Báo Đồng Nai điện tử
En

Lặng thầm lính… hồ sơ

10:03, 26/03/2017

Trong lực lượng công an nhân dân, bên cạnh những đơn vị trực tiếp đấu tranh với tội phạm được nhiều người biết đến, như: cảnh sát hình sự, cảnh sát kinh tế, cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy…, thì bộ phận hồ sơ nghiệp vụ là lực lượng âm thầm hỗ trợ các đơn vị điều tra trong quá trình phá án, nhất là trong các chuyên án lớn.

Trong lực lượng công an nhân dân, bên cạnh những đơn vị trực tiếp đấu tranh với tội phạm được nhiều người biết đến, như: cảnh sát hình sự, cảnh sát kinh tế, cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy…, thì bộ phận hồ sơ nghiệp vụ là lực lượng âm thầm hỗ trợ các đơn vị điều tra trong quá trình phá án, nhất là trong các chuyên án lớn.

Cán bộ Phòng Hồ sơ nhập danh chỉ bản vào cơ sở dữ liệu phải đeo khẩu trang vì mùi hóa chất trên giấy.
Cán bộ Phòng Hồ sơ nhập danh chỉ bản vào cơ sở dữ liệu phải đeo khẩu trang vì mùi hóa chất trên giấy.

Phòng Hồ sơ (PV27) Công an tỉnh được thành lập năm 1976, cùng lúc với Ty Công an Đồng Nai (nay là Công an tỉnh). Sau 41 năm hoạt động, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) thuộc PV27 vẫn thường xuyên trau dồi nghiệp vụ, áp dụng khoa học - kỹ thuật để giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho những cá nhân, đơn vị có nhu cầu tra cứu thông tin, góp phần không nhỏ vào việc phá án, quản lý hồ sơ các đối tượng có tiền án...

* Gian nan bảo quản hồ sơ

Thượng tá Bùi Duy Vè, nguyên Phó trưởng phòng PV27, cho biết tuy chỉ là đơn vị nghiệp vụ ở “hậu trường” nhưng nỗi vất vả của CBCS bộ phận hồ sơ không thua kém các đơn vị chuyên “đánh án”. Thời ông Vè về công tác tại PV27 (tháng 6-1989), các kho chứa hồ sơ chỉ có quạt máy, nhà kho đặt dưới hầm nên rất bí hơi. Tủ chứa hồ sơ chỉ là các hộc gỗ, mỗi trang hồ sơ đều xịt thuốc chống mối nên có mùi rất khó chịu, nhiều người tiếp xúc lâu năm với các hồ sơ có xịt thuốc chống mối khi về hưu đã mắc các bệnh về hô hấp.

“Hầm chứa hồ sơ được xây dựng sau các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc. Vì chứa các hồ sơ bí mật nên cần cất giữ kỹ, đề phòng chiến tranh lan rộng cũng không bị hư hại nhiều. Việc chống cháy nổ, ngập nước, mối mọt... vốn là việc ngoài chuyên môn nên khiến anh em trong đơn vị vất vả nhất. Do cơ sở vật chất thời kỳ cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 trước đây còn xập xệ, kho đặt dưới hầm nên mỗi khi trời mưa mà đường thoát nước bị tắc, nước lại tràn vào kho. Lãnh đạo đơn vị mỗi khi thấy mưa lớn, nhất là vào ban đêm, đều phải nhanh chóng điều người vào kho kiểm tra, xử lý ngay nếu nước tràn từ đường quạt thông gió vào, cũng “căng” lắm” - ông Bùi Duy Vè nhớ lại.

Trước đây cán bộ Phòng Hồ sơ tra cứu thông tin bằng phương pháp thủ công, hiện nay nhờ ứng dụng công nghệ thông tin nên công việc đỡ vất vả hơn.
Trước đây cán bộ Phòng Hồ sơ tra cứu thông tin bằng phương pháp thủ công, hiện nay nhờ ứng dụng công nghệ thông tin nên công việc đỡ vất vả hơn.

Những trang hồ sơ gắn liền với những chiến công, thành tích của Công an tỉnh hàng chục năm qua phần nhiều là những mẩu giấy đã quá cũ, chất liệu giấy và mực in bị hư hại theo thời gian, chưa kể nhuốm đầy hóa chất bảo quản..., nên đảm nhận công tác này đòi hỏi CBCS bộ phận hồ sơ phải có tâm huyết, hết lòng với công việc.

Từ năm 1980, công việc của PV27 nặng về công tác phân loại, sắp xếp hồ sơ và đến khoảng đầu năm 1990 các hồ sơ mới phục vụ việc tra cứu. Hàng ngày, mỗi CBCS phân loại tờ khai, chỉ bản khoảng 150 bản/ngày (chỉ tiêu Bộ Công an giao mỗi người phân loại từ 100-120 bản/ngày). Việc sắp xếp gồm 2 giai đoạn: với tờ khai, mỗi người phải sắp xếp 350 tờ khai/ngày; với chỉ bản thì 200 bản/ngày.

