Báo Đồng Nai điện tử
En

Siết chặt công tác an toàn, vệ sinh lao động

04:06, 04/06/2021

Theo Sở LĐ-TBXH, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, trong đó có 13 trường hợp tử vong. Điều này cho thấy, nguy cơ mất an toàn lao động vẫn xảy ra và việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ chưa nghiêm ngặt.

Thời gian qua, mặc dù công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã được các cấp, các ngành, doanh nghiệp (DN) quan tâm, triển khai thực hiện với nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn nơi làm việc cho người lao động (NLĐ) song do nhiều nguyên nhân việc thiếu an toàn lao động vẫn xảy ra và số ca bị tai nạn lao động (TNLĐ) vẫn tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến tính mạng, sức khỏe lâu dài của NLĐ.

Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh và Sở LĐ-TBXH thăm, tặng quà công nhân bị tai nạn lao động. Ảnh: L.MAI
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh và Sở LĐ-TBXH thăm, tặng quà công nhân bị tai nạn lao động. Ảnh: L.MAI

Theo Sở LĐ-TBXH, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng, trong đó có 13 trường hợp tử vong trong quá trình làm việc. Điều này cho thấy, nguy cơ mất an toàn lao động vẫn xảy ra và việc thực hiện các quy định về công tác ATVSLĐ chưa nghiêm ngặt.

* Nỗi đau sau TNLĐ

Từ một người lành lặn, khỏe mạnh nhưng sau một lần bị TNLĐ đã khiến anh Nguyễn Văn Vinh, làm việc tại Công ty TNHH Shingmark Vina (H.Trảng Bom) trở nên tàn phế do bị máy cắt cánh tay trái trong quá trình làm việc, tỷ lệ thương tật 58%. “Sau TNLĐ, tôi mất nhiều thời gian để chữa trị vết thương cũng như ổn định tinh thần. Cuộc đời tôi thay đổi nhiều sau TNLĐ vì làm gì cũng thấy khó khăn. Nhưng may mắn được gia đình động viên thường xuyên và sớm quay lại với công việc nên tôi giảm đi những suy nghĩ tiêu cực. Tôi mong mọi NLĐ cần cẩn thận hơn trong quá trình làm việc, nhất là lúc điều chỉnh máy móc, không chủ quan, lơ là để bảo vệ mình” - anh Vinh nhắn nhủ.

Theo Sở LĐ-TBXH, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, lễ phát động Tháng ATVSLĐ năm 2021 phải hoãn lại để thực hiện tốt công tác phòng dịch tại địa phương. Dù vậy, với vai trò cơ quan chủ trì, Sở đã và đang tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở, thanh tra, kiểm tra các tổ chức, DN trên địa bàn tiếp tục làm tốt công tác đánh giá, kiểm soát các nguy cơ, đảm bảo ATVSLĐ và tích cực làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, nâng cao sức khỏe và năng suất lao động tại nơi làm việc.

Một năm trước, vào tháng 6-2020, anh Hồ Hoàng Giang, công nhân Công ty TNHH StarPrint (TP.Biên Hòa) bị TNLĐ phải cắt cụt 1/3 cẳng tay trái, tỷ lệ thương tật 65%. Sau những tháng ngày điều trị, anh đã được công ty tạo điều kiện đi làm trở lại, bố trí công việc phù hợp hơn. “Giai đoạn đầu bị TNLĐ, tôi cảm thấy chán nản, suy sụp tinh thần. Giờ thì tâm lý đã ổn hơn. Chuyện xảy ra cũng xảy ra rồi, giờ tôi cố gắng làm việc nuôi con” - anh Giang nói.

Gần đây nhất, trên địa bàn H.Nhơn Trạch xảy ra vụ TNLĐ khiến một nam công nhân tử vong. Nạn nhân là anh P.N.E., 35 tuổi, làm việc tại công ty chuyên sản xuất sợi lốp bánh xe và động cơ mô tô ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5. Theo đó, khoảng 2 giờ sáng 16-4, trong quá trình làm ca 3, anh E. bị cuốn vào máy làm sợi lốp ô tô. Do vết thương quá nặng, nạn nhân đã không qua khỏi.

Theo Sở LĐ-TBXH, nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNLĐ là do người sử dụng lao động chưa xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, vi phạm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động; không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện ATVSLĐ chưa đầy đủ cho NLĐ; tổ chức lao động và điều kiện lao động không đảm bảo an toàn; không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân NLĐ vi phạm quy trình, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động, không sử dụng phương tiện bảo vệ trong quá trình lao động…

* Cần nhiều giải pháp quyết liệt hơn

Đại diện Sở LĐ-TBXH cho biết, trong năm 2020, Sở đã chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật ATVSLĐ tại 49 DN và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính 17 DN. Qua thanh, kiểm tra cho thấy, ngoài một số đơn vị, DN thực hiện tốt, vẫn còn có những DN chưa thực sự quan tâm hoặc thờ ơ với công tác ATVSLĐ, đặc biệt là ở những ngành nghề mang tính chất nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.

Ngoài ra, Thanh tra Sở LĐ-TBXH đã thực hiện điều tra và công bố biên bản điều tra TNLĐ đối với các vụ TNLĐ và tai nạn giao thông liên quan đến lao động. Qua điều tra, kết luận các vụ TNLĐ, đoàn thanh tra TNLĐ tỉnh đã yêu cầu các đơn vị thực hiện các giải pháp đảm bảo ATVSLĐ để phòng tránh TNLĐ tái diễn. Đồng thời, áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các DN để xảy ra TNLĐ.

Ngay từ đầu năm 2021, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở LĐ-TBXH chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định ATVSLĐ của các DN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú ý đến hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại DN; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề; tăng cường tổ chức điều tra TNLĐ nghiêm trọng đối với NLĐ trong quá trình làm việc.

Riêng đối với vụ TNLĐ sập công trình tại Khu công nghiệp Giang Điền làm 10 người chết, 14 người bị thương năm 2020, chủ đầu tư và nhà thầu chính đã thực hiện khắc phục hậu quả. Chủ đầu tư đã tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ đối với các nạn nhân và gia đình người bị nạn với tổng số tiền 170 triệu đồng (mức hỗ trợ cụ thể 10 triệu đồng/người chết và 5 triệu đồng/người bị thương). Ngoài ra, nhà thầu chính đã bồi thường thiệt hại ban đầu và khắc phục hậu quả đối với các nạn nhân và gia đình người bị nạn với tổng số tiền trên 1,6 tỷ đồng.

Theo Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Mộng Thu, để chủ động phòng ngừa và hạn chế TNLĐ, trong thời gian tới, Sở sẽ đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt hơn như: tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ mất an toàn lao động trên địa bàn, đặc biệt là trong các lĩnh vực xây dựng, khai khoáng, hóa chất, sử dụng điện, cơ khí và làm việc trong không gian hạn chế; xử lý nghiêm các DN không khai báo, báo cáo TNLĐ.

Ở lĩnh vực xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng đã thành lập đoàn tăng cường kiểm tra các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh với sự quyết liệt hơn. Trong đó, quan tâm đến việc trang bị bảo hộ cá nhân đầy đủ cho NLĐ; tổ chức huấn luyện an toàn lao động; xây dựng kế hoạch chi tiết tổng hợp về an toàn lao động; tổ chức kiểm tra, đánh giá rủi ro tại công trường, có xây dựng biện pháp thi công an toàn. Đoàn cũng đề nghị các đơn vị thi công tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về ATVSLĐ trên công trình xây dựng, đảm bảo trang thiết bị máy móc và bảo hộ đối với NLĐ. Đồng thời, trang bị thêm các biển báo nguy hiểm tại công trình để NLĐ biết, đề phòng xảy ra TNLĐ; thường xuyên nhắc nhở NLĐ thực hiện đúng các quy định về ATVSLĐ.

Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Là thành viên trong Ban Chỉ đạo Tháng Hành động về ATVSLĐ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã triển khai nhiều văn bản đến các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên tuyền các chính sách pháp luật về ATVSLĐ cho chủ DN, cán bộ làm công tác ATVSLĐ và NLĐ. Đồng thời, tăng cường huấn luyện ATVSLĐ cho cán bộ Công đoàn, đội ngũ làm công tác ATVSLĐ và chỉ đạo Công đoàn cơ sở quan tâm chăm lo đảm bảo bữa ăn giữa ca, chăm lo sức khỏe của NLĐ để tái tạo sức lao động, tránh làm việc quá sức để xảy ra TNLĐ. Nhất là trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp này, các Công đoàn cơ sở cần phối hợp với DN quan tâm công tác ATVSLĐ, nhất là cải thiện môi trường làm việc, sức khỏe NLĐ thông qua việc thương lượng thỏa ước lao động tập thể có nội dung về chất lượng bữa ăn giữa ca và ATVSLĐ nhằm đảm bảo sức khỏe lâu dài cho NLĐ.

Tại lễ phát động Tháng ATVSLĐ năm 2021 cuối tháng 4 vừa qua, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, để các DN chấp hành tốt các quy định liên quan đến ATVSLĐ, ngoài sự sát sao trong thanh, kiểm tra, chấn chỉnh các vi phạm, các cấp, các ngành, tổ chức Công đoàn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động. Đồng thời, các mức phạt đối với những DN vi phạm cũng cần được nâng lên nhằm mang tính răn đe đối với các DN.

* Nhân rộng cách làm hiệu quả ở DN

Là một trong những DN được nhận bằng khen của UBND tỉnh về thực hiện tốt công tác ATVSLĐ năm 2020, Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) luôn chủ động xây dựng kế hoạch ATVSLĐ. Với những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, công ty có quy định cụ thể cho từng loại máy móc, lập danh sách theo dõi những lao động làm các công việc này. NLĐ được công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ, được trang bị phương tiện bảo hộ lao động phù hợp. Công ty cũng đã tổ chức huấn luyện, đào tạo và bổ sung kiến thức an toàn lao động cho các đối tượng làm ở bộ phận máy móc, nguy hiểm và độc hại.

Đoàn kiểm tra liên ngành do Thanh tra Sở Xây dựng làm trưởng đoàn kiểm tra các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh
Đoàn kiểm tra liên ngành do Thanh tra Sở Xây dựng làm trưởng đoàn kiểm tra các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh

Tại Công ty TNHH Tokin Electronics Việt Nam (TP.Biên Hòa) đã thành lập Ban ATVSLĐ để đảm bảo môi trường làm việc tốt nhất cho NLĐ, hạn chế những rủi ro trong quá trình làm việc, đảm bảo tính mạng, sức khỏe nguồn nhân lực, giúp DN ngày càng phát triển và tạo được uy tín với các đối tác. Trưởng ban ATVSLĐ công ty Phan Tới Thọ Hiệp cho biết, 2 lần/tháng, Ban ATVSLĐ đi kiểm tra toàn công ty, từ trạm điện, trạm nước, khu vực chữa cháy, căng tin, xưởng sản xuất, máy móc hoạt động… để phát hiện những nguy hiểm trong sản xuất để khắc phục và nhắc nhở NLĐ không chủ quan, trang bị bảo hộ lao động đầy đủ trong quá trình làm việc. Hằng tháng, Ban giám đốc công ty tham dự họp và đôn đốc; 3 tháng lại khen thưởng cho những an toàn vệ sinh viên tích cực trong công tác ATVSLĐ tại DN.

Trong khi đó, Công ty TNHH giày Dona Standard (H.Xuân Lộc) thường xuyên tuyên truyền cho công nhân lao động đảm bảo ATVSLĐ qua băng rôn, trình chiếu video clip tại khu vực nhà ăn trong giờ ăn, phát trên loa phát thanh. Hiện Hội đồng bảo hộ lao động của công ty có 45 người, thay phiên nhau đến từng xưởng để kiểm tra, đánh giá, khắc phục công tác ATVSLĐ. Mỗi công nhân khi mới bắt đầu vào công ty đều được huấn luyện 2 ngày về nội dung an toàn lao động. Với bộ phận vận hành máy móc, chỉ khi nào công nhân được cấp thẻ sử dụng, vận hành máy thì mới được vận hành máy…   

Lan Mai


Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Mộng Thu:

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ

Để các DN, cơ sở sản xuất thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, Sở LĐ-TBXH sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác ATVSLĐ nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động và NLĐ trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh; phòng ngừa, hạn chế những nguy cơ gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng và TNLĐ chết người xảy ra. Đồng thời, tăng cường kiểm tra về công tác ATVSLĐ tại DN, cơ sở sản xuất nhằm cải thiện điều kiện lao động để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm, công khai trên các phương tiện truyền thông các vi phạm của DN.

Cùng với đó, xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn và phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp tại các DN trên địa bàn tỉnh nhằm xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc.

Ông Lê Đức Thụy, Chủ tịch LĐLĐ H.Trảng Bom:

Cần thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về ATVSLĐ

Việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ tại các DN, cơ sở sản xuất rất quan trọng, nhằm xây dựng môi trường làm việc an toàn, bảo vệ tính mạng, sức khỏe NLĐ và ổn định sản xuất. Vì vậy, các DN cần kịp thời sắp xếp quy trình sản xuất, bảo trì máy móc, thiết bị, trang bị bảo hộ lao động đầy đủ nhằm hạn chế các vụ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp đáng tiếc xảy ra.

Đồng hành cùng NLĐ, các cấp Công đoàn huyện thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, tham mưu Công đoàn cấp trên tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào xanh - sạch - đẹp và làm tốt công tác ATVSLĐ để nhân rộng những cách làm hay đến các đơn vị khác.

Ông Phan Tới Thọ Hiệp, Trưởng ban ATVSLĐ Công ty TNHH Tokin Electronics Việt Nam:

Tạo môi trường làm việc an toàn cho NLĐ

Môi trường làm việc đảm bảo an toàn luôn là điều mà nhiều NLĐ quan tâm khi làm việc tại các DN. Vì vậy, các DN cần phải đặt công tác ATVSLĐ lên hàng đầu, xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên và cải thiện môi trường làm việc an toàn cho công nhân lao động. Bởi, NLĐ chính là tài sản quý giá nhất của DN, nhất là trong bối cảnh khan hiếm lao động hiện nay.

Cả DN và NLĐ đều hiểu rõ, một khi để xảy ra TNLĐ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tinh thần của NLĐ, cũng như uy tín của DN. Chính vì vậy, những năm qua, đội ngũ an toàn vệ sinh viên trong công ty luôn chú trọng kiểm tra máy móc thiết bị nơi làm việc và tổng hợp ý kiến về những mối nguy hại trong sản xuất để khắc phục, đảm bảo an toàn cho NLĐ tại khu vực làm việc.

Công nhân Ngô Văn Thủy, làm việc tại Công ty CP Phân bón Việt Nhật (H.Long Thành):

NLĐ cần nâng cao ý thức về công tác an toàn lao động

Bản thân từng bị TNLĐ nên hơn ai hết, tôi hiểu được những khó khăn để vượt qua nỗi đau rất lớn này. Vì vậy, tôi mong NLĐ trong quá trình làm việc không nên cẩu thả, thờ ơ và xem nhẹ sự an toàn của bản thân; cần thực hiện tốt nội quy lao động tại công ty, kiểm tra máy móc thiết bị trước khi vận hành, trang bị bảo hộ lao động đầy đủ để làm việc an toàn hơn. Đừng để sự cố TNLĐ xảy ra ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.

Thảo My (ghi)


 

Tin xem nhiều