Báo Đồng Nai điện tử
En

Thay đổi để phù hợp với giai đoạn mới

11:04, 02/04/2020

Thời gian qua, Đồng Nai đã cơ bản thực hiện được việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng xác định được cây trồng, vật nuôi chủ lực để phát triển chuyên canh quy mô lớn.

Thời gian qua, Đồng Nai đã cơ bản thực hiện được việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng xác định được cây trồng, vật nuôi chủ lực để phát triển chuyên canh quy mô lớn.

Trang trại nuôi gà xuất khẩu đi Nhật Bản của ông Lê Văn Quyết tại TT.Long Thành, H.Long Thành. Ảnh: L.Quyên
Trang trại nuôi gà xuất khẩu đi Nhật Bản của ông Lê Văn Quyết tại TT.Long Thành, H.Long Thành. Ảnh: L.Quyên

[links()]Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh, trong giai đoạn mới, Đồng Nai tiếp tục tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, bền vững, đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu nhờ xây dựng tốt các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.

* Liên kết sản xuất hàng hóa lớn

Một trong những yêu cầu cơ bản trong tái cơ cấu nông nghiệp là xây dựng chuỗi liên kết nông dân lại với nhau để có diện tích lớn, sản xuất theo cùng một quy trình; tiếp đến là liên kết nông dân với doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho “đầu vào”, “đầu ra”, để tiêu thụ, chế biến nông sản một cách bền vững...

Theo đó, nhiều năm qua, Đồng Nai đã tích cực triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp vào chuỗi liên kết sản xuất nông sản cung cấp cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Với mục tiêu hình thành những dự án cánh đồng lớn đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách, ưu đãi để thu hút doanh nghiệp, nông dân vào chuỗi liên kết. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành được 120 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ cả trong trồng trọt lẫn chăn nuôi, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu trong cả nước về xây dựng chuỗi liên kết, đặc biệt là đầu tư dự án cánh đồng lớn.

Trang trại trồng thanh long ruột đỏ của ông Bùi Đình Anh tại xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) là mô hình hiệu quả của việc dồn điền, đổi thửa để có cánh đồng sản xuất lớn. Trang trại thanh long ruột đỏ rộng hơn 40ha này được hình thành từ sự góp tiền, góp đất của nhiều thành viên. Tuy mọi hoạt động của trang trại do ông Bùi Đình Anh quản lý, nhưng cuối năm các nhà đầu tư được chia lợi nhuận dựa trên tỷ lệ cổ phần đã góp.

Cùng mục tiêu liên kết để sản xuất lớn tăng lợi nhuận, ông Trần Quang, Giám đốc HTX Dịch vụ - thương mại nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) chia sẻ, HTX là chủ đầu tư dự án cánh đồng lớn trồng lúa, bắp sạch; đưa máy móc ra đồng; xây dựng chuỗi liên kết theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, an toàn nên bắp sạch được doanh nghiệp bao tiêu với giá tốt, ổn định. Gạo sạch bán ra thị trường cũng có giá cao hơn mặt bằng chung từ 1.000-1.200 đồng/kg. Nhờ đó, lợi nhuận của xã viên cao hơn nhiều so với trước. 

* Hướng mạnh đến xuất khẩu

Đồng Nai không thiếu các mặt hàng nông sản có thế mạnh về xuất khẩu. Chỉ tính riêng dòng hàng trái cây, Đồng Nai có những sản phẩm chủ lực như: chuối, xoài, bưởi, thanh long, chôm chôm... đang được thị trường xuất khẩu ưa chuộng. Để trái cây Đồng Nai đủ chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính, nông dân Đồng Nai ngày càng quan tâm tham gia chuỗi liên kết an toàn, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Trong đó, nhiều HTX tại các địa phương đã chủ động làm chủ đầu tư dự án cánh đồng lớn.

Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Thành Vinh cho rằng, lợi thế của Đồng Nai là cây ăn trái với nhiều loại đặc sản như: chôm chôm, sầu riêng, bưởi... có diện tích thuộc tốp đầu cả nước. Nhiều đặc sản trái cây của tỉnh như bưởi, chôm chôm đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Nông dân cũng ngày càng quan tâm đầu tư sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đáp ứng tốt những thị trường xuất khẩu khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… “Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung xây dựng chuỗi liên kết sản xuất an toàn cho nhiều mặt hàng trái cây nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm thế mạnh này” - ông Vinh khẳng định.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, một số HTX cũng đang trở thành đầu tàu hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, an toàn, đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu.

Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (TT.Long Thành, H.Long Thành) là HTX đầu tiên của Việt Nam nuôi gà xuất khẩu được vào thị trường Nhật Bản chia sẻ, chỉ một vài trang trại không đáp ứng được nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Ở đây cần phải liên kết rất nhiều thành viên gồm: người chăn nuôi, HTX, doanh nghiệp… nhằm hình thành chuỗi liên kết sản xuất với quy mô lớn đạt cả công suất, chất lượng. Ông Quyết cho biết: “HTX kiểu mới của chúng tôi thành lập ngày càng thu hút đông các thành viên tham gia vì đã từng bước tìm được lời giải cho bài toán khó về việc luôn giữ được cả về chất lượng lẫn sản lượng con gà theo yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu”.

Lê Quyên

Tin xem nhiều