Báo Đồng Nai điện tử
En

Nên để thị trường điều tiết giá thịt heo

08:05, 06/05/2020

Thời gian qua, Chính phủ và Bộ NN-PTNT đã triển khai nhiều giải pháp để bình ổn giá thịt heo trên thị trường và chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trong bối cảnh xảy ra dịch Covid-19.

Thời gian qua, Chính phủ và Bộ NN-PTNT đã triển khai nhiều giải pháp để bình ổn giá thịt heo trên thị trường và chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trong bối cảnh xảy ra dịch Covid-19. Theo đó, vào đầu tháng 4, một số doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi đã giảm giá heo hơi nhưng chỉ một thời gian ngắn, giá heo hơi lại “quay đầu” tăng cao trở lại.

Theo người chăn nuôi, giá heo hơi đang ở mức cao là do nguồn cung khan hiếm và là giá thực của thị trường. Trong đó, có nguyên nhân do giá con giống và chi phí chăn nuôi tăng quá cao khiến giá thành 1kg heo hơi đội lên cao. Việc bình ổn giá heo hơi phải là giải pháp lâu dài từ việc ổn định giá heo giống, chi phí chăn nuôi…, chứ không phải là yêu cầu hành chính như hiện nay. Mặt khác, tỷ lệ hao hụt trong chăn nuôi hiện nay khoảng 30-35% tổng đàn, cao hơn rất nhiều so với mức 3-5% thời chưa xuất hiện dịch tả heo châu Phi, do đó mức giá thành heo hơi có thể cao hơn nhiều so với mức giá trên 60 ngàn đồng/kg.

Giá thịt heo tăng mạnh chủ yếu do nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu, bởi tổng đàn heo thịt đã giảm mạnh sau khi dịch tả heo châu Phi xảy ra. Giải pháp để giá heo hơi “hạ nhiệt” và ổn định một cách bền vững là khuyến khích tăng đàn, tái đàn để cân bằng cán cân cung - cầu của thị trường. Để đạt mục tiêu này, thị trường phải chấp nhận giá heo cao trong giai đoạn nguồn cung ít nhằm khuyến khích người chăn nuôi mạnh dạn đầu tư trong điều kiện rủi ro dịch bệnh lớn như hiện nay.

Việc giảm giá thịt heo cần giải pháp đồng bộ từ sản xuất qua các khâu trung gian đến tiêu thụ, chứ không chỉ dựa vào việc giảm giá ở khâu chăn nuôi. Đặc biệt, thực tế nhiều sản phẩm chăn nuôi, người nuôi bán rẻ nhưng người tiêu dùng lại phải mua với giá cao hơn gấp nhiều lần chủ yếu do các khâu trung gian đẩy giá. Trong đó có nguyên nhân từ việc quản lý ở các khâu này còn nhiều kẽ hở.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, hiện tổng đàn heo của Đồng Nai có hơn 2 triệu con, trong đó đàn heo của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm trên 53% tổng đàn, các doanh nghiệp trong nước chiếm trên 3% tổng đàn, chăn nuôi của các hộ cá thể tuy bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả heo châu Phi nhưng vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn, trên 43%. Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm hỗ trợ cho khu vực sản xuất nhỏ như trang trại, gia trại, HTX tái đàn, tăng đàn nhưng nhóm đối tượng này cũng gặp rất nhiều khó khăn như thiếu vốn, thiếu giống và thiếu điều kiện đảm bảo an toàn sinh học, về cả kỹ thuật lẫn cơ sở hạ tầng. Ở đây, chính quyền địa phương cần phải thể hiện vai trò của mình qua việc đề ra chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi liên kết cung cấp giống, kỹ thuật cho người chăn nuôi heo để phát triển chăn nuôi.

Vi Lâm

Tin xem nhiều