Công tác tại PV27 từ năm 1989-2013, bà Vũ Thị Bích nhớ lại: “Công việc phân loại hồ sơ rất phức tạp, nhất là ở vị trí lăn vân tay; có địa phương lấy dấu vân tay rất rõ, có nơi bị nhòe nên qua thời gian bị mờ đi. Khi có yêu cầu, việc tra cứu hồ sơ của CBCS hoàn toàn bằng thủ công. Mãi đến những năm 2013-2014, chúng tôi mới tra cứu trên máy tính, riêng các chứng cứ vẫn phải tra cứu thủ công để lấy tờ khai có nét chữ, chữ ký, hình ảnh đầy đủ vì chỉ có bản gốc mới đem đi giám định vân tay, nét chữ được”.

* Những trang giấy “biết nói”

Ngày 27-3-1957 đánh dấu sự ra đời của một đơn vị chuyên trách đầu tiên của lực lượng hồ sơ công an nhân dân. Trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm, lực lượng công an nhân dân đã lập nhiều chiến công to lớn, tất cả những vụ án đó vẫn còn được thể hiện đậm nét trên mỗi trang hồ sơ lưu trữ, để lại cho các thế hệ sau nhiều bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu.

Những năm trở lại đây, việc áp dụng máy móc, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào việc nhập, xuất thông tin lưu trữ trên cơ sở dữ liệu giúp công việc của PV27 tiện lợi hơn. Tuy nhiên, không vì vậy mà công việc của CBCS trở nên nhàn nhã. Vào các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, hay lúc chuẩn bị nhân sự cho kỳ đại hội Đảng, bầu cử HĐND các cấp và đại biểu Quốc hội…, CBCS bộ phận hồ sơ phải “căng sức” làm việc. Như năm 2015, số lượng tra cứu thông tin nhân sự cho đại hội Đảng các cấp đã nâng tổng số lượt tra cứu cả năm của PV27 lên trên 50 ngàn lượt, gấp rưỡi so với các năm trước đó.

Trung tá Nguyễn Thị Thanh Thủy, Đội trưởng Đội Hồ sơ nghiệp vụ an ninh, cho biết: “Vào những lúc cao điểm, các đội khác phải cử người phụ chúng tôi tra cứu. Tuy nhiên do công việc nhiều, nhất là có những địa phương gửi yêu cầu trễ nên có lúc CBCS phải ở lại làm đến tối hoặc làm cả ngày nghỉ. Riêng năm 2016, đã có trên 40 ngàn yêu cầu tra cứu phục vụ bầu cử và chuyên môn nghiệp vụ được giải quyết. Để đạt được con số đó, phải nhờ sự hỗ trợ không nhỏ của hệ thống máy móc, nhân lực được tăng cường và mỗi người phải làm thêm việc mới đáp ứng nhiệm vụ”.

Thượng tá Nguyễn Thị Xuyến, Phó trưởng phòng PV27, cho biết hầu như mỗi ngày PV27 đều nhận yêu cầu tra cứu rất nhiều từ cơ quan trong và ngoài tỉnh. Những lúc cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, khi có chuyên án lớn…, công việc của CBCS PV27 trở nên căng thẳng, đòi hỏi phải tìm kiếm thông tin đối tượng thật nhanh và chính xác. Không ít lần công tác tra cứu đã giúp tìm được đối tượng chỉ từ những đầu mối thông tin hết sức đơn giản.

Như ngày 26-2-2015, PV27 Công an tỉnh nhận được yêu cầu của PV27 Công an tỉnh Hà Nam nhờ tra cứu thông tin về đối tượng tên Thương bị bắt trong một vụ án tàng trữ trái phép chất ma túy tại tỉnh Hà Nam vào đầu năm 2015. Bằng biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra thông tin trong hàng trăm ngàn hồ sơ lưu trữ, PV27 Công an tỉnh đã nhanh chóng xác định được lai lịch đối tượng, thậm chí biết Thương đã có tiền án, đang trốn lệnh truy nã của Công an tỉnh gần một năm.

Gần 25 năm gắn bó với PV27, bà Vũ Thị Bích kể, bà đã nhiều lần hỗ trợ tra cứu đối tượng bất kể đêm ngày, giúp cơ quan điều tra phá án. Như rạng sáng một ngày cuối tháng 4-2012, nhận được yêu cầu tra cứu thông tin về một đối tượng ngụ ở huyện Vĩnh Cửu chuẩn bị đi gây rối trật tự, bà Bích lập tức vào cơ quan lục trong đống hồ sơ để tìm hình ảnh, địa chỉ cụ thể của đối tượng. “Chỉ với tên đối tượng và địa phương đối tượng đang cư ngụ, tôi đã tự suy luận, áng chừng độ tuổi và mất hơn 1 giờ để tìm ra hình ảnh, tên tuổi, địa chỉ cụ thể. Với thông tin tôi cung cấp, cơ quan điều tra đã bắt gọn đối tượng ngay sáng đó, khi hắn chưa kịp gây án” - bà Bích nói.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều