Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Loạn khai thác đá

07:12, 28/12/2017

Đất, đá là khoáng sản, nếu muốn khai thác phải được các cơ quan chức năng cấp phép. Tuy nhiên, có một thực trạng là việc mua bán, khai thác đất, đá đang diễn ra tại huyện Trảng Bom rất ngang nhiên.

[links()]Đất, đá là khoáng sản, nếu muốn khai thác phải được các cơ quan chức năng cấp phép. Tuy nhiên, có một thực trạng là việc mua bán, khai thác đất, đá đang diễn ra tại huyện Trảng Bom rất ngang nhiên.

 Xe tải ben chở đất, đá tại một nơi khai thác “chui”.
Xe tải ben chở đất, đá tại một nơi khai thác “chui”.

Lâu nay, khu vực ấp 3 và 6 của xã Sông Trầu được coi là điểm nóng về khai thác đá “chui”. Việc này kéo dài đã nhiều năm khiến đất ruộng, vườn… một số khu vực trong vùng bị xới tung lên nham nhở.

* Liên tục bị bắt quả tang

Những khu đất trước đây người dân trồng điều, mía, chuối…, nhưng từ nhiều năm qua, bà con đã bỏ hẳn việc làm nông để chuyển sang cho thuê hoặc bán đất vườn cho các thương lái, cơ sở, doanh nghiệp khai thác đá.

Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Trảng Bom, từ đầu năm 2017 đến nay UBND huyện đã tổ chức 3 đợt kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện. Qua đó, đã xử lý 33 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và 32 trường hợp vận chuyển khoáng sản vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

“Đá mồ côi được khai thác nhiều nhất ở xã Sông Trầu. Ban ngày không khai thác được thì họ khai thác ban đêm, ngày nghỉ lễ. Dễ phát hiện nhất là bám theo những chiếc xe chở đá, bởi ngày nào cũng có vài chục chiếc vào ra ầm ĩ” - ông Nguyễn Văn L. (ngụ ấp 1, xã Sông Trầu) cho hay.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đồng Nai, hầu hết các điểm khai thác đá nằm trong vườn của người dân với danh nghĩa cải tạo đất vườn. Đây là thỏa thuận giữa chủ đất và người có nhu cầu khai thác đá, nhờ vậy mà nhiều cơ sở có thể vô tư đưa phương tiện vào xới tung mặt đất để móc đá. Thậm chí, người ta mang cả máy móc vào tận nơi chẻ đá thành từng khối rồi cho xe tải chở đi tiêu thụ mà không gặp chút khó khăn nào.

Dù lực lượng chức năng liên tục kiểm tra và xử lý, nhưng đến nay tình trạng khai thác đất, đá “chui” vẫn cứ như bắt cóc bỏ dĩa. Vì lợi nhuận thu được từ hoạt động này rất lớn nên không ít trường hợp đã bị xử phạt về hành vi khai thác đất trái phép, nhưng sau đó vẫn tái diễn.

Lúc 21 giờ 30 ngày 20-12, tại ấp 6, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom), Công an huyện Trảng Bom phát hiện xe cuốc đang múc đá cục lên xe tải ben biển số 60C-31.001 do tài xế Nguyễn Xuân Khương (33 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Cửu) điều khiển. Làm việc với công an, chủ đất Nguyễn Tấn Lợi (ngụ ấp 6, xã Sông Trầu) khai do đất có nhiều đá, canh tác nông nghiệp không có hiệu quả nên cách đây 1 tháng ông đã thuê xe cuốc móc đá cải tạo đất. Do số đá lớn nên ông đã thuê xe ben chở đi huyện Vĩnh Cửu bán.

Trước đó, vào rạng sáng 28-11, tại thửa đất thuộc ấp 6, xã Sông Trầu (do ông Phạm Việt Hà, ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom làm chủ), Công an huyện Trảng Bom phối hợp UBND xã Sông Trầu tiến hành kiểm tra, phát hiện 1 xe múc đang múc đá cục đổ lên xe tải ben biển số 60C-374.10 nhằm vận chuyển đi bán. Làm việc với cơ quan công an, ông Hà thừa nhận hoạt động khai thác đá không có giấy phép.

Không chỉ việc khai thác đá “lách luật” theo dạng hợp đồng cải tạo đất, san lấp mặt bằng, tình trạng khai thác đất ở một số xã của huyện Trảng Bom, như: Hưng Thịnh, Sông Thao, Hố Nai 3… cũng được tiến hành theo cách tương tự. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, tại những vị trí xin cải tạo đất, sau khi lấy xong đất, đá không hề đem về san lấp ở những chỗ thấp, trũng trong cùng một diện tích đó mà đã được đưa đi nơi khác tiêu thụ. Điều này hoàn toàn trái với quy định của Luật Khoáng sản năm 2010.

Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 64 Luật Khoáng sản năm 2010, người được giao sử dụng đất ở, đất nông nghiệp (là hộ gia đình, cá nhân) được phép khai thác đất (là vật liệu xây dựng thông thường) để sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng, nhưng chỉ sử dụng để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó.

Trường hợp việc khai thác đất là vật liệu xây dựng thông thường, nhưng không sử dụng để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó hoặc khai thác khoáng sản khác (không phải là vật liệu xây dựng thông thường) trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đều phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

* Không cho cải tạo đất nông nghiệp làm vật liệu san lấp

Trao đổi với phóng viên, Phó trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Trảng Bom Ngô Đức Vượng cho biết trên thực tế ít có trường hợp làm các thủ tục xin giấy phép tận thu trong quá trình cải tạo đất. Bởi, việc lập hồ sơ, thủ tục xin cải tạo kết hợp tận thu đất, đá hiện nay còn nhiều phức tạp, như: phải lập bản đồ địa hình, bản đồ thiết kế, lập phương án tận thu…

Sau khi đất bị khai thác, xe ben chạy liên tục gây bụi bặm, người dân phải tưới nước để ngăn những cơn “bão” bụi ảnh hưởng đến cuộc sống.
Sau khi đất bị khai thác, xe ben chạy liên tục gây bụi bặm, người dân phải tưới nước để ngăn những cơn “bão” bụi ảnh hưởng đến cuộc sống.

Ngoài ra, từ ngày 1-9 trở đi, theo văn bản số 6943/UBND-CNN về việc chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong hoạt động cải tạo đất nông nghiệp, lâm nghiệp có thu hồi đất làm vật liệu san lấp, bùn chấp, đá bazan bọt dạng lăn làm vật liệu xây dựng, UBND tỉnh sẽ không giải quyết việc cải tạo đất nông, lâm nghiệp làm vật liệu san lấp. Do đó, việc tận thu khoáng sản không xin phép là vi phạm pháp luật.

Cũng theo ông Vượng, do lực lượng mỏng nên ngành chức năng không thể giám sát suốt mọi thời gian. Khi xảy ra hiện tượng khai thác đất, đá trái phép, chính quyền cấp xã là nơi phải nắm rõ nhất. Vì vậy, không có chuyện chính quyền địa phương không hay biết mà thường buông lỏng, ngó lơ.

Lý giải về tình trạng khai thác đất, đá tại huyện Trảng Bom diễn ra tràn lan nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm, Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Lương Thị Lan cho rằng hoạt động khai thác thường diễn ra ngoài giờ hành chính, các đối tượng khai thác đất, đá cho người canh chừng, đeo bám đoàn kiểm tra, hay canh chừng trên các tuyến đường vào nơi khai thác; nếu phát hiện có người lạ thì thông báo cho chủ khai thác ngưng hoạt động, tẩu tán phương tiện gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý.

Bà Lan cũng nhấn mạnh hiện nay không có tình trạng địa phương bao che cho việc khai thác đất, đá trái phép. Từ Bí thư Đảng ủy xã đến Chủ tịch UBND xã đều nắm rõ vấn đề này, nhưng do địa bàn rộng nên khó quản lý, bao quát được hết các hoạt động của những nơi khai thác “chui”.

“Huyện đã kiến nghị Sở Công thương rút giấy phép của những cơ sở khai thác đã cấp phép, nếu trường hợp nào cố tình không chấp hành sẽ tiến hành cắt điện không cho hoạt động” - bà Lan khẳng định.

Việc khai thác đất, đá tràn lan không chỉ trái pháp luật, ảnh hưởng đến cuộc sống, việc đi lại của người dân ở địa phương, mà còn khiến một lượng lớn tài nguyên khoáng sản bị thất thoát. Nếu được phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác đất, đá trái phép sẽ không xảy ra tình trạng một số người dân “lách luật” bằng cách xin cải tạo đất, nhưng thuê máy móc ồ ạt chở đất, đá đem đi bán như hiện nay.

Nhóm P.V

Tin xem nhiều