Báo Đồng Nai điện tử
En

"Cuộc chiến" với cây mai dương

07:12, 30/12/2017

Năm 2016, UBND tỉnh giao cho Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) thực hiện dự án "kiểm soát, ngăn ngừa sự xâm lấn của cây mai dương tại khu vực hồ Trị An".

Năm 2016, UBND tỉnh giao cho Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) thực hiện dự án “kiểm soát, ngăn ngừa sự xâm lấn của cây mai dương tại khu vực hồ Trị An”. Qua 2 năm triển khai, Khu bảo tồn đã lập được bản đồ phân bố, xác định diện tích vùng bán ngập bị mai dương xâm lấn và đề xuất xây dựng mô hình kiểm soát, ngăn ngừa sự xâm lấn của nó ở vùng bán ngập.

Ông Nông Chính Triệu cho biết khu vực ông sản xuất, đánh bắt, cây mai dương ngày càng lấn sâu vào lòng hồ và bờ.
Ông Nông Chính Triệu cho biết khu vực ông sản xuất, đánh bắt, cây mai dương ngày càng lấn sâu vào lòng hồ và bờ.

Từ nhiều năm qua, cây mai dương (còn gọi là trinh nữ đầm lầy, mắt mèo) xâm lấn vùng bán ngập hồ Trị An với tốc độ rất nhanh, làm ảnh hưởng đến nhiều mặt, như: sinh thái, kinh tế, xã hội của vùng hồ.

* “Phá” nồi cơm của dân

Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, TS.Trần Văn Mùi nhấn mạnh kết quả tổng kết kinh nghiệm phòng trừ cây mai dương trong và ngoài nước đều thống nhất quan điểm là rất khó diệt trừ tận gốc loài cây này. Vì vậy, diệt trừ cây mai dương rất khó khăn đối với các vùng đất ngập nước của Việt Nam và cả các nước trên thế giới. Giải pháp hiệu quả nhất trong việc diệt trừ cây mai dương là cần có biện pháp toàn diện, tổng hợp, kiên trì và có sự tham gia của cộng đồng.

Sống ven hồ Trị An mấy chục năm nay, ông Nông Chính Triệu (ngụ ấp 1, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) lên án loài mai dương: “Nó phá lưới và môi trường sinh sản của thủy sản. Còn về sản xuất, nó lấn át cây lúa, hoa màu nên nông dân không thể tranh thủ tháng lòng hồ Trị An rút nước để gieo trồng được nữa”.

Trước kia, ông Triệu và các hộ dân gần nhà có nuôi ít con dê. Nhờ loài dê khoái khẩu đọt, lá cây mai dương và hàng ngày giẫm đạp lên cây mai dương nên nó chậm phát triển. Nay mọi người không còn nuôi dê nên cây mai dương mọc lấn xuống lòng hồ và lên bờ. “Cây mai dương có thể ngâm mình dưới nước vài tháng vẫn không chết” - ông Triệu cho biết.

Còn ông Tư Hổ (ngụ ấp 3, xã Mã Đà) thì kể tội cây mai dương, vào tháng hồ Trị An tích nước, cây mai dương bị nhấn chìm theo nên ngư dân không biết nơi nào không có mai dương để thả lưới. Một khi thả lưới trúng vào đám mai dương thì lưới bị rách, không bắt được cá. Hơn nữa, cá cứ tìm các đám mai dương để tránh thì ngư dân như ông Tư Hổ đành “bó tay”.

Nghe ông Tư Hổ ta thán, cán bộ Phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác (Khu bảo tồn) Bùi Hữu Điệp khẳng định cây mai dương “bảo vệ” loài cá trước sự đánh bắt của ngư dân (có thể làm nguồn thủy sản ở hồ Trị An cạn kiệt) chỉ đúng một phần; bởi cây mai dương không có lợi cho môi trường sinh sản và cư trú của nhiều loại thủy sản vì nó có nhiều chất độc và gai nhọn gây thương tổn cho thủy sản trong việc di chuyển, tìm nguồn thức ăn.

Kiểm lâm viên Nguyễn Nhật Quang (Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn) cho chúng tôi biết về những bất lợi của cây mai dương với những chuyến tuần rừng gặp phải những bãi mai dương dày đặc, vượt qua rất chật vật. Vì vậy, với cán bộ kiểm lâm của Khu bảo tồn, việc bị cây mai dương cào rách quần áo và da thịt bình thường như bị vắt, muỗi, kiến đốt khi đi tuần rừng.

* Sự dũng mãnh bất lợi

Cây mai dương có tên khoa học là Mimosa Pigra L (thuộc chi trinh nữ, phân họ trinh nữ của bộ đậu), dạng bụi, đa niên, thường mọc ở nơi trống, đất ẩm ướt. Thân mai dương dài đến 6m, phân nhiều nhánh, trên thân và cành có nhiều gai nhọn. Cây có thể ra hoa, tạo hạt quanh năm, một cây sản sinh được khoảng 9 ngàn hạt/năm. Cây sinh sản bằng hạt và tái sinh bằng chồi; hạt mai dương sau khi rụng xuống có thể nảy mầm sau hơn 20 năm. Cây mai dương chịu được ngập lụt trong thời gian dài và cũng chịu được khô hạn.

Cây mai dương luôn gây khó khăn cho bước chân tuần rừng của các kiểm lâm viên Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.
Cây mai dương luôn gây khó khăn cho bước chân tuần rừng của các kiểm lâm viên Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác (Khu bảo tồn) Nguyễn Văn Hiệp cho rằng cây mai dương có tốc độ xâm lấn rất nhanh, sức sống mãnh liệt, được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) liệt vào danh sách 100 loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Ở Việt Nam, mai dương được liệt kê là một trong 7 loài thực vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất.

Về mặt sinh thái, một số công trình nghiên cứu ghi nhận cây mai dương xâm lấn làm thay đổi cấu trúc thành phần loài thảm thực vật, làm giảm cấu trúc và chức năng của hệ sinh thái; giảm tính đa dạng sinh học, thành phần dinh dưỡng trong đất, thành phần và độ phong phú của hệ động - thực vật bản địa; làm mất nơi ở của các loài cá và chim nước; làm mất nơi lấy nước, thức ăn của nhiều loài động vật, kể cả con người do mất ngư trường đánh bắt các loài thủy sản và sự xâm lấn của cây mai dương cũng làm giảm số lượng vi sinh vật có trong đất, từ đó ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái của khu vực.

Về mặt kinh tế - xã hội, sự xâm lấn của cây mai dương gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, làm giảm năng suất cây trồng, tăng chi phí sản xuất, giảm diện tích canh tác. Khi cây mai dương xâm lấn kênh, mương sẽ gây cản trở giao thông, thủy lợi, mất cảnh quan môi trường đô thị và cảnh quan của các điểm du lịch sinh thái tự nhiên.

Năm 1997, Viện Bảo vệ thực vật (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) đã ghi nhận tại khu vực hồ Trị An có khoảng 7 ngàn hécta diện tích vùng đất bán ngập bị mai dương xâm lấn, với mật độ nhiều nơi dày đặc trên 10 ngàn cây con/m2.

Năm 2016, Khu Bảo tồn đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước thực hiện dự án điều tra sự phát tán của cây mai dương ở vùng bán ngập ở hồ Trị An. Kết quả điều tra ghi nhận cây mai dương đã xâm chiếm trên 8,7 ngàn hécta vùng đất bán ngập. Sau gần 10 năm, cây mai dương đã phát triển trên 1,7 ngàn hécta so với diện tích ban đầu.

Giám đốc Khu bảo tồn, TS.Trần Văn Mùi cho biết thêm, từ nhiều năm qua đã có nhiều chương trình nghiên cứu về các biện pháp diệt trừ mai dương và có nhiều nơi áp dụng, nhưng chưa hiệu quả. Có nơi dùng biện pháp hóa học như dùng thuốc diệt cỏ để phòng trừ, nhưng sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của khu vực.

“Có nơi áp dụng biện pháp sinh học bằng cách cho gia súc (dê, bò) ăn lá non, nhưng phạm vi áp dụng mang tính nhỏ lẻ. Dùng thân mai dương để làm nguyên liệu trồng một số loại nấm thì giá thành cao, trong khi diện tích quá lớn nên không khả thi. Có nơi dùng biện pháp cơ giới, thủ công thì chi phí diệt trừ quá lớn nên cũng không khả thi. Còn việc chặt đốt mai dương chỉ làm giảm sinh khối nên không thể diệt trừ tận gốc loài cây nguy hại này. Do đó, cần có biện pháp tổng hợp, kiên trì và có sự tham gia của cộng đồng mới có hiệu quả cao” - TS.Trần Văn Mùi nói.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều