Báo Đồng Nai điện tử
En

Để quy hoạch không cản trở phát triển

08:08, 03/08/2020

Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cho nhiều tỉnh, thành, trong đó có Đồng Nai.

Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cho nhiều tỉnh, thành, trong đó có Đồng Nai. Mục đích lập quy hoạch tỉnh là nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn (nguồn: trang web Chính phủ).

Xây dựng quy hoạch từng địa phương rồi tiến đến tích hợp với một số quy hoạch quan trọng khác, kết nối với quy hoạch cấp vùng, cấp quốc gia thành một quy hoạch tổng thể chung cho quốc gia là định hướng mà Chính phủ vạch ra. Mặc dù vậy, đây được xem là nhiệm vụ không dễ dàng khi nguyên tắc là quy hoạch nhằm để mọi thứ minh bạch, rõ ràng, vào khuôn khổ, nhưng lại không được cứng nhắc, thiếu linh hoạt, không được “ngáng đường” và làm chậm nhịp phát triển của các địa phương, của vùng và của cả quốc gia.

Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, dù có rất nhiều nỗ lực, song không thể phủ nhận công tác xây dựng và thực thi các loại quy hoạch chưa thực sự suôn sẻ. Sự tồn tại nhiều loại quy hoạch ngành song song với các quy hoạch khác về đất đai, xây dựng, giao thông… nhiều khi dẫn đến sự lệch pha, chồng chéo. Không ít doanh nghiệp khi đầu tư dự án phải tốn rất nhiều thời gian, công sức để xin “điều chỉnh tới, điều chỉnh lui” các loại quy hoạch cho trùng khớp nhau rồi mới có thể bắt tay vào thực hiện dự án. Sự cứng nhắc khi xây dựng quy hoạch, sự thiếu kịp thời và chưa linh hoạt trong cập nhật, bổ sung các loại quy hoạch khi bối cảnh kinh tế - xã hội đổi thay, không những “bó chân” doanh nghiệp mà còn “ngáng đường” và làm chậm nhịp phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Bởi, để xin thay đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh một chi tiết nào đó trên các bản quy hoạch, doanh nghiệp và các địa phương phải chờ hàng tháng, thậm chí hàng năm trời.

Thấy được thực trạng trên, việc nỗ lực xây dựng quy hoạch tỉnh - vùng - quốc gia thành một chỉnh thể thống nhất, không chồng chéo, không “ngáng đường” phát triển của bất cứ địa phương hay vùng kinh tế nào xét trên tổng thể quốc gia là điều rất cần thiết.

Chính phủ cũng chỉ đạo rõ, các địa phương trong quá trình lập quy hoạch phải loại bỏ các quy hoạch chồng chéo ảnh hưởng đến đầu tư phát triển. Đồng thời, xây dựng kịch bản phát triển, ý tưởng và phương án tổng thể, sắp xếp, bố trí hợp lý không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả ba trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường, đặc biệt là trong thời hội nhập.

Vi Lâm

 

 

Tin xem nhiều