Báo Đồng Nai điện tử
En

Chú ý giá trị gia tăng của dự án FDI

08:05, 05/05/2020

Theo đánh giá của một số chuyên gia trên lĩnh vực kinh tế, Đồng Nai là cái nôi phát triển công nghiệp, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khá sớm so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhưng lại khá ít doanh nghiệp đầu tư dự án sản xuất các sản phẩm tiêu dùng để tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Theo đánh giá của một số chuyên gia trên lĩnh vực kinh tế, Đồng Nai là cái nôi phát triển công nghiệp, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khá sớm so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhưng lại khá ít doanh nghiệp đầu tư dự án sản xuất các sản phẩm tiêu dùng để tiêu thụ ở thị trường nội địa. Đây là một phần nguyên nhân khiến nguồn thu ngân sách nhà nước của tỉnh mấy năm gần đây tương đối khó khăn và năm 2020, Chính phủ phải điều chỉnh giảm thu ngân sách cho Đồng Nai.

Trong khi đó, Bình Dương là tỉnh giáp Đồng Nai, có bề dày phát triển công nghiệp sau Đồng Nai nhưng lại đi nhanh hơn và đã vượt trước trong thu hút đầu tư FDI và thu ngân sách nhà nước. Dù Đồng Nai vẫn nằm trong tốp 5 các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư FDI, nhưng trong danh sách, Bình Dương hiện đã vươn lên vị trí thứ 2 với gần 3.800 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 35 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Đồng Nai hiện mới có 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đến đầu tư, trong khi Bình Dương đã có đến 65 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào. Có thể Bình Dương đi sau trong thu hút đầu tư FDI nên đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các tỉnh, thành đi trước và tránh được một số hạn chế. Cụ thể, Đồng Nai có diện tích tự nhiên hơn 5,8 ngàn km2, gấp hơn 2 lần so với Bình Dương, nhưng diện tích dành cho phát triển các khu công nghiệp chỉ hơn 10 ngàn ha, trong khi Bình Dương lên đến 15 ngàn ha.

Thu hút đầu tư FDI của tỉnh từ đầu năm đến nay chậm lại, ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 còn do diện tích đất trong các khu công nghiệp còn rất ít. Vì thế, những tập đoàn FDI muốn thuê diện tích đất từ
10-20ha trong khu công nghiệp ở Đồng Nai để xây dựng nhà xưởng, văn phòng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh rất khó tìm. Nhiều doanh nghiệp FDI đã lựa chọn Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An vì quỹ đất trong các khu công nghiệp ở những tỉnh này vẫn còn rất nhiều.

Do đó, muốn tăng tốc trong thu hút FDI thì Đồng Nai phải làm nhanh quy hoạch sử dụng đất cho các khu công nghiệp mới và đề xuất Chính phủ phê duyệt. Sau đó, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng có năng lực để triển khai nhanh dự án để sớm thu hút nhà đầu tư thứ cấp.

Tuy nhiên, trong vấn đề thu hút các dự án FDI, ngoài những tiêu chí có sẵn, tỉnh Đồng Nai có thêm yêu cầu là cần chọn lựa các dự án có giá trị gia tăng cao, dù số vốn đầu tư ít. Đây là một trong những yếu tố nhằm nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào tỉnh. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh từng nhiều lần nhấn mạnh, Đồng Nai sẽ ưu tiên cho những dự án FDI tuy có vốn đăng ký thấp nhưng đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước và đem đến thu nhập cao cho người lao động. Đối với những dự án dù vốn đầu tư cao nhưng giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động phổ thông sẽ bị từ chối.

Vi Lâm

Tin xem nhiều