, chi phí đầu vào trong sản xuất từ thức ăn chăn nuôi đến phân bón, vật tư nông nghiệp… đều đồng loạt tăng. Trong đó có nguyên nhân chi phí vận chuyển và nhất là chi phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh đội lên quá cao. Không chỉ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn mà nông dân cũng lao đao vì chi phí đầu vào không ngừng tăng cao trong khi nông sản rớt giá, thậm chí bị ùn ứ.

Ông Vũ Đình Đàm, Giám đốc HTX Thủy sản du lịch sinh thái Làng Bè ở P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) chia sẻ, hiện giá nhiều loại cá nước ngọt đều dưới giá thành sản xuất do khó tiêu thụ. Hơn 2 tháng nay, các trại giống tại địa phương hầu như không có nguồn giống cung cấp ra thị trường vì việc lưu thông, vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, cũng có nguyên nhân hầu như không bè cá nào dám đầu tư lứa cá giống mới vì càng nuôi càng lỗ. Các bè cá hiện chỉ dám cho cá ăn cầm chừng vì giá cám tăng cao, trong khi cá đến lứa xuất bán rất khó tìm thương lái tiêu thụ vì thị trường gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Cùng nỗi lo, ông Nguyễn Đình Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Liêm (H.Vĩnh Cửu) nhận xét, gần 2 tháng nay, nhiều vùng thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất từ khâu mua bán, vận chuyển nguyên liệu, nông sản đến tổ chức sản xuất. Nhiều loại vật tư nông nghiệp, nhất là các mặt hàng thuốc, phân bón nhập khẩu rất khó mua nên giá tăng cao hơn nhiều so với trước. Nỗi lo lớn nhất của nông dân hiện nay là giá thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp không ngừng tăng, nguồn cung khan hiếm sẽ ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều