Báo Đồng Nai điện tử
En

Tuổi già yêu thơ

07:01, 02/01/2018

Từ một người lính vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu năm 1969 đến Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy và cuối cùng là Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, gần 50 năm qua ông Lê Văn Liên (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ dù mỗi ngày phải chịu đựng sự đau đớn do vết thương thời chiến tranh để lại.

Từ một người lính vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu năm 1969 đến Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy và cuối cùng là Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, gần 50 năm qua ông Lê Văn Liên (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ dù mỗi ngày phải chịu đựng sự đau đớn do vết thương thời chiến tranh để lại.

Ông Lê Văn Liên bên tủ sách cất giữ tư liệu cá nhân.
Ông Lê Văn Liên bên tủ sách cất giữ tư liệu cá nhân.

“Còn sống sau cuộc chiến đã là quá tốt nên tôi luôn trân trọng thời gian sống mỗi ngày. Hiện giờ, tôi đã có thể thảnh thơi để viết hồi ký và làm thơ” - ông Liên tâm sự.

* Cống hiến tuổi xuân

Ông Lê Văn Liên là con thứ 4 trong một gia đình có 8 người con ở xã Trường Yên (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Thuở nhỏ, ông Liên đã phải vượt qua bao khó khăn để có thể đi học vì Mỹ liên tục tấn công miền Bắc bằng máy bay. Từ năm 1965-1968, hàng ngày ông phải đi bộ 12km từ nơi tản cư đến trường cấp 3 để học xong lớp 10 (khi đó ngành giáo dục ở miền Bắc áp dụng hệ thống trường phổ thông 10 năm, chia thành 3 cấp).

Trong suốt những năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông Lê Văn Liên đã được nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ (1969), Huân chương Chiến công hạng ba (1973). Sau ngày đất nước giải phóng, ông tiếp tục được trao Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng ba.

Năm 1968 khi học xong lớp 10, ông Liên có giấy gọi vào học tại Phân hiệu công nghiệp nhẹ Trường đại học tổng hợp Hà Nội. Nhưng trước lời kêu gọi tổng động viên chi viện cho miền Nam, ông Liên gác lại việc học để lên đường cùng bao bạn bè đồng trang lứa.

Đầu năm 1969, sau thời gian huấn luyện tại miền Bắc, ông Liên cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam bộ trong đội hình Công trường 5, quân chủ lực Miền (nay là Sư đoàn 5, Quân khu 7). Quá trình hành quân trên đường Trường Sơn, trong một lần máy bay Mỹ tấn công đội hình, ông Liên anh dũng cùng đồng đội cứu giúp những người bị thương, cá nhân ông đã cứu được 2 thương binh, đưa về 1 liệt sĩ. Với sự dũng cảm đó, ông được kết nạp Đảng ngay trên chặng đường hành quân, trước khi đặt chân đến miền Nam.

Sau 6 năm chiến đấu trên các mặt trận, từ miền Đông đến Tây Nam bộ, sang tận Campuchia..., đến năm 1975 và sau ngày thống nhất đất nước, ông Liên (khi đó là Chính trị viên đại đội) theo đơn vị đóng quân bảo vệ một số địa phương thuộc Đông Nam bộ. Nhưng một thời gian sau, các vết thương trở nặng, bị đau cột sống nên ông Liên phải về Bệnh viện 7B điều trị, an dưỡng hơn 6 tháng, đến cuối năm 1976.

“Năm 1973, trong trận chống càn ở tỉnh Long An, tôi bị ngất xỉu hơn 12 tiếng do bị pháo địch bắn sập hầm. Lúc được đưa về tuyến sau chữa trị, tôi mới biết mình bị sức ép vào cột sống, ảnh hưởng đến tận bây giờ. Sau khi dưỡng bệnh xong, tôi được đưa đi học tại Trường Nguyễn Ái Quốc VIII (nay là Học viện Chính trị khu vực 2) và đến năm 1979 thì được điều động về công tác tại Trường sĩ quan lục quân 2 (nay là Trường đại học Nguyễn Huệ)” - ông Liên kể lại.

Khi công việc nơi giảng đường đã ổn định, đầu năm 1980, ông Liên đưa vợ vào Đồng Nai sinh sống và làm việc tại Trường sĩ quan lục quân 2.

Được đồng đội hỗ trợ, ông đến các khu rừng ở huyện Cẩm Mỹ chặt tre đưa về dựng căn nhà tạm cho mái ấm nhỏ của mình. Ở quê hương mới, vợ ông lần lượt sinh 2 cô con gái. Đó cũng là thời gian hạnh phúc nhất cuộc đời ông sau nhiều năm chiến đấu và chống chọi cùng vết thương tái phát để đi học.

Đến năm 1985, ông Liên chuyển ngành sang công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy. Ở cương vị mới, ông Liên lại phấn đấu không mệt mỏi và san sẻ trách nhiệm gia đình cùng vợ.

Năm 1996, ông Liên được đề bạt làm Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy. Đến tháng 6-2010, sau gần 15 năm công tác tại cương vị này, ông Liên về hưu và chuyển sang làm Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh.

“Lúc mới nghỉ hưu cũng có nhiều Hội mời tham gia công tác, nhưng tôi quyết định tham gia Hội Cựu chiến binh tỉnh vì ở đó có nhiều đồng đội cũ” - ông Liên chia sẻ.

* Góp hương cho đời

Cha mẹ ông Lê Văn Liên vốn là nông dân, chỉ tham gia lớp bình dân học vụ nhưng lại thuộc làu Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm và thường đọc cho ông Liên nghe từ lúc nhỏ. Dần dà, tình yêu đối với thơ ăn sâu vào tiềm thức của ông Liên. Từ những ngày còn học tiểu học ở quê, ông Liên đã tập tành làm thơ, tả phong cảnh và cuộc sống người nông dân ở quê khi đó.

Ông Lê Văn Liên (trái) trao nhà đồng đội cho một cựu chiến binh ở huyện Cẩm Mỹ khi còn là Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh.
Ông Lê Văn Liên (trái) trao nhà đồng đội cho một cựu chiến binh ở huyện Cẩm Mỹ khi còn là Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh.

Đến khi lên đường vào miền Nam chiến đấu, ông Liên tiếp tục viết nhật ký, ghi chép lại những điều mắt thấy, tai nghe và những cuốn sổ giấy ố vàng chi chít chữ ấy đến giờ ông vẫn còn lưu giữ.

Sức viết của ông Liên rất khỏe, đến nay ông đã xuất bản được 3 tập thơ: Một thời chiến tranh - một thời hòa bình (Nhà xuất bản Thanh Niên, năm 2004), Miền lau trắng (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2009) và Hạnh phúc (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2017).

“Hầu như mỗi dấu chân tôi bước đi trên chiến trường, mỗi vùng đất tôi đến đều được thể hiện qua thơ, từ lúc hành quân dọc Trường Sơn đến khi giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Nhưng tôi đặc biệt viết nhiều về TP.Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai, nơi mà tôi sống, gắn bó gần 40 năm nay. Năm 2008, tỉnh Đồng Nai tổ chức kỷ niệm 310 năm hình thành và phát triển, tôi được tặng giải nhì (năm đó không có giải nhất) về thơ cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật chào mừng Biên Hòa - Đồng Nai 310 năm” - ông Liên tâm sự.

Năm 2010, khi về hưu và chuyển công tác sang Hội Cựu chiến binh tỉnh, ông Liên còn tham gia thực hiện đặc san Đại đoàn kết, tổ chức các đơn vị trực thuộc viết bài và gửi đến ông biên tập. Với ông, cả cuộc đời đều gắn với làm thơ, viết báo. Mỗi khi mệt mỏi, những vần thơ lại như điểm tựa tâm hồn, giúp ông có thêm nghị lực bước về phía trước.

Ông Liên vẫn thường nói được trở về nhà sau chiến tranh, được gặp lại mẹ, cưới được vợ, cùng xây dựng tổ ấm và có 2 cô con gái đến nay đều thành đạt là điều khiến ông cảm thấy tuyệt vời nhất. Dù luôn mang sự đau đớn về thể xác do vết thương thời chiến tranh để lại, nhưng ông vẫn luôn gieo vào thơ của mình những niềm vui, hạnh phúc từ những điều nhỏ nhoi nhất để bất kỳ ai đọc cũng có thể đồng cảm và sẻ chia.

“Lần này thôi công tác tại Hội Cựu chiến binh tỉnh, coi như tôi về nghỉ chính thức. Có lẽ, tôi sẽ dành thời gian viết hồi ký hoặc tập hợp nhật ký từ thời ở chiến trường để viết lại rõ ràng hơn. Già rồi tôi chỉ muốn để lại một chút gì đó, sau này con cháu đọc được thì hiểu cuộc sống ngày trước của cha ông như thế nào, để rồi tự phấn đấu trong hiện tại, xem như để lại chút hương cho đời” - ông Liên bộc bạch.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều