Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải pháp kéo giảm giá thịt heo?

03:05, 07/05/2020

Dù các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kéo giảm giá thịt heo nhưng thời gian qua, giá heo hơi luôn đứng ở mức cao. Giá heo hơi nhiều nơi hiện ở mức trên 90 ngàn đồng/kg...

Dù các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kéo giảm giá thịt heo nhưng thời gian qua, giá heo hơi luôn đứng ở mức cao. Hiện tại nhiều tỉnh, thành, giá heo hơi vẫn đang ở mức trên 90 ngàn đồng/kg.

Quy trình giết mổ heo tại lò giết mổ tập trung của Công ty TNHH Thy Thọ (TP.Long Khánh)  Ảnh: H.Quân
Quy trình giết mổ heo tại lò giết mổ tập trung của Công ty TNHH Thy Thọ (TP.Long Khánh) Ảnh: H.Quân

[links()]Giá thịt heo tăng cao vì nguồn cung khan hiếm nhưng cũng có phần nguyên nhân do giá thành sản phẩm chăn nuôi hiện cũng bị đội lên nhiều so với trước. Để giảm giá thịt heo, cần nhiều giải pháp đồng bộ.

* Gỡ bài toán khó về nguồn giống

Theo người chăn nuôi, giá con giống tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với thời điểm trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi đang là một trong những nguyên nhân chính khiến giá thành chăn nuôi bị đội lên. Cụ thể, với mức giá con giống từ 3-3,2 triệu đồng/con, cộng 3 triệu đồng tiền cám nuôi đến khi xuất bán thì giá thành heo hơi đã hơn 60 ngàn đồng/kg. Đây cũng là khó khăn không nhỏ cho người chăn nuôi khi muốn đầu tư tái đàn.

Theo Bộ NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, cả nước đã nhập hơn 3 ngàn con heo giống cụ kỵ và có khoảng 12 ngàn con heo đang đăng ký nhập về. Việc tăng đàn heo giống này sẽ góp phần giải quyết khó khăn lớn nhất của người chăn nuôi hiện nay là nguồn heo giống khan hiếm, giá bị đội lên cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Vũ Văn Thanh, hộ chăn nuôi tại xã Tân An (H.Vĩnh Cửu) nhận xét, giá thành nuôi heo hiện nay đội lên gần gấp đôi so với giai đoạn trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi. Nguyên nhân khiến giá thành tăng cao chủ yếu do giá con giống quá cao, mặt khác tỷ lệ hao hụt đàn hiện nay lớn hơn nhiều so với trước vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Đây cũng là lý do khiến giá heo hơi luôn “bền vững” ở mức cao ngoài nguyên nhân chính là nguồn cung khan hiếm.  “Muốn khuyến khích người chăn nuôi tái đàn không nên ép giá heo hơi xuống quá thấp mà nên để thị trường tự điều tiết. Việc bình ổn giá heo hơi phải là giải pháp lâu dài từ việc ổn định giá heo giống, chi phí chăn nuôi chứ không phải là yêu cầu hành chính như hiện nay” - ông Thanh nói.

Người dân chọn mua sản phẩm thịt heo tại chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) Ảnh: HẢI QUÂN
Người dân chọn mua sản phẩm thịt heo tại chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) Ảnh: HẢI QUÂN

Một khó khăn không nhỏ hiện nay với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là dù sẵn sàng trả giá rất cao nhưng không phải lúc nào họ cũng có thể mua được con giống. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh con giống lớn, chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hầu như chỉ cung cấp heo giống cho các trang trại chăn nuôi trong hệ thống, không cung cấp ra ngoài thị trường.

* Cần chính sách hỗ trợ

Hiện ngành chăn nuôi đang chịu ảnh hưởng sau hơn 1 năm xảy ra dịch tả heo châu Phi. Trong đó, vì đàn nái thiệt hại nặng nề nên muốn đầu tư lại đàn nái, cần chi phí rất lớn. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, khâu yếu nhất của chăn nuôi nội địa vẫn là ở sản xuất con giống. Hiện một con nái nội địa sản xuất ra heo con giống thấp hơn nhiều mức trung bình của các nước trên thế giới.

Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến giá con giống tăng quá cao như hiện nay. Theo ông Công: “Hiện người chăn nuôi muốn tái đàn gặp rất nhiều khó khăn vì phải tự xoay xở, hầu như không tiếp cận được nguồn vốn vay vì đầu tư nhiều rủi ro do khả năng dịch tái phát vẫn cao. Nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi, trong đó cần hỗ trợ khâu yếu nhất là sản xuất con giống”.

Đồ họa thể hiện tổng đàn heo của Đồng Nai và giá heo hơi trên thị trường từ tháng 2-2019 đến nay. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện tổng đàn heo của Đồng Nai và giá heo hơi trên thị trường từ tháng 2-2019 đến nay. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

Nói về định hướng phát triển đàn heo của tỉnh trong thời gian tới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh khẳng định, Đồng Nai sẽ tiếp tục tăng cường tái đàn, phát triển đàn heo. Tuy khuyến khích tái đàn nhưng tỉnh cũng kiểm soát chặt chẽ, chỉ cho các cơ sở tái đàn khi đạt điều kiện an toàn dịch bệnh. Việc tái đàn hiện đang gặp một số khó khăn vì tổng đàn giống bị thiệt hại nặng do dịch tả heo châu Phi.

Theo đó, người chăn nuôi, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ muốn tái đàn gặp khó khăn về nguồn heo giống, giá heo giống đang ở mức cao. Tỉnh sẽ vận động các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, phát triển đàn giống để có nguồn con giống cung cấp cho người chăn nuôi; liên kết với người nông dân để cung cấp giống, kỹ thuật nhằm đảm bảo tái đàn an toàn. Tỉnh sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người chăn nuôi tái đàn, đặc biệt là phát triển đàn heo giống.

Người tiêu dùng chọn mua các loại thịt heo tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa
Người tiêu dùng chọn mua các loại thịt heo tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, qua tổng kết công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi có nhiều mô hình rất hiệu quả, nhiều doanh nghiệp làm rất tốt mà địa phương cần nhân rộng. Tuy nhiên, việc khôi phục chăn nuôi, trong đó có đàn giống, thì cần thêm nhiều thời gian.

Nhằm khuyến khích tăng đàn, tái đàn, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải cung cấp vốn lãi suất ưu đãi cho người chăn nuôi tái đầu tư; tháo gỡ khó khăn về quỹ đất cho chăn nuôi; xây dựng các chuỗi sản phẩm chăn nuôi an toàn… Đồng Nai cần tổng kết lại và đề ra cơ chế hỗ trợ cụ thể, phù hợp với thực tế cho người chăn nuôi tái đàn, phát triển đàn ngoài hỗ trợ về vốn, đất đai…góp phần đảm bảo sự tăng trưởng của toàn ngành Nông nghiệp.                

Lê Quyên

 

Tin xem nhiều